Nhiều mẹ thường cai sữa, bỏ bỉm,... cho trẻ trước 2 tuổi, nhưng thực tế "cai" những việc này quá sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, việc nuôi dạy một đứa trẻ hiện nay không chỉ đơn thuần là trẻ được ăn no và mặc ấm. Nhiều cha mẹ luôn muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất.
Tuy nhiên nhiều bố mẹ thiếu kiến thức nuôi dạy con khoa học, nên trước khi trẻ 2 tuổi đã vội vàng "cai" những việc này, trên thực tế dễ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Trước 2 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng về thể chất và trí não của trẻ
- 0-6 tháng: Trong giai đoạn này, bé chủ yếu ngủ và lớn rất nhanh, có thể nói là lớn nhanh từng ngày, cũng là giai đoạn phát triển trí tuệ ban đầu.
Trước 2 tuổi, trẻ có những bước phát triển ngoạn mục đến bố mẹ cũng bất ngờ (Ảnh minh họa).
- 6-9 tháng: Giai đoạn bé bắt đầu có những chuyển động lớn cũng là bước đầu tiên bé khám phá thế giới, lúc này bố mẹ có thể đánh giá sự phát triển trí tuệ của bé có bình thường hay không thông qua phản ứng của bé với những thứ xung quanh.
- 9-15 tháng: Ở giai đoạn này, bé dần biết ngồi, đứng, đi và các hành động khác, có thể phân biệt chính xác các sự vật xung quanh, sử dụng các ngón tay một cách linh hoạt.
- 18-24 tháng: Trẻ có thể giao tiếp đơn giản với mọi người xung quanh, tự mình khám phá thế giới và học cách đi bộ và chạy bộ.
Trước 2 tuổi, có một số điều cần thiết để bé phát triển tốt, mẹ đừng vội "cai" 4 việc này
1. Sữa mẹ
Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất. Trước khi trẻ được 6 tháng tuổi, sữa mẹ có thể cung cấp hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ mà không loại thức ăn nào khác có thể thay thế được.
Nhưng trên thực tế, sữa mẹ vẫn rất quan trọng đối với trẻ ngay cả sau 6 tháng tuổi. Nhiều chuyên gia khuyên các mẹ nên duy trì việc cho con bú mẹ đến ít nhất 2 tuổi, vì việc bỏ sữa mẹ sớm có thể làm giảm sức khỏe thể chất của trẻ. Vì vậy, nếu có điều kiện, các mẹ nên cho trẻ bú mẹ càng lâu càng tốt.
Sữa vẫn là thức ăn cần thiết đối với trẻ trước 2 tuổi (Ảnh minh họa).
2. Sữa bột
Khi trẻ được 6 tháng tuổi, trong một số trường hợp, việc bú mẹ hoàn toàn không còn đáp ứng đủ nhu cầu thể chất của trẻ, lúc này trẻ cần phải bổ sung thêm sữa bột công thức. Mặc dù một số mẹ cho rằng thức ăn dặm có thể thay thế sữa bột nhưng thực tế, trước 2 tuổi do hệ tiêu hóa của bé chưa trưởng thành nên chưa tiêu hóa được phần lớn thức ăn. Do đó, giai đoạn trước 2 tuổi, bố mẹ không nên vội cắt hẳn sữa công thức trong chế độ ăn của con mà nên duy trì xen kẽ các bữa ăn dặm.
3. Tã
Ngày nay, tã giấy là thứ mà bé sơ sinh nào cũng sẽ sử dụng, nhưng vì làn da mỏng manh của bé nên nhiều bậc cha mẹ không muốn mua loại bỉm rẻ tiền, do đó đây cũng trở thành một khoản chi lớn. Để tiết kiệm chi phí, một số mẹ sẽ cho con bỏ bỉm sớm. Nhưng trên thực tế, bàng quang của trẻ vẫn tiếp tục lớn và hoàn chỉnh đến lúc 3 tuổi. Nó phát triển khỏe hơn và nhanh hơn nếu được tích đầy và xả rỗng tự do. Nếu cha mẹ bỏ bỉm sớm mà xi tè, hoặc cho trẻ ngồi bô sớm là phá hỏng quy trình đó. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và không có lợi cho sức khỏe của trẻ.
4. Giày tập đi
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng sau khi bé tập đi, bé có thể đi giày bình thường như trẻ lớn. Thực tế không phải như vậy, hầu hết các bé mới tập đi đều chưa nắm được tư thế đi đúng, bước phát triển chân còn rất yếu, dễ gặp chấn thương. Vì vậy, trước khi bé được 2 tuổi, tốt nhất mẹ nên sắm cho bé những đôi giày tập đi chuyên dụng để tránh bé bị vấp ngã khi tập đi, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của xương khớp.
Bên cạnh một số thứ nêu trên bố mẹ không nên "cai" cho con quá sớm thì trước 2 tuổi, bố mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với bất kì loại màn hình điện tử nào. Điện thoại, ti vi, máy tính bảng luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với trẻ nhỏ nhưng các chuyên gia đều khuyên rằng những sản phẩm này không phù hợp với trẻ dưới 2 tuổi. Nếu trẻ tiếp xúc với các sản phẩm điện tử quá sớm, trẻ có thể bị ám ảnh bởi chúng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển trí não của trẻ.
Theo Trí Thức Trẻ