Số ca mắc COVID-19 (F0) trong trường học tăng nhanh đã khiến nhiều trường học bối rối trong việc tổ chức dạy học. Nhà trường và giáo viên phải gồng mình vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến, đồng thời gia tăng biện pháp phòng dịch phù hợp.
UBND TPHCM vừa có chỉ đạo khẩn đến Sở GD&ĐT, Sở Y tế và các quận, huyện về việc kiểm soát dịch COVID-19 trong trường học.
Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục, các quận, huyện thực hiện kịch bản xử trí đối với trường hợp phát hiện nhiều F0. Cụ thể, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức của những học sinh còn lại trong lớp.
Học sinh được giáo viên hướng dẫn rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường
Áp lực bởi vừa trực tuyến, vừa trực tiếp
Cô Hoa, giáo viên một trường tiểu học ở quận Gò Vấp cho biết, sau 10 ngày tổ chức dạy học trực tiếp, số ca F0 của trường tăng vùn vụt, trong đó có cả học sinh lẫn giáo viên, bảo mẫu, bảo vệ. Theo cô Hoa, trước kia, khi có F0 thì cả lớp được cho nghỉ học trực tiếp và chuyển sang học online nhưng nay theo quy định mới, chỉ những học sinh F1 mới nghỉ học cùng F0, còn lại vẫn học bình thường nên công việc vất vả hơn rất nhiều. “Lớp tôi, do có học sinh F0, sau khi khoanh vùng thì có gần ½ lớp vẫn đang học trực tiếp theo thời khóa biểu trên lớp, số còn lại phải học online trong khoảng thời gian từ 17- 19 giờ mỗi ngày. Như vậy, công việc tôi tăng lên gấp đôi, nhiều lúc rất áp lực”, cô Hoa nói.
Ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, hiện trường ghi nhận 20 học sinh mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà. Những trường hợp này đều có biểu hiện nhẹ, các em vẫn tham gia học trực tuyến.
Trường tiểu học Trưng Trắc (quận 11) có trên 1.400 học sinh. Sau gần 2 tuần đi học trực tiếp, có 40 học sinh bị F0. Anh Phạm Thanh Hưng, phụ huynh có con học lớp 5 Trường tiểu học Trưng Trắc cho hay, cách đây 2 hôm khi đang làm ở công ty thì nhà trường điện báo trong lớp có F0 nên đến đón con về. “Con tôi được xác định là F1 do ngồi bàn sau của bạn F0. Khi đến nơi thì con tôi đang ở phòng y tế để chờ sẵn”, anh Hưng kể và cho biết, nhà trường dặn chúng cho cháu ở nhà học online 1 tuần, hàng ngày đo thân nhiệt và theo dõi sức khỏe của cháu, nếu sức khỏe tốt thì đi học trở lại.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 cho hay, ngoài hàng trăm học sinh mắc COVID-19 thì hiện nay toàn quận có 20 giáo viên đang bị F0 nhưng vẫn dạy học online ở nhà cho học sinh. “Nguyên do là cả giáo viên và học sinh bị F0, đa phần có triệu chứng nhẹ, tỉ lệ nhập viện thấp nên việc dạy và học vẫn được thực hiện nhằm đảm bảo chương trình”, ông Dân nói và cho biết, các trường trên địa bàn quận đang gấp rút lập danh sách học sinh trong độ tuổi từ 5 đến 11 để chuẩn bị cho việc tiêm phòng vắc xin nhằm đảm bảo cho việc học trực tiếp được ổn định hơn.
Chia ca và khung giờ
Dù đã lên nhiều kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 khi đón học sinh đi học trở lại nhưng với số ca F0 trong trường tăng mạnh khiến nhiều trường đã phải gia tăng, điều chỉnh các biện pháp để thích nghi với thực tế.
Ông Lê Hữu Hân cho biết, trong bối cảnh số lượng F0 gia tăng, nhà trường đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, như đôn đốc giáo viên, cán bộ quản lý luân phiên kiểm soát ở cổng trường. Buổi sáng, trước cổng trường sẽ có 4 giáo viên đo thân nhiệt, khử khuẩn và kiểm tra việc khai báo y tế của học sinh.
Học sinh TPHCM đang đến trường học khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp
Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TPHCM) phải chia các khung giờ và khu vực ăn khác nhau cho từng khối, thay vì tập trung một chỗ, trong cùng một khung giờ như trước. Theo đó, học sinh khối 6, 7, 8 sẽ ăn trước, sau đó tới khối 9. Một số lớp học sẽ được ra chơi tại chỗ, đồng thời có xe của nhà ăn phục vụ riêng tại lớp, không ăn uống tập trung.
Về tổ chức học tập, bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nếu lớp học có từ 5 ca F0 trở lên sẽ chuyển sang hình thức dạy online. Học sinh F0 được miễn học online các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Theo bà Trâm, đây là những môn học khó tổ chức online, học sinh được miễn để những em F0 có thời gian nghỉ ngơi thêm.
Bà Huỳnh Mỹ Dung, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc cho hay, do học sinh đông, không gian hẹp, để hạn chế lây nhiễm, nhà trường tổ chức cho học sinh ăn, học, ngủ nghỉ tại lớp và có sơ đồ vị trí ngồi của các em. “Khi trong lớp có F0, nhà trường nhanh chóng khoanh vùng, xác định những em học sinh tiếp xúc gần với F0 thì được cho là F1 để cho về nhà theo dõi sức khỏe, các em còn lại tiếp tục học bình thường”, bà Dung nói.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, từ ngày 14 đến 22/2, số ca trẻ em mắc COVID-19 tăng cao gấp 3 lần so với tuần trước đó. Cụ thể, ghi nhận 7.505 ca trong trường học, gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh, trong đó cấp mầm non 394 học sinh, cấp tiểu học 2.786 học sinh, THCS 1.875 học sinh, THPT- Giáo dục thường xuyên 1.744 học sinh. Số trường học phát sinh ca nhiễm tuần qua cũng tăng với 201 trường. |
Nguồn https://tienphong.vn