Thực tế đã chứng minh, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo viên, chất lượng giáo dục.
Ngày 10/6 Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 3845/VPCP-TCCV về việc các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Công văn nêu rõ: Yêu cầu các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành:
Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý cho phù hợp, bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học;
Quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Bộ Nội vụ đã đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. [1]
Trước thông tin trên, giáo viên trên cả nước phấn khởi, sắp tới đây "giấy phép con" mang tên Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, một chứng chỉ hình thức, vô bổ, đang hành giáo viên sẽ bị loại bỏ.
(Ảnh minh họa: Nhandan.vn)
Bộ vẫn chưa muốn bỏ Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Điều 3 dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập ghi rõ:
Tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
4. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định.
5. Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập; Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập; Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập.[2]
Đôi điều góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nội dung bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, hạng II trùng lặp với các kiến thức đã học trong trường Sư phạm, chương trình bồi dưỡng thường xuyên; có chăng, nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I có mới, có khác biệt so với những gì giáo viên đã học, đã bồi dưỡng.
Thực tế đã chứng minh, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo viên, chất lượng giáo dục; người học, người có chứng chỉ không có tiến bộ so với trước khi chưa có chứng chỉ.
Không muốn nói, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đang cản bước giáo dục, vì nó là chứng chỉ hoàn toàn mang tính hình thức, từ nội dung học, phương thức đào tạo, thi cử; giáo viên chỉ cần đóng đủ tiền là có chứng chỉ.
Các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập ở cả 4 cấp học mà Bộ phát hành còn quá nhiều bất cập đã được dư luận phản ánh, phân tích trong thời gian qua.
Mặt khác, các thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ.
Các thông tư mới này được ban hành cách thông tư 02/2007/TT-BNV những 14 năm với biết bao thay đổi từ thực tiễn đời sống cho đến cơ chế chính sách, nên sẽ có độ vênh và rất nhiều bất cập so với thực tế, thế nên mới có phản ánh "Hên xui" chuyện xếp lương nhà giáo theo các thông tư mới. [3]
Trả lời VietNamNet, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã nói “Với định hướng như vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”. [4]
Như vậy, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên đưa dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập ra để lấy ý kiến góp ý?
Trong khi đó chùm thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT làm cơ sở cho dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, sẽ thay đổi nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ, như ông Đặng Văn Bình đã nói.
Vì thế, người viết kính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ngưng lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập; chờ ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ, rồi sửa đổi, lấy ý kiến của dư luận.
Nếu vẫn lấy ý kiến đóng góp, tôi đề nghị sửa đổi tiêu chí "Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định thành "Giáo viên tham gia thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I".
Với giáo viên hạng III, giáo viên hạng II, không cần có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-thong-nhat-viec-giam-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-voi-giao-vien-915864.ldo
[2]https://luatvietnam.vn/giao-duc/du-thao-thong-tu-ve-xet-thang-hang-nghe-nghiep-giao-vien-208275-d10.html
[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nen-dung-thuc-hien-chuyen-xep-luong-nha-giao-theo-chum-thong-tu-moi-post220143.gd
[4]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-gd-dt-dong-y-giam-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-voi-giao-vien-742051.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nguồn https://giaoduc.net.vn