Xã hội
   Bao giờ trẻ mầm non được tới trường?
 

 

Phải ở nhà quá nhiều ngày, hạn chế tiếp xúc sẽ ảnh hưởng sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non. Ảnh: Như Ý

Hà Nội và một số địa phương khác vẫn chưa xác định khung thời gian trẻ mầm non được tới trường trở lại. Nhiều phụ huynh sốt ruột, rơi vào thế khó khi vừa phải đi làm vừa phải xoay đủ kiểu gửi con.

Mệt mỏi cả mẹ lẫn con

Nhiều tháng nay, dù cơ quan đã có “lệnh” làm việc trực tiếp nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hoài (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn chưa gửi được con để đi làm. Cả gia đình chị Hoài sinh hoạt trong căn nhà chưa đến 30 mét vuông nằm sâu trong ngõ, con không có không gian chơi. Do đó, buổi sáng con thường ngủ đến 8-9 giờ mới dậy, uể oải ăn sáng rồi xem tivi. Chị Hoài quy định mỗi ngày con chỉ được xem 1 giờ, nhưng do không có bạn chơi, xem hết giờ con lại mè nheo, khóc lóc để được xem tiếp. Chị từng định gửi con đến nhóm trông trẻ gần nhà nhưng khi đến thấy nhà cửa bừa bộn, lại có cầu thang không an toàn nên đành cho con ở nhà. “Căng thẳng, mệt mỏi cả mẹ lẫn con. Không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, chỉ mong trường mở cửa để con đi học”, chị Hoài nói.

Nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào tình cảnh phải xoay xở đủ đường để đi làm, khi con vẫn chưa được đến trường. Một số phụ huynh cho biết, họ đành gửi con cho hàng xóm hoặc “nhốt” trong nhà. Anh Nguyễn Minh Quốc (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh sáng đi làm, nấu cơm để sẵn cho hai con, một 7 tuổi, một 5 tuổi, tự trông nhau. Thỉnh thoảng, anh chị thay nhau về giờ trưa ăn cơm với con. “Mỗi lần về nhà đều thấy hai chị em mở tivi xem. Dù biết không tốt nhưng đành để con xem vì nếu không con buồn chán lại nghịch trò khác nguy hiểm”, anh Quốc nói.

Trong khi đó, một số phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm, thời gian này, nhiều giáo viên trường mầm non tư thục mất việc, sẵn sàng đến nhà dạy trẻ theo giờ hoặc làm việc toàn thời gian. “Dù không được tiếp xúc với bạn bè nhưng từ ngày có giáo viên đến nhà, con được dạy đọc thơ, dạy vẽ, dạy hát múa, chơi trò chơi…, con hào hứng, vui tươi và giảm thời gian xem tivi”, chị Trần Thị Thu Huyền (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói.

Chưa có phương án cho trẻ tới trường

Bà Vũ Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Linh Đàm (Hà Nội), cho biết, trẻ mầm non nghỉ học từ cuối tháng 4 đến nay, nhà trường rất sốt ruột, chờ đợi ngày được đón trẻ tựu trường, nhưng phải chờ quyết định của thành phố. Theo bà Ánh, trẻ trong độ tuổi phát triển rất cần sự giao lưu, tương tác để phát triển ngôn ngữ, nhận biết thế giới xung quanh. Nhiều tháng nay nghỉ dịch, trẻ bị bó hẹp trong không gian của gia đình, hạn chế tiếp xúc nên khó phát triển toàn diện. Chưa kể, nhiều gia đình đi làm, để con làm bạn với tivi, iPad, điện thoại… ảnh hưởng đến mắt và trẻ dễ thu mình, ngại giao tiếp. Về phía nhà trường, hằng tuần giáo viên vẫn gửi kế hoạch hoạt động, mỗi tuần một lần cô trò gặp nhau qua ứng dụng Zoom để trò không quên cô, quên bạn, nhưng không phải 100% trẻ tương tác.

Bà Ánh cho biết, nhà trường cũng có những cuộc họp đẫm nước mắt để bàn về chuyện đi hay ở của giáo viên trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trường thuộc mô hình tự chủ, các chính sách hỗ trợ không “chạm” đến ngoài bảo hiểm thất nghiệp. Không có nguồn thu, nhiều tháng nhà trường vẫn cố gắng trả lương cơ bản cho giáo viên nhưng đến nay đã cạn kiệt nguồn lực. “Mình rất muốn giữ người nhưng không có tiền. Hiệu trưởng chấp nhận giảm tối đa lương để có thêm đồng nào chi cho giáo viên hay đồng đó”, bà Ánh nói.

Bà Hoàng Thị Phương Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trăng Sáng Linh Đàm (Hà Nội) nói rằng, từ ngày trẻ không được tới trường, các trường mầm non tư thục mất nguồn thu, giáo viên không có lương. Nhiều giáo viên viết đơn xin nghỉ việc để về quê làm công việc khác, nhiều người đi làm đủ nghề như giao hàng, giúp việc… Về phía trẻ, ở nhà lâu ngày, bị hạn chế hoạt động cũng như giao tiếp nên sự phát triển của trẻ bị ảnh hưởng không nhỏ. “Bố mẹ đi làm, không có nhiều thời gian quan tâm, tương tác nên đây là thiệt thòi rất lớn cho các con”, bà Thu nói.

Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, Hà Nội chưa có kế hoạch cho trẻ tới trường. Trước mắt, Hà Nội ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh THPT, THCS để các em được tới trường. “Riêng mầm non, ngành chưa có kiến nghị về việc cho trẻ đi học vì trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay vẫn phải ưu tiên đảm bảo sự an toàn”, bà Hương nói.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng thông tin, sau thời gian học trực tuyến, thành phố có kế hoạch cho học sinh THPT, THCS tới trường trước rồi mới đến bậc tiểu học và mầm non. “Dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó, giáo dục chịu ảnh hưởng rất nặng nề và nghiêm trọng. Quan điểm của Sở GD&ĐT Đà Nẵng là đặt an toàn của học sinh lên hàng đầu, giáo dục có thể sẽ chậm lại một chút, khi trẻ được đến trường sẽ có các giải pháp bù đắp kiến thức, hoạt động cho các em”, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng nói.

Trong khi đó, nhiều địa phương khác cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đã có cách làm linh hoạt để khi học sinh, trẻ mầm non đều được tới trường như: Phú Thọ, Quảng Nam, Hà Tĩnh…

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho biết, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, tỉnh trải qua hai đợt dịch, học sinh đang kết hợp học trực tuyến và trực tiếp. Tuy nhiên, quan điểm của ngành là vừa phải đảm bảo an toàn vừa linh hoạt dạy học đến từng trường, kể cả bậc mầm non; nơi nào có F0, học sinh toàn trường nghỉ học, nơi nào an toàn, thầy trò dạy học bình thường. “Do đó, hiện nay đa số các trường từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT của địa phương đang học trực tiếp. Tinh thần linh hoạt đến từng trường là thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT”, ông Quốc Anh nói.

Nguồn https://tienphong.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TPHCM gấp rút chuẩn bị tái mở cửa trường học (2/12)
 Nở rộ nhóm trẻ tự phát khi trường học chưa mở cửa (1/12)
 Một số chính sách về giáo dục có hiệu lực từ tháng 12-2021 (1/12)
 Nông thôn mới và nỗi lo cũ: “Gánh nặng” ngoài cửa lớp (30/11)
 Nhiều địa phương cho học sinh học trực tiếp (30/11)
 Câu chuyện buồn đằng sau nhóm trông trẻ mầm non tự phát ở Hà Nội (29/11)
 Đưa ra nhiều tình huống chuẩn bị cho học sinh TP.HCM trở lại trường (29/11)
 Phòng chống rét cho học sinh vùng cao: Lo cơm ấm, nước sôi cho mùa đông bớt lạnh (27/11)
 Đề xuất hỗ trợ kinh phí cho trường mầm non tư thục tại TP Hồ Chí Minh (26/11)
 Thêm nhiều địa phương cho học sinh tạm dừng đến trường (26/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i