Mỗi năm ở Việt Nam có 3.000 trẻ sơ sinh chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, trong đó có khoảng 20% tỉ lệ trẻ sơ sinh xuất viện bị bỏ sót không phát hiện được tim bẩm sinh.
Tim bẩm sinh là bệnh lý thường gặp nhất trong tất cả các dị tật bẩm sinh. Theo nghiên cứu trung bình cứ 1.000 trẻ ra đời thì có 6-13 bé bị tim bẩm sinh, trong đó có 3-4 bé bị dị tật tim nặng. Tim bẩm sinh nặng có nguy cơ tử vong cao nếu chậm trễ trong chẩn đoán và chuyển trẻ đến các trung tâm tim mạch có kinh nghiệm để điều trị. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong giai đoạn chu sinh và nhũ nhi so với các dị tật bẩm sinh khác.
Vì vậy, đối với bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh cần phải được tầm soát sớm sau sinh vì phần lớn những tật tim bẩm sinh có triệu chứng trong thời kỳ sơ sinh thường điều trị khó khăn.
Ngày nay với sự phát triển khoa học và chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, các dị tật bẩm sinh có thể được tầm soát sớm ngay trong bào thai và sau sinh.
Do đó cần thiết siêu âm tim tầm soát trong giai đoạn bào thai từ tuần thứ 14 hoặc sớm ngay sau sinh. Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hữu ích và không gây ảnh hưởng hay tác dụng phụ gì lên bào thai và trẻ sơ sinh.
Siêu âm tim tầm soát trong giai đoạn bào thai từ tuần thứ 14 hoặc sớm ngay sau sinh
Nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân nhưng theo các nghiên cứu thì những bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể làm ảnh hưởng đến sự hình thành cũng như phân chia các buồng tim. Biến đổi gen càng sớm thì dị tật càng nặng.
Nguyên nhân tiếp theo là các yếu tố môi trường như: Người mẹ khi mang thai nhiễm virus cúm, herpes, rubella, cytomegalo,… Người mẹ khi mang thai uống thuốc kháng viêm, sử dụng chất kích thích (bia, rượu,..) hay tiếp xúc nhiều với hóa chất.
Cách nhận biết
Khi trẻ bị tim bẩm sinh, hoạt động bình thường của tim bị thay đổi dẫn đến các biểu hiện bệnh.
Biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh nặng ở trẻ sơ sinh gồm các triệu chứng sốc, tím tái, thở nhanh. Cách đơn giản nhất để phát hiện tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là bắt mạch tay, chân và đo độ bão hòa oxy máu ở tay, chân. Khi mạch tay hoặc chân yếu hơn hoặc sự chênh lệch độ bão hòa oxy máu ở tay, chân chênh nhau ≥ 3% là dấu hiệu gợi ý bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là sự phối hợp giữa vấn đề siêu âm chẩn đoán tiền sản và siêu âm sau sinh. Sự phối hợp giữa sản phụ, gia đình và đội ngũ y bác sĩ.
Do đó, sản phụ cần theo dõi và khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn đầy đủ. Nếu siêu âm tiền sản phát hiện tim bẩm sinh, thai phụ nên chuyển dạ sinh tại các cơ sở y tế sản có đầy đủ dụng cụ hồi sức sau sinh và cần siêu âm tim đánh giá lại ngay sau sinh.
Các dị tật bẩm sinh có thể được tầm soát sớm ngay trong bào thai và sau sinh. Đối với tầm soát tim bẩm sinh thì việc cần thiết siêu âm tim tầm soát trong giai đoạn bào thai từ tuần thứ 14 hoặc sớm ngay sau sinh. Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hữu ích và không gây ảnh hưởng hay tác dụng phụ gì lên bào thai và trẻ sơ sinh. |
BS. Lương Thị Thu
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/