Các trường mầm non đang triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì bữa ăn bán trú đủ dinh dưỡng và giữ ấm cho trẻ. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn những khó khăn cần chia sẻ từ cộng đồng.
Bữa ăn bán trú của trẻ tại điểm lẻ Trường Mầm non Hoa Mai (Yên Châu, Sơn La).
Bảo đảm trẻ được ngủ ấm, ăn nóng
Bên cạnh yêu cầu về phòng dịch, việc đảm bảo dinh dưỡng và giữ ấm cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng đang được các nhà trường triển khai. Từ ngày 22/11, học sinh tất cả cấp học trên toàn tỉnh Hà Nam được phép trở lại trường học trực tiếp sau khoảng hai tháng phải học online vì dịch bệnh. Những ngày này, các trường chú trọng đảm bảo chống rét cho học sinh.
Cô Đào Thị Tám - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý, Hà Nam) - cho biết: “Thực hiện theo kế hoạch năm học đã trình cơ quan quản lý, nhà trường vẫn duy trì chế độ ăn bán trú cho trẻ đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Thực đơn được xây dựng phù hợp theo mùa, các món ăn không mang tính kiềm và đảm bảo nóng, ấm.
Ngoài ra, việc giữ ấm cho trẻ trong mùa đông cũng được chú trọng. Theo cô Tám, tại các lớp học luôn được bố trí thảm nền, cửa chắn gió, mành che hành lang chống gió lùa, chăn ấm đắp cho trẻ... Nước uống hay nước rửa tay hàng ngày của trẻ cũng là nước ấm. Nhiệt độ trong phòng học được duy trì ổn định”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Lục, cho hay: Toàn huyện có 18 trường mầm non và 5 nhóm trẻ độc lập với trên 11 nghìn trẻ. Theo chỉ đạo của UBND huyện, các cơ sở giáo dục trực thuộc cần căn cứ vào tình hình của địa phương để quyết định tổ chức bán trú cho học sinh hay không.
Trường tổ chức bán trú cần đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khâu giám sát nguồn thực phẩm đầu vào phải thực hiện chặt chẽ. Thực đơn được chế biến phù hợp với tháp dinh dưỡng và theo mùa, thay đổi từng ngày theo bữa ăn của trẻ. Ngoài ra, các trường cũng phối hợp với y tế địa phương thực hiện tốt khâu phòng dịch trong trường học. Trong đó có việc vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường lớp, đồ dùng, đồ chơi ở phòng học đảm bảo an toàn khi đón trẻ.
Các trường đảm bảo dinh dưỡng và chống rét cho học sinh trong mùa lạnh.
Phát huy mô hình bán trú dân nuôi
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Châu (Sơn La), toàn huyện có trên 5.000 trẻ đang học ở 15 trường mầm non. Cô Lê Thị Toan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai - cho hay: Toàn trường có hơn 600 trẻ được chia về 12 điểm trường. Tại điểm trường trung tâm mới tổ chức nấu ăn bán trú do trẻ tham gia đông. Nhà trường luôn chú trọng việc phòng chống rét cho trẻ cũng như thực hiện công tác bán trú cho học sinh. Tại các điểm lẻ chưa có điều kiện nấu cơm, nhà trường vận động phụ huynh chủ động mang cơm cho các con. Các cô giáo sẽ trông trưa để tạo điều kiện cho cha mẹ đi làm.
Cũng theo cô Toan, đầu năm học, nhà trường họp thống nhất kế hoạch tổ chức bán trú của trường để tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện. Tiến hành họp để tuyên truyền, vận động phụ huynh nhận thức đúng về lợi ích cho trẻ ăn bán trú tại lớp như: Trẻ được ăn, ngủ đúng giờ giấc; được rèn kỹ năng tự phục vụ, phụ huynh sẽ có nhiều thời gian để đi làm mà không lo đón trẻ buổi trưa và đưa đi học vào buổi chiều. Tham mưu với lãnh đạo xã và địa phương ủng hộ vật liệu, ngày công làm thêm phòng học, lát nền các phòng học tạm, làm nhà vệ sinh, tủ đựng cơm để đảm bảo điều kiện tối thiểu cho việc tổ chức hoạt động cho trẻ ăn, ngủ tại lớp như bản Tà Ẻn, Keo Muông…
Bên cạnh đó, nhân rộng công tác bán trú do nhà trường nấu bằng hình thức chuyển cơm từ trung tâm xuống điểm trường Cồn Huất (cách 1,5km). Chỉ đạo bộ phận nuôi dưỡng lên thực đơn, điều chỉnh chế biến các món ăn theo mùa cho trẻ đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng, calo cho trẻ trong thời gian bán trú tại trường, tuyệt đối không để trẻ xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường.
“Có hơn 300 trẻ đang ở tại các điểm trường là con em đồng bào dân tộc Mông, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Thời tiết những ngày này trở lạnh khi nhiệt độ chỉ khoảng 15 - 16 độ C. Mặc dù, nhà trường được lãnh đạo địa phương quan tâm trong việc đầu tư các trang thiết bị chống rét cho học sinh, tuy nhiên về đồ dùng đồ chơi vẫn chưa đầy đủ. Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ các mạnh thường quân, nhất là áo ấm để mùa đông của các con năm nay bớt lạnh”, cô Lê Thị Toan chia sẻ.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định, khẳng định: Sở luôn quán triệt tới các phòng giáo dục và đào tạo trực thuộc cũng như trường học cần chú trọng công tác đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh. Đây là nhiệm vụ thường xuyên nằm trong kế hoạch năm học của các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, thời gian này nhà trường cần đặc biệt chú ý làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học. Chỉ khi làm tốt được công tác này, thầy trò cùng được đến lớp mới triển khai tốt việc duy trì sức khỏe và giữ ấm cho trẻ.
|
Nguồn https://giaoducthoidai.vn