Hen phế quản 70-80% là do căn nguyên dị ứng. Bệnh dị ứng không khỏi được nhưng có thể kiểm soát được, giải pháp chủ yếu là tránh yếu tố gây dị ứng.
Theo nghiên cứu, khoảng 70-80% trẻ hen dị ứng với mạt nhà. Mạt nhà thường xuyên hiện hữu trong môi trường sống của chúng ta nên việc tránh mạt nhà là vô cùng khó khăn. Ở bệnh nhân hen phế quản, giải mẫn cảm là phương pháp điều trị được căn nguyên của bệnh. Đây có thể nói là phương pháp đỉnh cao của ngành dị ứng. Điều trị giải mẫn cảm mạt nhà là quá trình giúp bệnh nhân dị ứng với mạt nhà dung nạp không còn dị ứng khi tiếp xúc lại. Phương pháp này trên thế giới đã áp dụng từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ.
Giải mẫn cảm được biết đến như là liệu pháp miễn dịch, có hiệu quả làm giảm, mất triệu chứng dị ứng, trong một số trường hợp thực sự điều trị được dị ứng cho trẻ. Vì vậy, nếu yếu tố kích thích hen là yếu tố dị ứng, nên cân nhắc sử dụng phương pháp điều trị giải mẫn cảm cho trẻ.
Nguyên tắc điều trị
Điều trị giải mẫn cảm tạo miễn dịch với dị nguyên, làm trẻ giảm mất triệu chứng, thường kéo dài vài năm. Tiến hành bằng cách sử dụng lượng nhỏ dị nguyên tăng dần về số lượng theo thời gian. Vì điều trị giải mẫn cảm giúp cơ thể tạo nên sự dung nạp hiệu quả với dị nguyên, cuối cùng là làm giảm và thậm chí có thể làm mất đi triệu chứng dị ứng của trẻ (đặc biệt là trong hen và trong viêm mũi dị ứng).
Hen phế quản hầu hết là do căn nguyên dị ứng
Giải mẫn cảm với mạt nhà chủ yếu theo 2 đường là đường tiêm và đường dưới lưỡi. Ở trẻ em, các bác sĩ ưu tiên sử dụng đường dưới lưỡi vì dễ tuân thủ hơn.
Cách dùng: Hàng ngày xịt dị nguyên mạt nhà dưới lưỡi. Yêu cầu trẻ không được nuốt trong 2 phút.
Thời gian điều trị: Theo các nghiên cứu trên thế giới, thông thường liệu trình điều trị cần khoảng từ 2-5 năm để đạt hiệu quả.
Một số phương pháp điều trị hen khác
Điều trị kháng IgE: Kháng IgE là một phương pháp điều trị làm ngừng phản ứng dị ứng trước khi nó bắt đầu, giúp ngăn ngừa đợt hen bằng cách ngăn chặn kháng thể gây ra phản ứng. Phương pháp điều trị này được áp dụng cho bệnh nhân hen từ 12 tuổi trở lên, bị hen dị ứng trung bình đến nặng.
Phương pháp sinh học khác: Sử dụng IL5, IL4, IL13... cho các bệnh nhân hen kháng trị. Phương pháp này có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.
Phương pháp phẫu thuật: Gần đây, FDA của Mỹ áp dụng thiết bị y học đầu tiên sử dụng năng lượng sóng radio để điều trị hen nặng và dai dẳng. Quy trình là đặt ống sợi quang học vào phổi với một đầu truyền năng lượng điện tử trực tiếp vào đường thở, làm giãn nở đường thở. Phương pháp này có thể áp dụng cho bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên bị hen nặng dai dẳng không kiểm soát được bằng thuốc.
TS.BS. Lê thị thu hương (BV Đại học Y)
Nguồn https://suckhoedoisong.vn