Tôi đã quyết định dành thời gian theo dõi con trong nhiều ngày, quan sát thật cặn kẽ và tôi phát hiện ra 3 điều.
Khi Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington, DC, tổ chức một cuộc khảo sát về kỹ năng quan trọng nhất mà trẻ em cần để thành công, thì câu trả lời được nhiều bình chọn hơn cả toán học, khoa học, thậm chí tinh thần đồng đội chính là giao tiếp. Để có thể truyền đạt những suy nghĩ và ý định một cách rõ ràng cho mọi người là một kỹ năng cần thiết.
Thế nhưng một sự thật là các bậc phụ huynh đều gặp khó khăn trong việc giao tiếp với con cái, trong việc truyền đạt những điều họ muốn đến con để con thực sự hiểu và phản hồi.
Tôi còn nhớ lúc con còn nhỏ, khi tôi muốn nói chuyện với con, con sẽ có 1 trong 3 phản ứng sau:
- La hét
- Phớt lờ rồi tiếp tục tranh giành nhau món đồ chơi gì đó
- Ăn vạ
Còn tôi, tôi chỉ biết im lặng và đảo mắt qua lại nhìn phản ứng của con. Khi con lớn hơn, tôi lại có xu hướng "thuyết giảng" với con bởi tôi vốn là giáo viên. Tôi bắt đầu một cách hài hước và tạm dừng ở điều mà tôi cho rằng là bài học muốn truyền đạt. Nhưng thường thì nó chẳng đọng lại gì trong con cả.
Tôi thử những cách tiếp cận khác, ví dụ như hỏi: "Ngày hôm nay của con như thế nào" với thái độ vui vẻ. Nhưng trái với tâm trạng hào hứng của tôi, mấy đứa con nhìn tôi với đôi mắt ngạc nhiên rồi bảo: "Chả biết gì để kể hết mẹ". Chẳng cách nào có tác dụng cả và tôi có cảm giác như mình xây dựng một gia đình theo "đế chế im lặng".
Tuy nhiên tôi không muốn bỏ cuộc. Tôi nghĩ rằng có một yếu tố nào đó mà tôi đã bỏ qua, chưa xem xét kĩ. Vì vậy, tôi đã quyết định dành thời gian theo dõi con trong nhiều ngày, quan sát thật cặn kẽ và tôi phát hiện ra 3 điều sau:
Quan sát số 1: Con trai tôi không chịu nói chuyện vào buổi sáng. Thằng bé không có điều gì hay ho để nói với bất kỳ ai cho đến khi mắt không còn ghèn và bụng thì no căng - một điểm giống bố nó đến mức khó tin.
Quan sát số 2: Con gái tôi bị như người mất trí vào buổi sáng. Con bé nói nhanh như gió và cáu kỉnh chạy vòng quanh chúng tôi cho đến khi nó mệt lả rồi mới hỏi hỏi mọi người đang làm gì. Sau đó thì con mới sẵn sàng để đi học.
Quan sát số 3: Hai điều trên bị đảo lộn hoàn toàn vào buổi tối. Con gái tôi trầm lặng hơn và không sẵn sàng giải thích những gì đang xảy ra với con. Trong khi con trai tôi thì lại chịu khó giao tiếp hơn vào buổi tối. Thằng bé lắp bắp kể về những gì đang xảy ra trong ngày và tìm cách ngủ muộn như thể có thêm thời gian để nói chuyện.
À, hoá ra tôi chưa chọn đúng khung giờ để nói chuyện với con. Vậy là tôi bắt đầu hỏi han con gái vào buổi sáng, trò chuyện với con trai vào buổi tối. Từ chuyện hỏi xem ngày hôm ấy có vui không cho đến những câu chuyện khác như tại sao không nói người khác ngốc, tại sao đi vệ sinh xong phải xả nước hay ti tỉ thứ hay ho khác trong cuộc sống.
Và nó có tác dụng! Hoá ra chỉ cần chọn thời điểm mà con có thể tiếp thu, lắng nghe và muốn nói chuyện.
Vậy nên lời khuyên tốt nhất của tôi khi nói về vấn đề giao tiếp với con thì không phải là nói hay như một bài diễn thuyết mà chính là thời điểm. Tôi thấy câu "Đúng người, đúng thời điểm" cũng hợp lý phết.
Thay vì liên tục ra lệnh bắt con nghe hay ngồi thuyết giảng thao thao bất tuyệt, chọn thời điểm để nói chuyện với con là quan trọng nhất. Đó là lúc con sẵn sàng để nghe và sẵn sàng để kể. Vì vậy, việc bạn cần làm chính là quan sát con để chọn ra một "múi giờ" phù hợp nhất với con. Mỗi đứa trẻ đều có một "múi giờ" riêng để sinh hoạt, đừng ép con sống theo "múi giờ của người khác mà hãy tôn trọng con. Đó chính là sự kì diệu của thời gian.
Nguồn: Pháp luật và bạn đọc