Sức khoẻ
   Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ mùa Covid-19
 

Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm virus Corona theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh. Một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ và cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh.

Tuy nhiên, ngay cả đối với những người khỏe mạnh chưa mắc bệnh, chế độ ăn không đầy đủ thiếu cả số lượng và chất lượng vẫn còn rất phổ biến, điều này khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc bệnh.

NHỮNG NGUYÊN TẮC DINH DƯỠNG CẦN LƯU Ý

  • Ăn uống đa dạng đủ dưỡng chất, đủ năng lượng, thực đơn khoa học thông qua các bữa ăn hàng ngày

Chế độ dinh dưỡng cần phù hợp theo lứa tuổi

Trẻ nhỏ dưới 6 tháng: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, tiếp tục cho bé bú mẹ hoàn toàn kể cả ngày lẫn đêm, bú mẹ ngay khi bé có nhu cầu, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

Trẻ từ 6 tháng trở lên: Khi chào đời, cơ thể bé có kháng thể của mẹ truyền qua lúc mang thai chống đỡ với bệnh tật. Sau 6 tháng tuổi, lượng kháng thể này sẽ giảm dần, hiểu và nắm rõ dấu hiệu cũng như chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đóng vai trò quan trọng để tăng cường hàng rào miễn dịch trong việc đề kháng bệnh

Cho bé ăn uống đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ 4 nhóm thực phẩm. Một chế độ ăn đủ đạm (protein) có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp nhanh lành bệnh. Chất đạm cung cấp nguyên liệu tổng hợp các tế bào bạch cầu và kháng thể được ví như những binh lính trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể. Đạm (protein) có nhiều trong các loại thực phẩm sau: Thịt, cá, trứng, sữa, và các loại đậu/đỗ.

Bữa ăn của bé cần có tinh bột, thịt cá, rau củ quả và dầu mỡ để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Đối với bé dưới 2 tuổi khi chế biến nên chế biến ở dạng sệt, lỏng, mềm để các bé dễ tiêu hóa hơn và lưu ý các phụ huynh nên chia thành nhiều bữa để bé hấp thu tốt hơn vì dạ dày các bé có dung tích nhỏ tránh tình trạng nôn trớ sau khi ăn, giúp bé vẫn cung cấp đủ năng lượng và bớt cảm giác chán ăn.

Súp, cháo, bột từ các loại đạm động vật giá trị dinh dưỡng cao như thịt gà, heo, bò cùng các loại rau củ là lựa chọn khá tốt. Các thức ăn lỏng này dễ tiêu hóa, cải thiện hệ miễn dịch, đẩy nhanh hiệu quả chống cảm cúm.

Nên cho bé ăn khi thức ăn còn ấm. Nên xúc cho bé ăn chậm, không nên ép ăn và nấu món bé thích.

Các lưu ý khi chế biến:

Đối với các bé lớn có khả năng ăn thô tốt, quý phụ huynh nên chế biến đa dạng, thay đổi và quan trọng là đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn ở dạng mểm, được cắt nhỏ và phù hợp với khẩu vị của bé nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng.

Đối với các trẻ lớn, khi chế biến món ăn nên có chút gia vị: Những loại gia vị như tỏi, gừng, nghệ, hành, không chỉ làm dậy mùi món ăn và các loại rau thơm nhiều tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô…) trong các bữa ăn hàng ngày còn có tính kháng khuẩn cao.

  • Cung cấp đủ lượng sữa và nước cho trẻ: Giúp thanh lọc, giải độc và mang lại cho bé cảm giác dễ chịu hơn

Khi cơ thể thiếu nước, phổi và vòm họng thiếu đi chất nhờn bảo vệ, dễ dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn và virus (như Sars-Cov-2) gây nhiễm bệnh.

Mất nước dẫn đến khô cổ họng là một rủi ro cao với các bệnh hô hấp. Cho bé uống nhiều sữa và đủ nước, bổ sung các loại nước trái cây để tăng cường vitamine, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Đối với các bé trên 6 tháng – dưới 12 tháng tuối: ngoài 2-3 bữa ăn chính, bé còn cần thêm 700ml-800ml sữa và nước theo nhu cầu, nhất là khi trời nắng nóng.

Đối với các bé trên 1 tuổi: ngoài 3-4 bữa ăn chính, bé còn cần thêm 300-500ml sữa và nước theo nhu cầu. Uống nước ngay khi trẻ than khô cổ, hoặc thấy nước tiểu của trẻ màu vàng đục.

Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm. Chỉ cần cảm thấy có chút khô họng phải uống nước ngay. Lưu ý các trẻ lớn mỗi ngày uống không dưới 1500ml nước ấm. Uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày, bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi cảm giác khát.

Không uống nước ngọt thay cho nước lọc. Những đồ uống chứa cồn, trà, cà phê có tác dụng lợi tiểu, nên làm tăng tốc độ mất nước qua thận do vậy cần hạn chế.

Thông thường ở trẻ em sau khi trừ lượng sữa nhu cầu trong ngày, nhu cầu nước còn lại được cung cấp bằng nước lọc là ổn.

Nguyên tắc tính lượng nước cho trẻ có thể thực hiện nhanh như sau:

  • Trẻ nhỏ (dưới 12 tháng): lượng nước uống theo công thức đơn giản 100ml/kg cân nặng. Ví dụ: bé 12 tháng, nặng 9kg à lượng nước cần cung cấp 01 ngày là 100ml x 9 = 900 ml / ngày (sữa, canh, nước lọc, …)
  • Trẻ lớn (trên 12 tuổi hoặc trên 10kg): lượng nước uống tối thiểu là 50ml/kg cân nặng. Ví dụ: bé 10 tuổi, nặng 30kg à lượng nước cần cung cấp 01 ngày là 50ml x 30 = 1.500 ml/ngày (1,5 lít)

(Khi trời nóng, trẻ chạy nhảy đổ mồ hôi nhiều hoặc tham gia nhiều hoạt động thể lực mạnh có thể cộng thêm từ 0.5 – 1 lít /ngày cho bé)

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường miễn dịch trong bữa ăn hàng ngày

Trong giai đoạn này không ăn kiêng, cần phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, màu sắc và dinh dưỡng phong phú.

Chế độ ăn đầy đủ vẫn là phương pháp hữu hiệu trong việc cung cấp các vitamin và khoáng chất trên. Trong trường hợp chế độ ăn không đầy đủ, có thể xem xét uống bổ sung thuốc đa sinh tố chứa vitamin A, vitamin C, vitamin D, kẽm (Zn), và Selenium (Se).

Thực phẩm bổ sung các chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể:

Vitamin A và Caroten (gan, trứng, khoai lang, bí ngô, cà rốt, đu đủ, xoài, bông cải/xúp lơ…).

Các loại rau xanh và hoa quả nhiều vitamin C (cam, bưởi, ổi…),

Thực phẩm chứa nhiều kẽm (đậu, đỗ, hạt hạnh nhân, thịt heo, thịt bò, hàu, sò, cá…), thực phẩm nhiều Selen (trứng, nấm, tôm, đậu đỗ, ngũ cốc, thịt heo bò…)

Bổ sung các loại thực phẩm nhiều vitamin A và omega-3(cá và các loại hải sản). Cá nên có mặt trong bữa ăn ít nhất 2 lần mỗi tuần. Vitamin A và omega-3 đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp. Có thể dùng viên dầu cá uống bổ sung hàng ngày cho các trẻ lớn.

Vitamin D thường được biết đến là dưỡng chất vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong quá trình phát triển hệ xương khỏe mạnh và vững chắc, ngoài ra còn góp phần kích hoạt hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, bổ sung theo liều hằng ngày rất cần thiết

Trẻ dưới 1 tuổi: 400 IU/ ngày

Trẻ trên 1 tuổi: 600 IU/ ngày

Người lớn trên 70 tuổi: 800 IU/ ngày

Lối sống, tập luyện, sinh hoạt lành mạnh và khỏe mạnh

Thư giãn, chơi đùa cùng trẻ cũng là một cách hiệu quả tăng cường hệ miễn dịch

Tập thể dục, khuyến khích các hoạt động thể thao ngoài trời tại sân nhà, hạn chế nơi công cộng. Nên tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch. Khuyến khích trẻ tập đi bộ ngoài trời thoáng mát hàng ngày, trẻ lớn chạy hoặc đi bộ nhanh, nhưng nhớ là tập vừa đủ, không quá mệt, mỗi ngày tập một chút.

Ngủ sớm, đủ và sâu giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh , cơ thể có thời gian tái tạo năng lượng và tinh thần sảng khoái.

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ăn chín, uống sôi. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Để riêng thực phẩm sống, chín. Thực phẩm tươi chưa sử dụng phải cất ngăn đá tủ lạnh.

Rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ. Hạn chế ăn hàng quán.

Tất cả thực phẩm mua về cố gắng biết rõ nguồn gốc càng tốt. Thực phẩm mua ngoài chợ, hạn chế tối đa thực phẩm không rõ nguồn gốc và không sử dụng động vật hoang dã.

Tránh tiếp xúc động vật bị ốm và thực phẩm ôi thiu.

Tóm lại: Chúng ta nên có thực đơn theo nguyên tắc của tháp dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ các nhóm chất, để có một sức khỏe tốt, phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch COVID-19.

Thứ nhất: Dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ để có miễn dịch tốt

Thứ hai: Uống nước đúng cách, đủ lượng sữa và nước cho trẻ

Thứ ba: Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường miễn dịch

Thứ tư: Khuyến khích trẻ thực hiện lối sống, tập luyện, sinh hoạt lành mạnh

Thứ năm: Phải bảo đảm đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi.

BS CK1. Đào Thị Cẩm Thùy

Khoa Dinh dưỡng tiết chế

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Nguồn https://bvndtp.org.vn/

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hạn chế nóng, sốt ở trẻ nhỏ - Cách gì? (27/7)
 Nguy cơ tổn thương não ở trẻ em mắc COVID-19 trầm trọng (26/7)
 Giải pháp giúp bé hết lo táo bón (22/7)
 Ở nhà tránh dịch- Làm gì để phòng vẹo cột sống ở trẻ em? (21/7)
 Bé ngủ ngày thức đêm phải làm gì? (14/7)
 Khi nào trẻ được dùng kem chống nắng? (13/7)
 Vắc xin phòng COVID-19 mRNA không ảnh hưởng tới sữa mẹ (10/7)
 7 thói quen phổ biến gây hại cho răng (9/7)
 Đề phòng trẻ sốt cao co giật (8/7)
 Trẻ thừa cân vẫn thiếu chất, bố mẹ nên làm gì? (8/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i