Đối với các trường vùng cao, mùa đông đến đồng nghĩa việc tăng cường giải pháp phòng chống rét để bảo đảm sức khỏe, duy trì sĩ số lớp học.
Các trường học vùng cao tăng cường đầu tư quạt sưởi ấm bằng điện để chống rét cho học trò. Ảnh: Đức Trí
Trong bối cảnh còn khó khăn nhưng các thầy cô, nhà trường vẫn nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho trò, để việc dạy và học không ảnh hưởng.
Lo chăn bông, áo ấm cho trò
Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) thuộc vùng cao biên giới với 330 trẻ, học tại 9 điểm lẻ và 1 điểm chính. Bước vào mùa đông phòng GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các trường chủ động trong công tác phòng, chống rét cho HS. Tuy nhiên, với điều kiện về cơ sở vật chất thiếu thốn thì phòng, chống rét cho HS vẫn là nỗi lo của toàn trường.
Cô Lệnh Bích Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Theo thống kê sơ bộ, trường cần được bổ sung, thay thế khoảng 100 đệm, 100 chăn ấm, quạt sưởi cho cả 10 điểm trường nhưng hiện chưa có nguồn kinh phí, hay sự hỗ trợ nào. Trong khi đó số chăn đệm cũ đều hỏng (chỉ tận dụng được một số ít) bởi hầu hết đã trải qua thời gian sử dụng lâu, điều kiện thời tiết tại khắc nghiệt, mưa ẩm, sương mù… khó bảo quản và nhanh bị hỏng.
Để phòng, chống rét cho HS, đầu tháng 10 toàn bộ GV được huy động dán nilon, tấm xốp vào tất cả khe cửa sổ để sương mù không “luồn” vào lớp; Ngoài ra, GV còn khâu vá lại số chăn bị rách để sử dụng tiếp. Ở những điểm trường có quạt sưởi (dù ít) nhưng đều được bảo quản và yêu cầu sử dụng đúng công suất trong ngày nhiệt độ xuống thấp...
Trường Mầm non Sơn Lộ (Bảo Lạc, Cao Bằng) với 208 HS/9 điểm trường, 98% HS thuộc dân tộc Mông, Giao, Sán Chỉ. Hiện tại, ở các điểm trường, HS hầu như ngủ trên phản, GV phải trải chăn hoặc tấm xốp thay đệm cho HS nằm ngủ. Tuy nhiên, ngay cả khi tận dụng tối đa các điều kiện thì số lượng chăn đệm vẫn thiếu quá nhiều buộc GV phải dồn HS nằm sát nhau trong giờ ngủ trưa mới đủ chăn đắp (8 - 10 HS/chăn). Đáng nói, vào mùa lạnh, số ngày thời tiết xuống dưới 10 độ khá nhiều nhưng 100% các điểm trường đều không có quạt sưởi.
Cô Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lộ, chia sẻ: Bước vào mùa lạnh nhưng trường chưa biết trông vào nguồn kinh phí nào để mua sắm đồ dùng phòng, chống rét cho HS. Việc bảo đảm sức khỏe, duy trì sĩ số cho trẻ trong mùa đông đã và luôn là vấn đề đau đáu, khó nhọc của GV.
Cô Bùi Thị Minh Khuyên, Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) chia sẻ: Trường có 561 HS/8 điểm trường. Hiện chăn, đệm để HS sinh hoạt bán trú tạm đủ bởi nhà trường tích cực xin bổ sung từ những năm học trước. Phòng học, phòng ở bán trú HS cũng được xây dựng, sửa chữa bảo đảm không bị gió lùa.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hệ thống nước nóng để sinh hoạt hàng ngày vẫn chưa thể cải thiện. 100% các điểm trường không có quạt sưởi; 2/8 điểm trường có bình năng lượng mặt trời nhưng đã bị mưa đá phá hỏng hoàn toàn. Vì vậy, mùa đông năm nay HS bán trú chỉ tắm giặt vào những ngày nắng ấm; nước uống và vệ sinh hàng ngày phải dùng nước lạnh.
Công tác huy động các điều kiện giữ ấm cho HS tại nhiều trường vùng cao còn khó khăn. Ảnh: Đức Trí
Nỗ lực duy trì sĩ số
Phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa (Lào Cai) đang triển khai mua bổ sung 500 chăn bông, 420 đệm, 100 quạt điện cho lớp mẫu giáo và HS lớp 4, 5 tuổi với tổng kinh phí khoảng 150 triệu đồng trích từ nguồn chi thường xuyên.
Cùng với đầu tư mua sắm trang thiết bị phòng, chống rét cho HS, từ đầu mùa đông năm nay, phòng GD&ĐT đã kêu gọi được 700 áo rét, 300 cặp lồng cơm giữ nhiệt cho HS bán trú.
Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa, trao đổi: Mùa đông, khí hậu Sa Pa rất khắc nghiệt, để bảo đảm sức khỏe HS và duy trì tỉ lệ chuyên cần, phòng đã chỉ đạo các trường rà soát lại trang thiết bị, cơ sở vật chất, vật dụng phòng chống rét… để có kế hoạch trang cấp mới, bổ sung kịp thời. Đối với các trường tiểu học, THCS duy trì đun nước nóng cho HS tắm giặt, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày…
Mặt khác, để giữ ấm cho HS khi nhiệt độ xuống thấp, GV phải thường xuyên nhắc nhở trò mặc đủ ấm, không tổ chức hoạt động ngoài trời; sử dụng quạt sưởi điện an toàn cho HS, tăng cường khẩu phần ăn, chăm lo bữa ăn, nước nóng cho học sinh mầm non, học sinh bán trú.
Đặc biệt, các trường thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để bố trí lịch học phù hợp, cũng như cho HS nghỉ học theo quy định khi nhiệt độ xuống quá thấp. Phòng GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn phối hợp với UBND các xã, phường kiểm tra công tác phòng, chống rét và chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại các trường, bảo đảm các em có sức khỏe tốt nhất để học tập.
Tại vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nơi khí hậu khắc nghiệt, sương mù, lạnh giá kéo dài, công tác giữ ấm, đảm bảo đời sống cho HS bán trú cũng được phòng GD&ĐT quan tâm, đầu tư.
Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT, trao đổi: Bắc Hà có 58 đơn vị trường học, gồm 31 trường PTDTBT và 1 trường có HS bán trú với hơn 6.000 HS ở bán trú. Như vậy, việc phòng chống rét cho HS vô cùng bức thiết. Và một trong những giải pháp năm nay được ngành đẩy mạnh là lắp đặt sử dụng bếp đun đa năng trong các nhà trường.
Với hiệu quả ban đầu từ bếp đun đa năng do nhóm HS Trường PTDTBT THCS Lùng Phình sáng chế, ngành Giáo dục Bắc Hà đang chỉ đạo đơn vị trường học, trước mắt với trường sử dụng bếp củi truyền thống nghiên cứu và đưa bếp đun đa năng vào sử dụng trong hoạt động bán trú, giúp cuộc sống của HS khi xa nhà vào ngày đông giá rét được cải thiện tốt nhất...
Ngành GD-ĐT huyện Vân Hồ (Sơn La) đã chỉ đạo các trường tăng cường phòng, chống rét cho HS; Mặt khác, đảm bảo tối đa các điều kiện sinh hoạt, nơi ăn, chỗ ở cho HS trên lớp và bán trú khang trang, đầy đủ… Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT, các trường học của huyện vẫn chưa có hệ thống nước nóng sinh hoạt hàng ngày cho HS. Một số trường vùng sâu, HS vẫn thiếu quần áo rét…
|
Nguồn https://giaoducthoidai.vn