Tiêu chảy là một trong những triệu chứng khá phổ biến ở trẻ nhỏ mắc COVID-19 song không phải cha mẹ nào cũng biết xử trí đúng cách. TS.BS Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai đã có những khuyến cáo hữu ích.
1. Dấu hiệu xác định trẻ mắc COVID-19 bị tiêu chảy
- Trẻ em mắc COVID-19 hiện nay khá nhiều, triệu chứng có những tương đồng với các biểu hiện ở người lớn. Theo thống kê của Bộ Y tế, triệu chứng thường gặp: sốt (63%), ho (34%), buồn nôn/nôn (20%), tiêu chảy (20%), khó thở (18%)... Như vậy tỷ lệ trẻ có biểu hiện nôn, tiêu chảy khá nhiều trong những trẻ mắc COVID-19. Tỷ lệ này cũng khá giống với tổng kết ở một số nước trên thế giới.
- Tiêu chảy được xác định khi trẻ đi ngoài phân lỏng bất thường trên 3 lần/ngày. Như vậy kèm theo các vấn đề xử trí các triệu chứng như sốt, ho, chảy mũi... thì chống mất nước trong giai đoạn theo dõi và xử trí nhiễm COVID-19 ở trẻ em đóng vai trò rất quan trọng.
- Mất nước ở trẻ em ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ, nếu không xử trí bù nước hợp lý, theo dõi sát có thể nguy hiểm tính mạng.
Đặc biệt ở những trẻ thừa cân, béo phì dấu hiệu mất nước nhiều khi khó phát hiện, không theo dõi, đánh giá kịp thời ảnh hưởng nhiều đến khả năng cấp cứu, điều trị khi trẻ mất nước rõ rệt.
- Các biểu hiện mất nước có thể gặp khi chăm sóc, theo dõi trẻ nhiễm COVID-19 có nôn, tiêu chảy:
- Đái ít, nước tiểu sẫm màu hơn bình thường.
- Mắt trũng
- Khóc không có nước mắt
- Kích thích, vật vã hoặc li bì
- Khát, đòi uống nước, uống háo hức khi cho trẻ uống. Có những trẻ khóc, với tay theo cốc/thìa nước khi người nhà đưa cốc/thìa nước ra xa khỏi cháu khi đang cho cháu uống. Trẻ không uống được là mất nước rất nặng
- Những trẻ thóp chưa liền có thể thấy thóp trũng xuống
- Nếu có máy theo dõi nhịp tim, SpO2 thấy nhịp tim tăng cao
Khi trẻ có các dấu hiệu mất nước nên cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế hoặc tham vấn các nhân viên y tế theo các số điện thoại của các đơn vị nhi khoa.
Mất nước ở trẻ em ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ, nếu không xử trí bù nước hợp lý, theo dõi sát có thể nguy hiểm tính mạng. Ảnh minh họa.
2. Chăm sóc trẻ F0 khi bị tiêu chảy đúng cách
2.1 Bù nước bằng oresol
Hiện nay, dung dịch (thuốc) bù nước chính là oresol. Trên thị trường có rất nhiều loại khác nhau. Cha mẹ chú ý khi mua thuốc oresol phải đọc/hỏi kỹ hướng dẫn pha:
- Luôn pha hết 1 gói vào đủ lượng nước theo khuyến cáo của nhà sản xuất, không chia nhỏ gói thuốc để pha từng ít một.
- Dung dịch đã pha sử dụng trong ngày, không sử dụng khi đã để qua đêm.
Dung dịch oresol đã pha sử dụng bù nước cho trẻ sau mỗi lần nôn hoặc đi ngoài lỏng. Chú ý uống đổ thìa nhỏ ít một, tránh tu bằng bình. Lượng dung dịch bù mỗi lần tùy theo lứa tuổi trẻ, sau khi uống hết lượng theo khuyến cáo mà trẻ vẫn đòi uống tiếp nên cho trẻ tiếp tục uống. Nếu trẻ nôn, nên cho trẻ uống ít một sau đó dừng 5 phút rồi tiếp tục cho uống với tốc độ chậm hơn.
Ví dụ:
- Trẻ < 2 tuổi: uống 50 – 100ml oresol sau mỗi lần đi ngoài lỏng hoặc nôn;
- Trẻ > 2 tuổi: 100-200ml sau mỗi lần nôn, đi ngoài lỏng;
- Trẻ > 5 tuổi có thể uống từng ngụm nhỏ.
2.2 Bổ sung kẽm
- Trẻ bị tiêu chảy có thể bổ sung kẽm theo khuyến cáo với liều:
Trẻ dưới 6 tháng: 10mg kẽm nguyên tố/ngày x 10-14 ngày.
Trẻ trên 6 tháng: 20mg kẽm nguyên tố/ngày x 10-14 ngày
- Có thể bổ sung các chế phẩm men vi sinh: 1-2 gói/ngày tùy theo lứa tuổi (có thể tham khảo thêm tư vấn từ nhân viên y tế).
2.3 Nên ăn gì, kiêng gì?
- Với trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ vẫn tiếp tục cho con ăn như bình thường. Nếu trẻ ăn kém nên chia nhỏ bữa nhiều hơn so với bình thường, tổng lượng ăn không thay đổi nhiều so với hàng ngày.
- Sử dụng thêm sữa chua hàng ngày
- Một số dung dịch không thích hợp:
- Nước uống có đường
- Nước có gas, nước trái cây công nghiệp
- Dung dịch có chất kích thích: cafe, trà...
- Một số thức ăn nên tránh:
Tránh những loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ
Nước cháo loãng chỉ có tác dụng bù nước, làm trẻ nhanh no, ít chất dinh dưỡng
Thức ăn chứa nhiều đường có thể làm nặng thêm tình trạng ỉa lỏng
2.4 Có nên dùng kháng sinh?
Nhiều cha mẹ nóng ruột muốn con nhanh khỏi tiêu chảy nên tìm đến kháng sinh vì nghĩ rằng kháng sinh có tác dụng, tuy nhiên điều này là sai lầm.
2.5 Theo dõi dấu hiệu bất thường ở trẻ
- Trẻ đi ngoài lỏng nhiều lần, liên tục
- Nôn nhiều
- Khát nhiều
- Ăn, bú hoặc bú kém
- Kích thích, vật vã hoặc li bì.
- Co giật, hôn mê
- Ỉa phân máu
Khi trẻ có những dấu hiệu này, tiếp tục cho trẻ uống bù nước, uống hạ sốt khi sốt cao và đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế ngay.
Theo Bộ Y tế, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ nhũ nhi < 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ em mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ, vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.
Bộ Y tế đưa ra các dấu hiệu chuyển nặng, cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay: thở nhanh; khó thở, cánh mũi phập phồng; rút lõm lồng ngực; li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái đầu môi, đầu chi; SpO2 < 95%.
Ngoài ra, khi con có 1 trong 8 triệu chứng bất thường sau, phụ huynh cần báo ngay cho nhân viên y tế để đươc hướng dẫn: sốt > 38 độ C; đau rát họng, ho; tiêu chảy; tức ngực; mệt, không chịu chơi; cảm giác khó thở; SpO2 < 96%; ăn/bú kém.
|
Nguồn https://suckhoedoisong.vn