Khi giao tiếp trong các nhà trường, nên xưng hô theo cách gọi đại trà tại mỗi địa phương, không nên quá cứng nhắc về cách xưng hô ra sao, điều đó không cần thiết.
Ngày 11/2, trên trang cá nhân của mình, nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm rằng, yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”.
Vị này cũng đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thảo một quy chế về xưng hô trong nhà trường, trong đó giáo viên và học sinh, sinh viên cần thay đổi cách gọi. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng chỉ ra 3 điều thiết yếu trong quy chế cụ thể là, cấm giáo viên không gọi học trò là “con”, “các con”; phải gọi là “trò”, “các trò”, “các em”, “các bạn”[1].
Xung quanh ý kiến này, đã nảy sinh nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều người cho rằng việc xưng hô giữa giáo viên và học sinh như thế nào cũng chỉ là một phương thức giao tiếp, không nên quá đặt nặng và cầu kỳ những tiểu tiết như vậy. Cái quan trọng và cốt lõi vẫn là làm sao để có thể đạt được một môi trường giáo dục thân thiện, chất lượng giáo dục được nâng cao.
Cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: T.D
Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong, Tam Điệp, Ninh Bình cho rằng: “Theo tôi, việc giáo viên hoặc cán bộ giáo dục trong nhà trường gọi học trò là “các em” hay “các con” thì cũng chỉ là một phương ngữ trong giao tiếp, không nên quá nặng nề về từ ngữ trong lúc xưng hô như vậy. Giáo viên có thể gọi học trò của mình bằng “em” cũng được, bằng “con” cũng không vấn đề gì.
Với cương vị của người làm quản lý giáo dục như chúng tôi, cái quan trọng cần hướng tới trong các nhà trường là chất lượng học tập phải được nâng cao. Còn trong giao tiếp cần làm sao cho môi trường học tập đó phải thể hiện được kỷ cương giữa thầy trò và đảm bảo được sự tôn trọng, lễ phép. Không nhất thiết phải đưa ra cách xưng hô như thế nào vào khuôn khổ nhất định”.
Để làm rõ hơn điều này, cô Lễ cũng nêu lên ví dụ về phương ngữ địa phương khi áp dụng tại địa phương cô sinh sống. Cô Lễ dẫn chứng việc, một bộ phận lớn người dân ở Ninh Bình hay dùng từ “như vầy” thay vì cách nói phổ thông là “như thế này”, nhưng đối tượng tiếp nhận cũng hiểu được và hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến tâm lý. Dù rằng, cách nói như vậy người dân tại địa phương của cô đã sử dụng qua rất nhiều thời gian.
Cô Lễ chia sẻ thêm: “Trong việc giao tiếp ở các nhà trường, nhiều khi giáo viên họ dùng cách gọi học sinh của mình là “con” còn có tác dụng là làm cho khoảng cách giữa cô và trò được rút ngắn, đôi khi nó có sự gần gũi hơn, thân thiện hơn.
Thực tế cho thấy, trẻ con hiện đại rất nhạy cảm, khi ở trên lớp, nếu nói nhỏ nhẹ dịu dàng có thể các em còn vâng lời và làm theo. Nhưng nếu cũng một sự việc như nhau, giáo viên chọn cách xử lý là quát lớn có khi lại có tác dụng ngược lại. Như vậy để thấy rằng, việc dùng từ ngữ xưng hô mang tính gần gũi, nhẹ nhàng đôi khi cũng có tính giáo dục rất lớn.
Trong việc giao tiếp thường ngày chúng ta nên sử dụng cách xưng hô theo cách đại trà tại mỗi địa phương, không nên quá áp đặt hoặc đề ra tiêu chí bắt buộc về cách xưng hô là phải như thế này hoặc như thế kia, không cần thiết. Xa xưa, các thầy đồ lên lớp dạy học trò thì phần lớn cũng dùng cách xưng hô là “thầy” với “con” nhưng điều đó cũng đâu có ảnh hưởng gì đến tâm tính của người học”.
Bày tỏ quan điểm để có thể dung hòa được vị trí giữa thầy và trò trong các nhà trường mà không bị chi phối theo cách xưng hô, cô Lễ cho rằng: “Theo tôi, các nhà trường nên quan tâm nhiều đến việc giáo dục cho học sinh về thái độ lễ phép, tôn trọng thầy cô và quý mến bạn bè. Còn cách xưng hô giữa cô và trò như thế nào thì có thể linh hoạt theo cách gọi tại các địa phương đó chứ không nên quá nặng nề".
Cùng chung quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, Việt Yên (Bắc Giang) cho rằng: "Việc này, theo tôi nên để cho các trường tự điều chỉnh và linh hoạt chứ không nên đưa nó vào khuôn khổ và quy định với các giáo viên nên gọi như thế nào.
Bởi lẽ, xưng hô ra sao nó còn phụ thuộc vào từng lứa tuổi và từng cấp học. Chẳng hạn, ở độ tuổi mẫu giáo hoặc cấp tiểu học, khi khoảng cách về độ tuổi giữa giáo viên và học sinh lớn, các em cũng dễ dàng xưng hô là "con" hoặc là "em" với giáo viên. Ngược lại, khi khoảng cách về tuổi tác lớn thì giáo viên gọi các học trò là "con" hoặc "em" cũng tự tin hơn.
Ở độ tuổi này, giáo viên cũng muốn gọi các học trò của mình là "con" để tạo ra sự gần gũi, thân thiết. Trong khi giảng dạy, nhiều khi cách gọi gần gũi cũng giúp giảm bớt sự căng thẳng, khoảng cách của học trò, làm cho chất lượng học tập, tinh thần trao đổi, học hỏi kiến thức cũng cao hơn.
Nhưng ở cấp Trung học phổ thông hoặc cao hơn, một bộ phận giáo viên có độ chênh lệch về tuổi tác với học sinh là không nhiều, khi ấy cách gọi học trò là "con" cũng ít được sử dụng. Có trường hợp giáo viên mới ra trường, chênh lệch chưa đến 10 tuổi với học trò, nếu cứ ép gọi học trò là "con" thì cũng không hợp lý lắm.
Vì vậy, cách xưng hô như thế nào nên phụ thuộc vào tình hình thực tế, vào từng cấp học chứ không nên đưa nó vào quy định, khuôn khổ nhất định. Cái quan trọng là tạo ra được sự thoải mái, tiếp thu kiến thức tốt nhưng vẫn đảm bảo được sự tôn kính, lễ phép. Còn cứ nhất thiết phải yêu cầu xưng hô như thế nào là quá máy móc".
Thầy Nguyễn Danh Bắc- Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: facebook nhà trường
Chia sẻ thêm về cách làm hài hòa trong xưng hô giữa giáo viên và học sinh trong nhà trường, thầy Nguyễn Danh Bắc cho biết: "Tại trường Lý Thường Kiệt nói riêng và các trường ở Bắc Giang nói chung chúng tôi đều xây dựng các quy chế về quy tắc ứng xử.
Trong đó cũng quy định rõ về cách xưng hô giữa thầy và trò, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa học trò cùng khối và học trò khối trên, khối dưới với nhau.
Về việc này, Sở Giáo dục Bắc Giang cũng không bắt buộc các trường làm theo một quy chuẩn nào cả, mà để cho các nhà trường linh hoạt, nghiên cứu cho thật phù hợp. Sau đó, chúng tôi xin ý kiến của phụ huynh, học sinh để tạo sự thống nhất trong cách xưng hô để làm sao tạo được văn hóa ứng xử thiết thực trong các nhà trường.
Điều này cần theo từng đơn vị cụ thể, theo đặc trưng của từng vùng miền sao cho tốt và đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất ".
Điều 6, Chương II, Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định về ứng xử của giáo viên trong các cơ sở giáo dục với người học như sau:
Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
|
Tư liệu tham khảo:
[1]. https://laodong.vn/ban-doc/tranh-cai-gay-gat-truoc-de-xuat-giao-vien-khong-goi-hoc-sinh-la-con
Nguồn https://giaoduc.net.vn