Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Để nâng cao toàn diện chất lượng GDMN, từ năm 2016, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã triển khai chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm'. Đến nay, môi trường giáo dục trong các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Một tiết học tự làm đồ chơi tại Trường Mầm non Hiệp Hòa (xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên)
Xóa bỏ khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền
"Tận tình, tâm huyết và hết lòng vì học sinh"... đó là điều những giáo viên Trường Mầm non Húc Động (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) nhận được từ đánh giá của các bậc phụ huynh, nhân dân tại địa phương. Mặc dù là địa bàn khó khăn của huyện, nhưng tập thể giáo viên nơi đây không ngừng sáng tạo, xây dựng một không gian dạy và học lý tưởng cho học sinh bằng tất cả tâm huyết và tình yêu trẻ.
Cô giáo Lý Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc Động, chia sẻ: Trường có 5 điểm trường gồm 1 điểm chính và 4 điểm lẻ. Năm học tới đây, dự kiến trường có 11 nhóm lớp, với 236 trẻ, 100% trẻ là người dân tộc thiểu số, trong đó trẻ dân tộc Sán Chỉ chiếm gần 90%. Mong muốn trẻ em vùng cao thêm nhạy bén, linh hoạt từ cấp học đầu đời, trường xác định thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” sẽ là cách thức nhanh nhất để xóa đi khoảng cách giữa giáo dục miền núi với các vùng thuận lợi.
Các bé Trường Mầm non Húc Động (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) trong tiết học âm nhạc
Đến Trường Mầm non Húc Động hôm nay, chúng tôi cảm nhận được ngôi trường có nhiều đổi thay cả về quang cảnh, cơ sở vật chất lẫn phương pháp dạy học. Các phòng thư viện, tủ sách Bác Hồ, phòng học thông minh, góc vận động trải nghiệm của trường được giáo viên tự tay tạo dựng, chăm sóc. Các góc đều xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục mang tính mở, kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động vui chơi và trải nghiệm đa dạng, đặc biệt tạo được nét đặc thù của địa phương, vùng miền.
Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở giáo dục thực hiện rất tích cực, hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Cô giáo Phạm Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiệp Hòa (xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên), cho hay: Năm học 2021-2022, trường dự kiến đón hơn 600 trẻ, với 21 nhóm lớp tại 3 điểm trường. Từ khi thực hiện chuyên đề, môi trường giáo dục tại nhà trường được cải thiện rõ rệt. Trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm, lớp được đầu tư đồng bộ; khu vực trong và ngoài nhóm, lớp được cải tạo, xây dựng phù hợp, tạo nhiều cơ hội cho trẻ được sử dụng, thực hành và trải nghiệm thông qua các hoạt động.
Các bé Trường Mầm non Hiệp Hòa (xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên) học nhận biết về các loài hoa
Ở một số trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa, dù gặp khó khăn về điều kiện vùng miền, đặc biệt là một số hạn chế về trình độ của người dân địa phương, nhưng hầu hết lãnh đạo các trường đều xác định, để thay đổi căn bản toàn diện, cần phải nỗ lực đổi mới, đặc biệt tăng cường dạy tiếng Việt, nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho trẻ bước vào các cấp học tiếp theo. Vì thế, khi thực hiện chuyên đề, các cơ sở mầm non vùng khó khăn đã phân công, sắp xếp đảm bảo mỗi nhóm, lớp có 1 giáo viên là người bản địa để hỗ trợ nhau trong việc giao tiếp với trẻ và cha mẹ của trẻ. Hướng dẫn giáo viên lồng ghép tích hợp nội dung tăng cường dạy tiếng Việt vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp.
Cô Hoàng Thị Hường, giáo viên Trường Mầm non Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ), tâm sự: Những năm qua, chúng tôi luôn khuyến khích cha mẹ trẻ cùng tham gia vào các hội thi “Gia đình bé yêu tiếng Việt”, “Bé mầm non với tiếng Việt”, “Giao lưu tiếng Việt của bé”. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ cũng như cả cộng đồng trong việc xây dựng môi trường, tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ trong nhà trường.
Thay đổi diện mạo giáo dục mầm non
Sau 6 năm triển khai thực hiện chuyên đề, môi trường giáo dục trong các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt. Hầu hết các cơ sở GDMN được xây dựng môi trường mang tính mở, tạo nhiều cơ hội cho trẻ em được trải nghiệm bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của bản thân trẻ.
Các bé Trường Mầm non Việt Dân (xã Việt Dân, TX Đông Triều) tham gia tưới cây, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp
Căn cứ các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và các yếu tố vùng miền, từ tỉnh đến huyện đã lựa chọn, chỉ đạo xây dựng mô hình và nhân rộng điểm thực hiện chuyên đề. Theo đó, trong 2 năm đầu triển khai, toàn tỉnh có 48 trường tham gia các hoạt động thực hiện điểm. Đến hết năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 100% trường mầm non triển khai thực hiện chuyên đề này.
Cô Bùi Thị Cảnh, giáo viên Trường Mầm non Hà Phong (phường Hà Phong, TP Hạ Long), tâm sự: Những năm gần đây, nhờ được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nên việc huy động trẻ ra lớp tại nhà trường thuận lợi hơn trước rất nhiều. Số trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp năm học 2020-2021 của trường đạt 98%.
Trong các tiết học, giáo viên Trường Mầm non Hà Phong (phường Hà Phong, TP Hạ Long) luôn cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú cho trẻ
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của chuyên đề chính là cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở GDMN”. Năm học 2017-2018, cuộc thi được triển khai ở 221/221 trường mầm non thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Từ đó, đã có 26 sản phẩm được khen thưởng và trao giải tại cấp tỉnh và 3 sản phẩm tại cấp quốc gia.
Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, các địa phương, đến nay mạng lưới cơ sở GDMN cơ bản đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, đảm bảo huy động trẻ mẫu giáo ra lớp và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hết năm học 2020-2021, 100% xã, phường, thị trấn đều có cơ sở GDMN với 222 trường, 562 điểm trường, 3.465 nhóm lớp, trong đó có 841 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Toàn tỉnh huy động 82.976 trẻ mầm non ra lớp, trong đó tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 32,8%, trẻ mẫu giáo đạt 93,4%, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,9%.
Loại hình GDMN cũng được phát triển đa dạng. Trường, lớp ngoài công lập phát triển mạnh tại các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp và khu vực đông dân cư. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh thành lập mới và đi vào hoạt động 2 trường tư thục, nâng tổng số lên thành 30 trường tư thục trên địa bàn tỉnh (chiếm 13,5%).
Để tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên đề nói riêng, GDMN nói chung, năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT xác định đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nhằm huy động mọi nguồn lực chăm lo, phát triển GDMN. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDMN thuộc mọi loại hình theo hướng toàn diện, đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu và đảm bảo về chất lượng; phấn đấu tăng tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Đồng thời, chú trọng đổi mới hoạt động sinh hoạt chuyên môn, theo hướng tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, chỉ đạo, thực hiện chương trình GDMN...
Có thể thấy, việc tổ chức các hoạt động cho trẻ theo phương châm “chơi mà học; học bằng chơi, bằng trải nghiệm” trong các nhà trường đã tạo sự hứng thú, giúp trẻ phát triển toàn diện. Ngành GD&ĐT Quảng Ninh vẫn tiếp tục duy trì, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", góp phần đổi mới căn bản, toàn diện về GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Nguồn https://baomoi.com