Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, trẻ em sinh ra bị dị tật tim có nhiều khả năng bị lo âu, trầm cảm và/hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), bất kể mức độ nghiêm trọng của dị tật.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét hồ sơ y tế của gần 119.000 trẻ em, từ 4 đến 17 tuổi, được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Texas ở Houston từ năm 2011 đến năm 2016. Trong đó, 1.164 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cho thấy những trẻ này có nhiều khả năng bị lo âu, trầm cảm hoặc ADHD hơn các bạn cùng lứa tuổi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 18% trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tim dùng thuốc điều trị lo âu và/hoặc trầm cảm, so với hơn 5% những trẻ không mắc bệnh tim.
Nguyên nhân chính xác những trẻ này có nguy cơ cao hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng TS Vincent Gonzalez, bác sĩ tim mạch nhi tại Đại học Y Baylor / Bệnh viện Nhi Texas ở Houston, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, những đứa trẻ này đặc biệt dễ bị tổn thương. Chúng thường xuyên phải nhập viện và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật hoặc thủ thuật xâm lấn ngay từ khi còn nhỏ và trong suốt cuộc đời của chúng. Những yếu tố này cùng với tỷ lệ rối loạn di truyền tiềm ẩn cao hơn, khuyết tật học tập, sự lo lắng của cha mẹ và các tác nhân gây căng thẳng xã hội, tất cả đều có khả năng góp phần làm gia tăng các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Theo TS Gonzalez kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc cho tất cả bệnh nhân mắc bất kỳ loại bệnh tim bẩm sinh nào nên xem xét sàng lọc các triệu chứng của những rối loạn này sớm hơn trong thời thơ ấu, thay vì đợi đến khoảng thời gian thanh thiếu niên khi xuất hiện các triệu chứng điển hình.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn