Nếu em bé thường òa khóc khi gặp người lạ, rất có thể là vì 4 lý do sau đây.
Có rất nhiều lý do khiến em bé khóc, có thể là vì đau ốm hoặc sợ hãi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể như nhìn thấy người lạ, em bé bỗng dưng òa khóc, lúc này người mẹ nên quan tâm hơn tới nguyên nhân đằng sau.
Cô Lệ vừa mới sinh em bé vào tháng 10 năm ngoái. Cô ít khi đưa con ra ngoài dạo chơi, phần lớn thời gian ở nhà chăm sóc bé. Gần đây, khi thời tiết ấm dần lên, hoa nở rộ, cô bắt đầu nghĩ tới việc nên đưa con ra ngoài để tiếp xúc với thiên nhiên. Cô hy vọng điều này có thể làm tăng tính tò mò, cải thiện trí thông minh cho con mình.
Con trai cô Lệ òa khóc khi được người lạ bế. (Ảnh minh họa)
Tình cờ vào một ngày, cô Lệ đang đẩy xe đi dạo trong công viên thì có một nhóm phụ nữ đang nhảy múa. Nhìn thấy em bé nằm trên xe đẩy quá đáng yêu, mọi người xúm lại nhìn và trò chuyện.
Lúc đầu, em bé rất vui vẻ khi nhìn thấy mọi người. Từ lúc sinh ra đến nay, đây là lần đầu tiên em bé tiếp xúc với nhiều người lạ như vậy. Một trong số những người này xin phép người mẹ muốn được bế đứa trẻ một chút. Khi em bé đối mặt với người dì này bỗng dưng òa khóc, ôm chặt vòng tay mẹ không chịu buông.
Khi thấy phản ứng của em bé như vậy, người dì này nói: "Có vẻ em bé sợ tôi thì phải". Nghe thấy vậy, cô Lệ cảm thấy ngại nên vừa dỗ con vừa nói: "Không phải đâu dì. Bé nhà cháu lần đầu tiên được ra ngoài, chưa quen với môi trường nên lạ lẫm với mọi thứ, nhìn thấy toàn người lạ thế này nên không tránh khỏi việc sợ hãi".
Tại sao trẻ bỗng dưng khóc khi nhìn thấy người lạ?
Trẻ khóc có nhiều nguyên nhân khác nhau, không phải là mê tín nhưng người mẹ nên chú ý tới 4 điều sau:
1. Nhận biết người lạ, người quen
Mẹ là người em bé cảm thấy thân thiết nhất. Sau 3 tháng, em bé bắt đầu nhận biết được đâu là người lạ, đâu là người quen.
Trẻ sơ sinh có trí nhớ kém, đối mặt với mọi thứ mới lạ xung quanh đều không lưu trữ thông tin vào não bộ ngoại trừ mẹ mình. Vì thế, khi gặp những khuôn mặt xa lạ, đặc biệt là những người có ngoại hình dữ tợn, phản ứng của trẻ theo bản năng thường là khóc hoặc lảng tránh.
Ảnh minh họa.
2. Quá nhiều người
Phần lớn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều được cha mẹ cho ở nhà. Việc đi ra ngoài có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh, tiếp xúc với các loại vi khuẩn gây bệnh hoặc đột ngột tới những nơi đông người đều khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
Đặc biệt, trẻ sẽ cảm thấy hoảng sợ khi có quá đông người xúm vào trước mặt mình, đó đều là những gương mặt hoàn toàn xa lạ. Trong một số trường hợp, người lạ muốn ôm hoặc cưng nựng, điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy như bị đe dọa. Tiếng khóc chính là phản ứng tự vệ của trẻ.
3. Mùi khác lạ
Thị giác và thính giác của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn tương đối kém, về góc độ sinh lý thì khứu giác rất nhạy cảm. Vì thế, trẻ dễ dàng nhận biết được mùi của mẹ mình, chỉ cần xa vòng tay mẹ là sẽ bất an, sợ hãi. Khi được người lạ bế, trẻ sẽ nhận biết được ngay.
Ảnh minh họa.
4. Thẩm mỹ riêng
Đừng nghĩ trẻ nhỏ không biết gì, chúng cũng có những sở thích của riêng mình. Khi nhìn thấy những khuôn mặt dễ mến, thân thiện, vui vẻ, trẻ sẽ cười đùa. Ngược lại, nếu nhìn thấy những khuôn mặt xa lạ hoặc không quen thuộc, trẻ sẽ xem xét họ có an toàn hay không. Đặc biệt, nếu đó là người có ngoại hình dữ tợn, trẻ sẽ sợ hãi òa khóc.
Người mẹ nên chú ý tới khi đưa con ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người. Khi trẻ còn quá nhỏ, tốt nhất không nên để người lạ bế hoặc ôm hôn, điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Trong trường hợp trẻ lớn hơn, khoảng từ 3 tuổi trở đi, cha mẹ nên đưa con ra ngoài thường xuyên để trẻ có thể dạn dĩ, tự tin giao tiếp với mọi người.
Theo Nhịp Sống Việt