Ngày Nhà giáo Việt Nam không hoa quà, diễn văn, chỉ mong dịch Covid-19 qua mau để thầy trò được đến trường, đã là niềm hạnh phúc.
Tôi giảng dạy một trường trung học phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh, là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 năm 2021, thế nên việc dạy học ở đây cũng xáo trộn theo. Từ hạ tuần tháng 5, ngành giáo dục Thành phố phải chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến.
Những tưởng rằng, năm học 2021-2022 thầy trò sẽ được đến trường học trực tiếp từ tháng 9, thế mà đến thời điểm này hầu hết trường học ở Sài Gòn đã trải qua gần ba tháng ròng rã học trực tuyến.
Mặc dù thầy trò đã phần nào quen với việc dạy học trực tuyến từ hai năm trước, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy đây là khoảng thời gian dài lê thê, với bao mệt mỏi, căng thẳng.
Năm học này tôi được lãnh đạo phân công giảng dạy 3 lớp, gần 150 học sinh. Học sinh của tôi 100% đều có thiết bị học tập, nhưng trong quá trình dạy học, tôi thường gặp những rắc rối xảy ra.
Nhiều học sinh không có không gian học tập riêng, mỗi khi các em trả lời câu hỏi hay thuyết trình là xen lẫn nhiều âm thanh vào lớp học trực tuyến rất khó chịu: tiếng hàng xóm hát karaoke, tiếng loa bán hàng rong ra rả vang vọng…
Tôi nhận thấy, dạy học trực tuyến nhọc nhằn gấp nhiều lần so với trực tiếp vì giáo viên phải thường xuyên soạn giáo án mới sao cho gọn gàng, bắt mắt, kích thích sự hứng thú học tập cho học sinh.
Ảnh minh họa: TTXVN
Cùng với đó, nhiều trường còn yêu cầu giáo viên quay video tiết dạy nhằm giúp những em vắng trễ, bị sự cố về mạng hay thiết bị học tập, khiến thầy cô luôn ngập đầu trong công việc.
Quá trình dạy học trực tuyến, tôi luôn được giáo viên chủ nhiệm thông báo học sinh bị F0. Em nào bị nhẹ thì được cách li ở nhà, em nặng hơn có khi phải ở trong khu tập trung cả nửa tháng.
Cũng có học sinh nhắn tin riêng bị nhiễm Covid-19, tôi chỉ biết trấn an, động viên các em qua từng ngày. May mắn thay, tất cả học sinh của tôi đều bình yên, việc học được duy trì.
Có thể nói, thời gian nghỉ phòng dịch, khổ nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp. Bởi ngoài việc dạy học, thầy cô còn phải làm công tác điểm danh hàng ngày, nhắc nhở các em thực hiện nghiêm túc nội quy kỉ luật học trực tuyến.
Giáo viên gần như phải liên lạc thường xuyên với gia đình học sinh để ghi nhận sự vắng trễ hay các sự cố khác.
Cực nhất là thời điểm Thành phố triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh. Trước ngày tiêm, giáo viên chủ nhiệm phải kiểm dò danh sách, rà soát thông tin những học sinh là F0 đã khỏi bệnh.
Đến ngày tiêm vaccine, giáo viên cũng phải vào trường điểm danh, ổn định học sinh theo lớp, phân luồng theo ca.
Sau khi học sinh được tiêm xong, thầy cô cũng phải theo dõi tình hình sức khỏe của các em để kịp thời báo cáo lãnh đạo.
Tôi có tham gia dạy thỉnh giảng cho trường tư thục và thấy rằng, việc dạy học trực tuyến ở môi trường này quả là vất vả gấp nhiều lần so với trường công lập. Đa phần học sinh ở trường tư mà tôi tham gia thỉnh giảng có học lực trung bình, yếu, kéo theo ý thức tự giác của nhiều em rất hạn chế.
Một lớp học có 30 em thì có những tiết học không một em nào tham gia xây dựng bài. Tôi gọi tên ngẫu nhiên để vừa điểm danh, vừa yêu cầu học sinh phát biểu thì có em nói không biết, em khác bảo là mạng lag (sự chậm trễ, không ổn định của thiết bị di động, máy tính hay mạng máy tính) … nhằm thoái thác nhiệm vụ được giao.
Theo tìm hiểu của tôi, các đồng nghiệp dạy trường tư thục ở Sài Gòn bị giảm khoảng 1/3 tiền lương vì nhà trường cũng gặp khó khăn trong việc thu học phí. Tuy vậy, giáo viên được dạy trực tuyến, có công ăn việc làm ổn định, đến tháng nhận lương nuôi sống bản thân, gia đình đã là mừng.
Đáng thương nhất là giáo viên quản lí nội trú nhưng không được phân công giảng dạy. Bao nhiêu tháng học sinh học trực tuyến là bấy nhiêu tháng thầy cô không có lương, chỉ được nhà trường đóng một phần bảo hiểm xã hội. Nhiều giáo viên chỉ mong ngày học sinh đi học trở lại để công việc không bị gián đoạn. Còn chuyện hoa quà hay những lời chúc tụng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam đối với thầy cô cũng chưa quan trọng.
Tuy việc dạy học trực tuyến có những khó khăn nhất định nhưng gần đến ngày 20/11 nhiều học sinh đã có những hành động thiết thực nhằm tri ân “người lái đò” khiến tôi rất cảm động.
Có lớp làm clip giới thiệu từng giáo viên, rồi phương pháp giảng dạy riêng của thầy cô và gửi những lời chúc tốt đẹp đong đầy yêu thương.
Nhiều học sinh gửi tin nhắn qua điện thoại, Zalo, Messenger, gửi thiệp điện tử chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam đến tôi – thế là đủ.
Em Phạm Thị Thanh Thư, học sinh lớp 12 nơi trường tôi công tác chia sẻ: “20/11 năm nay là lần đầu tiên trong cuộc đời học sinh em không được ngồi dưới sân trường dự lễ, cũng là năm cuối cấp nên em thấy có chút tiếc nuối. Em mong tại lễ sơ kết thầy trò, bạn bè sẽ được gặp lại nhau”.
Tuy việc dạy học trực tuyến có những khó khăn nhất định nhưng gần đến ngày 20/11 nhiều học sinh đã có những hành động thiết thực nhằm tri ân “người lái đò” khiến tôi rất cảm động.
Có lớp làm clip giới thiệu từng giáo viên, rồi phương pháp giảng dạy riêng của thầy cô và gửi những lời chúc tốt đẹp đong đầy yêu thương.
Nhiều học sinh gửi tin nhắn qua điện thoại, Zalo, Messenger, gửi thiệp điện tử chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam đến tôi – thế là đủ.
Em Phạm Thị Thanh Thư, học sinh lớp 12 nơi trường tôi công tác chia sẻ: “20/11 năm nay là lần đầu tiên trong cuộc đời học sinh em không được ngồi dưới sân trường dự lễ, cũng là năm cuối cấp nên em thấy có chút tiếc nuối. Em mong tại lễ sơ kết thầy trò, bạn bè sẽ được gặp lại nhau”.
Nguồn https://giaoduc.net.vn