Bộ GD&ĐT đưa ra hướng dẫn việc tổ chức kiểm tra học kỳ trực tiếp đối với học sinh lớp 1 và 2 khiến nhiều phụ huynh thắc mắc. Họ cũng chưa yên tâm để con trở lại trường ôn tập.
Từ khi đi làm trở lại, chị Nguyễn Thị Năm (Bình Phước) không thể theo sát quá trình học tập của con như trước. Làm việc tại công ty giày da nên về nhà, nữ phu huynh hạn chế tiếp xúc người thân để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đọc thông tin về việc học sinh lớp 1 có khả năng trở lại trường để ôn tập và kiểm tra trực tiếp, chị Năm rất lo lắng. Đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều cha mẹ học sinh tại địa phương dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Học sinh lớp 1 và 2 ở nhiều địa phương vẫn chưa được đến trường từ đầu năm học tới nay. Ảnh: N.P.
Học online từ đầu năm, sao thi học kỳ trực tiếp?
Chị Nguyễn Thị Năm chia sẻ do con chưa được đến trường, tiếp xúc bạn bè, thầy cô, việc tổ chức thi trực tiếp sẽ rất mới lạ và trẻ khó có thể làm được. Tình hình dịch ở Bình Phước phức tạp, chị Năm không muốn con trở lại trường ôn tập và kiểm tra định kỳ.
“Hiện tại, tôi không được ở gần con vì hạn chế tiếp xúc. Nhiều phụ huynh làm công nhân cũng giống tôi, thậm chí, họ còn phải cách ly. Vì vậy, nếu con trở lại trường, tôi khó quan sát được môi trường học tập của bé có đảm bảo an toàn phòng dịch không”, chị Năm nói.
Trong khi đó, chị Mai Hương, phụ huynh có con học lớp 1 tại quận Đống Đa, Hà Nội, đặt câu hỏi tại sao trẻ học online từ đầu năm, đến cuối kỳ lại đến trường để ôn tập và kiểm tra.
Chị Mai Hương cho rằng nếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tức là cho trẻ đến trường ôn tập rồi mới kiểm tra trực tiếp, sẽ gây ra tâm lý lạ lẫm, lúng túng, bỡ ngỡ cho những đứa trẻ chưa từng đến trường, trong đó có con chị.
Nhưng nếu trường không tổ chức ôn tập, chỉ cho trẻ lên lớp để thi, việc này hoàn toàn vô lý khi suốt thời gian qua, học sinh hai lớp đầu cấp tiểu học đều học trực tuyến. Đó là chưa nói đến tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang rất phức tạp. Trẻ em ở độ tuổi này chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.
"Từ góc độ của phụ huynh có con học lớp 1, tôi hoàn toàn không đồng ý việc cho trẻ ôn tập và thi học kỳ trực tiếp. An toàn của con phải được đặt lên hàng đầu", nữ phụ huynh nói thêm
Cùng quan điểm, chị Thùy Linh (phụ huynh có con học lớp 2 ở Hà Đông, Hà Nội) cho rằng với tình hình dịch hiện tại, các trường chưa nên cho trẻ đầu cấp tiểu học đến lớp ôn tập, kiểm tra học kỳ.
Phụ huynh này đánh giá kể cả trường vẫn tổ chức, nhiều gia đình sẽ không cho con đến lớp. Riêng gia đình chị sẵn sàng chấp nhận cho con học lại năm nữa.
Chị Thanh Nga (Long Biên, Hà Nội) cũng cho rằng việc cho trẻ đến trường trong giai đoạn này ôn tập và thi trực tiếp là không hợp lý, nhất là với những trẻ lớp 1 và 2, khi từ đầu năm đến giờ các bé học online.
Trong khi đó, anh Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận định việc tổ chức ôn tập và thi trực tiếp cho học sinh lớp 1 không khả thi vì trước đây, số lượng phụ huynh thực hiện khảo sát đồng tình cho con đi học trở lại chiếm 30%.
Nhiều phụ huynh đề nghị tổ chức kiểm tra cuối kỳ đối với học sinh lớp 1 và 2 bằng hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa: Nhật Sinh.
"Nên kiểm tra online"
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, anh Long đề xuất trường tổ chức kiểm tra học kỳ trực tuyến thay vì ôn tập, thi trực tiếp. Phụ huynh này đưa ra hai lý do. Thứ nhất, các con còn nhỏ, chưa biết về trường lớp, thầy cô. Thứ hai, việc thi trực tiếp cũng không nói lên điều gì.
Tương tự, phụ huynh tên Loan ở Hà Nội cho rằng trẻ lớp 1 đã học online gần 7 tháng, trường nên tổ chức kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến. Việc thi trực tiếp chỉ nên tiến hành nếu học sinh quay trở lại trường học tập trung.
Đây cũng là đề nghị của chị Thanh Nga. Trường nên cho trẻ kiểm tra trực tuyến, phụ huynh hỗ trợ chụp lại bài vì thực tế, kiến thức của lớp 1 và lớp 2 chỉ là viết chữ, làm phép toán đơn giản.
Không chỉ đối với học sinh hai lớp đầu cấp tiểu học, ngay với cả trẻ lớn hơn, chị cũng ưu tiên phương án trực tuyến, đặc biệt sau những thông tin giáo viên mắc Covid-19, lên lớp dạy học khiến nhiều học sinh phải đi cách ly.
"Học sinh lớn còn đỡ, các con tiểu học phải cách ly sẽ rất vất vả. Việc học là cả đời chứ không phải một năm", chị Nga nêu quan điểm.
Tương tự, chị Mai Hương cho rằng trẻ hoàn toàn có thể thi học kỳ trực tuyến. Như vậy, thầy cô cũng đỡ vất vả, không phải dọn dẹp trường lớp chỉ để phục vụ mấy ngày thi. Gia đình chị hoàn toàn có thể sắp xếp để có người hỗ trợ con về mặt thiết bị, mạng khi kiểm tra.
Người mẹ này nói thêm nếu trường tổ chức ôn tập, thi trực tiếp, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 và 2 sẽ lo lắng, thậm chí cảm thấy trẻ hai khối này không nhất thiết phải tổ chức thi học kỳ. Chị xác định trong trường hợp trường vẫn tổ chức, nếu xét thấy không đủ an toàn cho con, gia đình chị sẽ có "tính toán khác phù hợp hơn".
Chị Thùy Linh cũng chuẩn bị sẵn tâm lý để ngồi cạnh con trong đợt kiểm tra cuối kỳ nếu con thi trực tuyến - phương án chị đánh giá là thích hợp nhất ở thời điểm này.
Chị cho rằng việc tổ chức kiểm tra cuối kỳ cho học sinh lớp 1 và 2 là cần thiết vì có thi, các con mới ý thức học tập. Nếu không cần kiểm tra, con có thể nảy sinh tâm lý ỷ lại, không chịu học.
Nữ phụ huynh thừa nhận việc học hay thi trực tiếp đều tốt hơn online nhưng không phải trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Chị tin tưởng nhà trường sẽ lắng nghe nguyện vọng phụ huynh để đưa ra phương án phù hợp.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Năm lại cho rằng với hình thức kiểm tra online, giáo viên khó quan sát học sinh, phụ huynh có thể nhắc bài cho trẻ. Ngoài ra, không phải gia đình nào cũng có đủ thiết bị điện tử để giám sát con làm bài kiểm tra qua mạng.
Chị Năm cho biết bản thân đã nhận được thông báo từ giáo viên chủ nhiệm về việc kiểm tra định kỳ, nhưng rất hoang mang khi không biết hình thức kiểm tra của con như thế nào.
Ngày 13/12, Bộ GD&ĐT ban hành công văn hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19.
Công văn nêu với lớp 1 và 2, việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, cơ sở giáo dục thực hiện giải pháp linh hoạt, phù hợp thực tế và đảm bảo an toàn.
Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung cốt lõi trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, Tiếng Việt.
Trong trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến lớp làm bài kiểm tra, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng GD&ĐT.
|
Nguồn https://zingnews.vn