Một tô mì chua giá 2 nghìn nhưng tôi phải suy nghĩ đắn đo nhiều ngày trời mới có can đảm nói với mẹ là tôi muốn ăn. Nhưng mẹ tôi đã từ chối và bà nói là: "Thấy người khác ăn cũng muốn ăn hay sao?".
Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó? Một câu trả lời nhận được rất nhiều sự quan tâm trên Zhihu đó là: "Tôi luôn cảm thấy mình không phải là con ruột của bố mẹ, tiền mới là con họ".
Cư dân mạng này đã chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình như thế này:
Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ đã luôn thấm nhuần trong tôi một suy nghĩ rằng: "Nhà mình rất nghèo, con phải biết tiết kiệm, phải biết suy nghĩ". Vì vậy ngay từ bé, tôi đã là một đứa con rất hiểu chuyện. Nhưng tôi không hạnh phúc, và bố mẹ đã không bao giờ biết được sự bất hạnh này của tôi.
Một tô mì chua giá 2 nghìn nhưng tôi phải suy nghĩ đắn đo nhiều ngày trời mới có can đảm nói với mẹ là tôi muốn ăn. Nhưng mẹ tôi đã từ chối và bà nói là: "Thấy người khác ăn cũng muốn ăn hay sao?".
Có lần, rốt cuộc tôi cũng có một tô mì chua nhưng gắp được hai miếng, tôi hậu đậu đánh rơi cả tô mì. Tôi đã rất buồn và đau khổ biết chừng nào. Cuối cùng tôi quyết định ngồi xuống và ăn số mì rơi vãi trên sàn nhà.
Sau này kinh tế gia đình tôi cũng khá giả hơn nhưng bố mẹ vẫn nói với tôi rằng kiếm tiền rất khó khăn, tôi phải biết tiết kiệm, không thể muốn mua gì thì mua. Vì thế ngay cả khi vào đại học, tiền chi tiêu mỗi tháng của tôi cũng chỉ bằng một nửa các bạn mình. Điều này đã khiến tôi bị mọi người trêu chọc.
Giờ đây tôi trở thành một người luôn mang trong mình nỗi bất an, nhạy cảm, luôn cảm thấy mình kém cỏi, hay tủi thân và thậm chí cả tôi còn coi thường chính mình.
Có người hỏi, thế nào là bần cùng? Tôi có thể tóm tắt lại cảm giác đó như thế này: Tôi muốn có thứ gì đó nhưng tôi không thể muốn có nó. Tôi không thấy vui khi tôi muốn điều gì đó. Và tôi cảm thấy thật sự tội lỗi, cũng không thoải mái chút nào mỗi khi tiêu tiền.
Trong một bộ phim truyền hình từng khắc họa một nhân vật đã tham ô rất nhiều tiền. Khi bị bắt, anh ta đã vừa khóc vừa nói: "Tôi sợ nghèo, tôi không dám tiêu một xu nào, tôi không dám!".
Có lẽ, bản chất của người này không phải là xấu nhưng do thuở nhỏ sống trong sự thiếu thốn cùng cực và chính tuổi thơ nghèo khổ này đã khiến anh ta tràn đầy khát vọng về tiền bạc, cuối cùng không điều khiển được sự ham muốn của bản thân, biến thành nô lệ của đồng tiền để rồi trở thành một kẻ tham ô.
Điều đáng buồn là anh ta có nhiều tiền như vậy nhưng không hề tiêu xài mà chỉ cất chúng ở trong một biệt thự sang trọng, mỗi ngày đến ngắm nhìn số tiền này cũng đủ khiến anh cảm thấy thỏa mãn trọn vẹn.
Thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn có suy nghĩ rằng phải "lấy nghèo để nuôi con" thì mới giúp con rèn luyện được sức chịu đựng, trở nên hiểu chuyện, tự lập, biết tiết kiệm. Thế nhưng rất nhiều người trong số họ lại có cách tiếp cận sai lầm, hậu quả là làm cho con cái có cái nhìn lệch lạc về giá trị tiền bạc, thậm chí là đánh giá sai về chính giá trị bản thân chúng.
Đói khổ có thể rèn ý chí
Phụ huynh cho rằng nuôi dưỡng con cái trong nghèo khó để cho con rèn luyện ý chí. Họ tin rằng khi nuôi dưỡng con trong hoàn cảnh thiếu thốn sẽ hun đúc đứa trẻ trở thành một con người mạnh mẽ, biết phấn đấu.
Nhưng họ không nhìn thấy đứa trẻ này đứng trước mặt người khác co rúm và sợ hãi. Họ cũng không nhìn thấy ánh mắt thèm khát, mong muốn có được thứ gì đó của con mình. Giống như lời tâm sự của cư dân mạng trên, ngay cả một bát mì chua cay rất rẻ cũng phải mất nhiều ngày mới dám thổ lộ với bố mẹ.
Đói khổ dạy con biết quý trọng đồng tiền
Một cô gái được nuôi dạy trong nghèo khổ ngay từ nhỏ. Cha mẹ đã không bao giờ mua bất cứ thứ gì cho cô, không cho tiền tiêu vặt và luôn kiểm soát chi tiêu của con gái. Sau khi cô gái lớn lên, một lần đi chơi với đồng nghiệp, cô nhìn thấy một quả cầu pha lê rất đẹp. Cô nhìn nó thật lâu với đôi mắt thèm muốn và anh chàng đi cùng đã mua cho cô quả cầu ấy. Việc làm khiến cô gái lập tức tin rằng đây là tình yêu.
Trong thâm tâm cô gái, quả cầu pha lê là biểu hiện của tình yêu, là sự thỏa mãn mà ngay cả cha mẹ cũng chưa từng trao cho cô. Một thời gian sau, cô gái vỡ mộng khi phát hiện anh chàng kia đã có vợ. Trái tim cô như vỡ vụn, đau khổ tột cùng.
Trong quan niệm của những đứa trẻ, tình yêu có nghĩa là sẵn sàng mua cho chúng những thứ mà chúng thích. Bởi vì chúng chưa từng được bố mẹ "yêu thương" nên sau này, bất cứ ai sẵn sàng chi tiền, giúp chúng thỏa mãn được điều mình muốn, đó chính là người yêu chúng nhất.
Đói khổ dạy con khả năng làm việc tốt hơn
Đây là một lối suy nghĩ vô cùng khó hiểu. Tôi không muốn tiêu tiền, tôi không hiểu việc làm ra tiền để làm gì khi bản thân không được tiêu những đồng tiền của mình, thậm chí tôi cảm thấy xấu hổ khi xài tiền do chính sức mình làm ra. Một cuộc sống như vậy có phải quá bi thảm?
Có một cô gái gần 30 tuổi, có công việc với mức lương khá tốt, hoàn cảnh khá nhưng chưa bao giờ tự mua bất cứ thứ gì đắt tiền cho bản thân. Cô ấy không thiếu tiền nhưng toàn thân toát ra một sự tự ti ai nhìn cũng dễ dàng nhận ra. Cô thường nhìn những cô gái trẻ khác mà thầm ghen tị vì cuộc sống nhiều màu sắc của họ, nghĩ lại bản thân lại thấy tủi.
Cho đến một ngày, người sếp nói với cô ấy rằng: "Em sắp qua 30 tuổi rồi. Đó là độ tuổi rất đẹp của một phụ nữ. Em nên tận hưởng một cuộc sống thoải mái và chất lượng. Không hẳn việc mua đồ đắt tiền, hàng hiệu là điều tốt nhất nhưng tôi nghĩ em rất tuyệt vời và em xứng đáng có được những thứ tốt đẹp hơn như thế".
Cô gái đã bật khóc sau khi nghe những lời này, vì cuối cùng cũng có người nghĩ rằng cô ấy xứng đáng.
Rõ ràng, điều đáng sợ nhất của cái nghèo không phải nằm ở sự thiếu thốn vật chất mà là sự tự phủ nhận "bản thân không xứng đáng" và suy nghĩ "tôi không đáng được yêu" trong trải nghiệm của việc nghèo khó.
Dẫu biết rằng không thể chiều chuộng, thỏa mãn mọi yêu cầu và đòi hỏi của con, thế nhưng phụ huynh cũng đừng lúc nào cũng truyền cho con cái lối suy nghĩ rằng gia đình mình nghèo lắm, con không được tiêu tiền, khắc sâu ý nghĩ "nghèo khó" vào tâm trí non nớt của con.
Cách nuôi dạy con trong nghèo khó chỉ khiến cho một đứa trẻ ngày càng tự ti, hèn nhát, thậm chí là trở thành kẻ keo kiệt, bủn xỉn và đam mê vật chất mù quáng.
Nguồn: Pháp luật và bạn đọc