Sức khoẻ
   Sai lầm thường gặp khi chữa lùn cho con
 

Con thấp bé so với các bạn nhưng nhiều cha mẹ không đưa trẻ đi thăm khám mà tự mua hormone tăng trưởng, thực phẩm chức năng... cho con uống.

Bác sĩ Chu Lý Hải Vân, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM, chỉ ra ba ngộ nhận thường gặp của phụ huynh, khi tìm các biện pháp cải thiện chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng cho con.

Tự đoán bệnh, tự chữa lùn

Theo bác sĩ Vân, hiện nay các quảng cáo về sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng chứa hormone tăng trưởng, canxi... làm tăng chiều cao xuất hiện tràn lan, khó kiểm chứng. Thông tin này đánh trúng tâm lý nhiều phụ huynh có con thấp bé hơn các bạn đồng trang lứa. Họ không tiếc tiền mua về cho con dùng. Tuy nhiên, các sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ, không có tác dụng điều trị.

Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do nhiều nguyên nhân, như yếu tố di truyền (gene), môi trường, chế độ dinh dưỡng, vận động, rối loạn nội tiết và bệnh tật... Trong đó, tỷ lệ trẻ thiếu nội tiết tố tăng trưởng, hay hormone tăng trưởng (GH) chỉ chiếm khoảng một trên 4.000-10.000 trẻ, nhưng lại là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng thấp bé ở trẻ em Việt Nam, bác sĩ lý giải.

Trẻ có dấu hiệu chậm tăng trưởng cần được đưa đến bệnh viện khám, tìm căn nguyên mới chẩn đoán và xử trí thích hợp. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Vân khẳng định, thiếu hormone tăng trưởng là một bệnh lý, có thể điều trị bằng thuốc. Để xác định trẻ có thiếu hụt GH hay không, cần kiểm tra chi tiết, gồm khám tổng quát loại trừ nguyên nhân khác, chụp X-quang xương bàn tay đo tuổi xương, xét nghiệm đánh giá hormone chuyên sâu, nhiễm sắc thể đồ, xét nghiệm đột biến gene... chứ không đơn thuần chỉ đo chiều cao.

"Phác đồ điều trị được cá thể hóa cho từng trẻ và không phải tất cả trẻ em chậm tăng trưởng đều có chỉ định tiêm hormone", bác sĩ nói.

Hormone tăng trưởng là "thuốc tiên" giúp trẻ cao lớn vượt trội

"GH được chỉ định điều trị cho trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng thật sự hoặc một số bệnh lý gây ra chậm tăng trưởng, giúp trẻ đạt mốc chiều cao trung bình theo tuổi và giới tính. Chúng tôi tuyệt đối không dùng GH phục vụ mục đích biến trẻ có chiều cao bình thường đạt được chiều cao theo kỳ vọng của phụ huynh", bác sĩ Vân nhấn mạnh.

Khoảng 100 trẻ em được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng đã điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đa số đáp ứng thuốc tốt. Trong năm đầu tiên, trẻ cao thêm 8-12 cm. Các năm tiếp theo, hiệu quả sẽ giảm dần, duy trì 8-10 cm. Kết thúc liệu trình, trẻ đạt chiều cao trung bình lúc trưởng thành.

Để thành công, theo bác sĩ Vân, cần rất nhiều yếu tố. Đúng liều lượng và điều trị sớm là quan trọng nhất. Trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trước tuổi dậy thì, có thể bắt đầu từ 4 tuổi. Trẻ phải tiêm thuốc đều đặn, hàng ngày, không gián đoạn. Qua "thời gian vàng" này, khi dậy thì các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, GH không còn tác dụng. Cố dùng thêm GH sẽ dẫn đến các biến chứng to đầu ngón chân tay, xương hàm lớn, các cơ quan nội tạng phát triển quá mức...

Quá trình điều trị nội tiết tố cần kết hợp tăng cường vận động, ưu tiên các môn thể thao cần rướn nhiều như bơi lội, bóng rổ. Trẻ nên ngủ sớm và đủ giấc cùng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, đều đặn.

Ngoài ra, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ lành tính, như kích ứng vị trí tiêm, đau đầu, mệt mỏi, đau khớp... trong thời gian đầu; rối loạn đường huyết hoặc chức năng tuyến giáp. Do đó, phụ huynh muốn bổ sung GH cho trẻ, phải được bác sĩ thăm khám, cân nhắc liều lượng, giám sát y tế chặt chẽ. Mỗi ba tháng trẻ tái khám một lần để đánh giá đáp ứng với thuốc, tác dụng phụ và chỉnh liều phù hợp.

Có thể nạp hormone tăng trưởng bằng đường uống

Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, bác sĩ Vân cho hay. Bản chất của hormone tăng trưởng là protein, khi uống vào dạ dày sẽ bị axit phân hủy. GH chỉ có thể bổ sung bằng cách tiêm trực tiếp vào cơ thể, thường ở vị trí bụng, mông, tay... những chỗ có lớp mỡ dày. GH sẽ được bảo toàn và chuyển hóa đúng cách, từ đó thúc đẩy xương phát triển, làm tăng chiều cao của trẻ.

Trên thị trường vẫn chưa có sản phẩm dùng đường uống nào chứa thành phần là hormone tăng trưởng. Bác sĩ khuyên phụ huynh nên cân nhắc và tỉnh táo trước những quảng cáo, truyền miệng. Việc sử dụng sản phẩm không có hướng dẫn của chuyên gia y tế dễ dẫn đến tác dụng phụ. Trẻ không đạt được chiều cao mong muốn, lâu dài mất đi cơ hội và "thời gian vàng" để tăng trưởng toàn diện. Thậm chí dư thừa chất, không đào thải được khiến trẻ béo phì, sỏi thận, sỏi niệu quản, ảnh hưởng đến sự hấp thu các chất khác...

Nguồn https://vnexpress.net

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Những dưỡng chất cần thiết cho hệ miễn dịch của trẻ (9/12)
 Nguy hiểm khi dùng cyproheptadine trị biếng ăn cho trẻ (8/12)
 Phát triển trẻ thơ trong những năm đầu đời (7/12)
 Cách chăm sóc người bệnh cúm (4/12)
 Cách nào để trẻ không bị thiếu canxi? (4/12)
 Người lớn chăm sóc trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng: Không nên chủ quan (1/12)
 Cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin trước khi có dịch (30/11)
 Phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh (27/11)
 Cảnh báo bệnh sởi gia tăng trên toàn cầu (25/11)
 Điều trị hen trẻ em không chỉ là uống thuốc... (24/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i