Nhiều phụ nữ lo lắng tình trạng đau bụng kinh ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản nhưng điều này còn tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân dẫn tới cơn đau.
Đau bụng kinh là do prostaglandin, một axit béo không bão hòa có ở nhiều mô của cơ thể, liên quan đến việc gây ra các cơn đau, viêm và co thắt. Trong kỳ kinh, chúng sẽ kích hoạt các cơn co thắt ở tử cung. Nếu nồng độ prostaglandin quá cao sẽ dẫn tới các cơn đau dữ dội cùng một số triệu chứng khác như đau đầu, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Tình trạng đau bụng khi "đến tháng" hầu như diễn ra ở mọi phụ nữ. Nếu cơn đau sinh lý do nồng độ prostaglandin cao gây ra được gọi là đau bụng kinh nguyên phát. Tình trạng này không đáng lo ngại. Cơn đau sẽ có xu hướng giảm dần mức độ theo tuổi tác và sinh con.
Đau bụng kinh do bệnh lý hoặc một vài bất thường của cơ quan sinh sản được gọi là đau bụng kinh thứ phát. Đây là loại đau bụng kinh có thể ảnh hưởng tới quá trình thụ thai.
Đau bụng kinh nguy hiểm khi do bệnh lý nghiêm trọng gây ra. Ảnh: Shutterstock
Một số bệnh lý nghiêm trọng có thể gây đau bụng trong kỳ nguyệt san như lạc nội mạc tử cung, viêm tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng. Hầu hết các bệnh này tiến triển theo thời gian, chị em không có biểu hiện bất thường ngay lập tức mà phải rất lâu sau mới phát hiện ra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng mang thai, thậm chí gây vô sinh nếu không thăm khám kịp thời.
Ở một số phụ nữ, cơn đau bụng dữ dội diễn ra cả trong thời kỳ rụng trứng khiến cho việc quan hệ tình dục trở nên khó khăn, giảm tỷ lệ thụ thai của các cặp vợ chồng. Nếu cơn đau có xu hướng tăng lên, dai dẳng và bất thường, hãy tới các cơ sở chuyên khoa thăm khám sớm.
Cách làm giảm đau bụng trong kỳ kinh
Một số biện pháp có thể giúp giảm đau trong kỳ "đèn đỏ" của phụ nữ, nhưng điều quan trọng là phải xác định chính xác nguyên nhân gây ra các cơn đau để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Dùng thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai bằng nội tiết tố được kê đơn nhằm kiểm soát các triệu chứng liên quan đến đau bụng kinh. Tuy nhiên, đây là phương án không phù hợp với người đang có ý định mang thai.
Thuốc giảm đau không kê đơn: như ibuprofen, acetaminophen hoặc naproxen. Để thuốc có tác dụng tốt nhất, hãy uống khi có triệu chứng báo hiệu kỳ kinh sắp tới thay vì chờ tới cơn đau bụng kinh mới sử dụng.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc giảm đau bởi nhiều ý kiến cho rằng những thuốc này có thể gây tác dụng phụ như cản trở quá trình rụng trứng, làm giảm khả năng thụ thai... Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào xác thực về điều này.
Ngoài thuốc giảm đau, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung, buồng trứng hay cơ quan sinh sản nào đó trong trường hợp đau bụng kinh thứ phát. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khoa sản trước khi cân nhắc phẫu thuật, bởi việc cắt bỏ có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.
Bảo Bảo (Theo Verywell Family)