Cách phê bình của người lớn đôi khi lại ảnh hưởng tới tính cách của các bé trong tương lai.
Câu chuyện kể về 2 bé gái cùng tròn 6 tuổi và một tình huống xảy ra tại nhà vào bữa tối. Cả May và Tina đều đang cố gắng rót nước ngọt vào cốc của mình. Do tay các bé còn nhỏ nên vô tình làm đổ nước ra ngoài, rơi xuống bẩn hết quần áo.
Mẹ của May: May lập tức bị quát mắng và chỉ trích bằng những lời lẽ thậm tệ nhất. Người mẹ trách cô bé không biết quý trọng đồ uống, vụng về mà cứ thích ra vẻ ta đây. Ngôn ngữ có phần mỉa mai ấy khiến người ngoài có cảm giác không phải để nói với một đứa trẻ 6 tuổi: ''Con ngu quá vậy, có một cốc nước mà rót không xong. Rồi thì sao, quần áo mua tốn tiền, nước cũng tốn tiền thì làm thế nào mà lấy lại được? Có mỗi việc nhỏ như thế mà làm không xong là sao''.
Mẹ của Tina: Khác với mẹ của May, người mẹ này lập tức chỉ cho con gái cách dọn dẹp. Hai mẹ con cùng nhau lau thật khô chỗ nước đổ ra sàn, đưa bé đi thay quần áo để khỏi cảm lạnh. Sau khi dọn dẹp xong xuôi, mẹ Tina nhìn vào mắt con và nói: ''Nước hay đồ ăn thức uống vô cùng quý giá nên mẹ mong con sẽ trân trọng. Mẹ biết con vô tình làm đổ nước thôi nên không trách mắng con, từ lần sau phải cẩn thận hơn một chút nhé. Nếu khó quá có thể nói với mẹ''.
Kết quả của sự việc trên là May khóc nức nở, buồn bã vô cùng còn Tina thì cảm ơn mẹ vì đã không mắng mình, còn nhận ra một bài học vô cùng quý giá. Không chỉ vậy, nhiều năm về sau, May lớn lên trở thành cô gái tự ti, rụt rè, làm bất cứ chuyện gì cũng sợ sẽ sai, sẽ hỏng việc và luôn sống trong nỗi ám ảnh bị bố mẹ hay người khác trách móc. Còn Tina thì khác, cô bé độc lập, tự tin, vững vàng trước mọi thử thách vì sau lưng luôn có mẹ chỉ ra những sai lầm và cách khắc phục.
Rất nhiều bà mẹ đã có cách ứng xử như mẹ của May. Khi con trót làm điều gì sai thì sẽ chỉ trích và quát mắng bé. Thế nhưng, hành động này sẽ khiến con càng thêm căng thẳng, sợ hãi và không rút được kinh nghiệm gì cho bản thân.
Khi con làm sai, nên phê bình như thế nào? Tại sao một số trẻ vẫn không chịu nhận lỗi khi bị cha mẹ phê bình. Trên thực tế, tình trạng này có thể là do những lời phê bình không đúng mực của cha mẹ.
Đừng chỉ trích trẻ trong cơn tức giận
Đôi khi, những sai lầm của con cái khiến cha mẹ vô cùng tức giận. Sự nóng nảy của phụ huynh nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến những kết quả tiêu cực. Điều này có thể có tác động xấu đến chính bạn và các con.
Lúc này, tốt nhất cha mẹ nên gạt vấn đề sang một bên, cố gắng thả lỏng bản thân rồi chọn cách phê bình, giáo dục con phù hợp sau khi bình tĩnh.
Không chỉ trích trẻ em nơi công cộng
Trẻ cũng là một cá thể độc lập, có cá tính riêng và lòng tự trọng. Nếu cha mẹ chỉ trích con cái ở nơi công cộng sẽ dễ khiến các bé nảy sinh tính phản kháng. Ngay cả khi con biết mình làm sai nhưng do lòng tự trọng, bé sẽ chống trả bằng mọi cách, thậm chí là khóc hay ăn vạ.
Khi con cái cư xử chưa đúng mực ở nơi công cộng, cha mẹ có thể dùng những hành động hoặc biểu hiện gợi ý như cau mày, ra hiệu để nhắc nhở con. Bạn cũng có thể ân cần chỉ ra lỗi sai của trẻ và khuyến khích trẻ thừa nhận lỗi của mình, điều này không chỉ giúp trẻ hiểu về quan điểm đúng sai mà còn giúp trẻ hình thành lòng tự trọng và sự tự tin.
Không nhắc đi nhắc lại lỗi lầm cũ
Khi một số bậc cha mẹ chỉ trích con cái, họ thường nói: ''Lần này con lại mắc lỗi giống như lần trước, con không nhớ hồi đó bố mẹ đã xấu hổ như thế nào à''. Cách phê bình này có thể dễ dàng làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Cách tiếp cận đúng nên là sửa hành vi hiện tại của trẻ thay vì chỉ trích những thiếu sót trước đó.
Chú ý đến lời nói
Trước tiên, bố mẹ có thể mô tả lại hành vi chưa đúng của con, bày tỏ cảm nhận về nó và đưa ra yêu cầu đúng. Ví dụ khi con ném vỏ chuối xuống sàn, hãy nói với bé rằng: ''Con ơi, mẹ sợ sẽ có người không để ý dẫm vào và ngã đó, mẹ nghĩ là con nên vứt ngay vào thùng rác, như thế có được không?''.
Khi trẻ sửa được lỗi sai, bố mẹ nên động viên
Khi con đã cố gắng sửa chữa được lỗi lầm, hãy động viên và khích lệ để con biết mình đang làm đúng. Bên cạnh đó cũng khuyến khích bé phát huy. Đừng bao giờ coi việc bé làm đúng là điều đương nhiên. Các bé sẽ rất hạnh phúc nếu được bố mẹ thừa nhận những nỗ lực của mình.
Theo Aboluowang