Kali là một trong những khoáng chất thiết yếu, cần cho các hoạt động sống hằng ngày. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận ra các thực phẩm giàu kali quen thuộc.
Kali là một khoáng chất quan trọng đối với cơ thể, giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải; giúp duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan, đặc biệt là của hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu và cả hoạt động của các cơ bắp. Để bổ sung đủ kali cần thiết cho cơ thể, chúng ta cần ăn đa dạng thực phẩm, đặc biệt, cần chú trọng ăn các thực phẩm giàu kali.
Vai trò thiết yếu của kali
Kali đóng vai trò kiểm soát nhịp tim, có vai trò đặc biệt quan trọng những người bị tăng huyết áp, suy tim, hoặc rối loạn nhịp tim. Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu kali có thể làm giảm hàm lượng cholesterol, tránh được nhiều bệnh tim mạch.
Kali cũng giúp ích cho cơ thể sản xuất ra protein từ các amino acid và biến đổi glucose thành glycogen (polysaccharide dự trữ chính của cơ thể) một nguồn năng lượng chủ yếu cho mọi hoạt động của cơ thể.
Ở phụ nữ khi mang thai, cần phải có chế độ ăn nhiều kali mới đáp ứng được nhu cầu cơ thể những lúc đó, vì kali rất cần thiết trong việc xây dựng hệ thống cơ và xương cho thai nhi. Không những thế, nó cũng giúp ngăn chặn tình trạng mất xương do loãng xương làm cho xương dễ gãy ở người cao tuổi.
Khoai lang là thực phẩm giàu kali nhất
Đứng đầu danh sách các thực phẩm giàu kali đó chính là khoai lang. Khoai lang là loại thực phẩm ít chất béo và ít calo nhưng có thể cung cấp nhiều chất xơ, vitamin C, beta-carotene, canxi, và một lượng kali khổng lồ (694 mg). Khoai lang có thể được chế biến thành nhiều món ăn hàng ngày như khoai lang nướng/chiên hay món cà ri khoai lang với đậu phụ hoặc bánh nướng với khoai lang. Khoai lang cũng là một thực phẩm tuyệt vời dành cho những bé mới ăn dặm.
Cà chua
Cà chua là thực phẩm phổ biến và có mặt trong mỗi bữa ăn. Một cốc nước cà chua ép có chứa 556mg kali, cùng với rất nhiều folate, vitamin nhóm B, vitamin C, chất xơ, và beta-carotene. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dùng nước sốt cà chua cho nhiều món ăn khác nhau để bổ sung được nhiều kali hơn cho cơ thể.
Các loại đậu
Hạt đậu là nguồn dinh dưỡng rất phong phú, ngon và tương đối rẻ tiền. Hạt đậu có nhiều vitamin nhóm B, nhiều sắt, kali, rất nhiều chất xơ. Đa số hạt đậu đều có rất ít chất béo và năng lượng, ngoại trừ đậu nành và đậu phộng lại có nhiều chất béo tốt ở dạng chưa bão hòa. Một nửa chén đậu đũa cung cấp gần 600 mg, đậu que, đậu Hà Lan cũng có công dụng tương tự
Nước cà rốt ép
Nước ép cà rốt là loại nước nước ép có mặt trong mỗi bữa sáng, rất giàu beta-carotene, vitamin nhóm B, kali, canxi, coban và một số khoáng chất khác. Mỗi cốc nước ép cà rốt có chứa 500mg kali, sử dụng cách ép là phương pháp hiệu quả nhất để nhận được tối đa kali trong cà rốt.
Cá
Kali có rất nhiều trong cá và hải sản, 100g cá ngừ chứa 500mg kali.
Chuối
Chuối là loại trái cây phổ biến và rất rẻ tiền ở nước ta nhưng lại là nguồn cung cấp kali dồi dào (422 mg/quả). Chuối rất giàu kali và có hàm lượng muối thấp, giúp duy trì huyết áp ổn định.
Với lượng kali dồi dào, chuối là thực phẩm lý tưởng dành cho thai phụ hay buồn nôn vì ốm nghén. Chuối là món rất tốt người bệnh tim mạch, cụ thể là người cao huyết áp, nhờ tác dụng vừa lợi tiểu nhẹ, vừa bổ sung kali cho cơ thể dễ bị thiếu hụt vì dùng thuốc lợi tiểu lâu ngày. Ngoài ra, chuối còn rất giàu chất xơ, vitamin B6 và vitamin C.
Bí ngô
Bí ngô chứa nhiều đường sucrose, pectic, muối kali và magie, sắt, đồng và coban. ½ cốc bí ngô cung cấp khoảng 448 mg kali và cũng rất giàu vitamin С, В1, B2, В6, Е, beta-carotene.
Kali có rất nhiều vai trò đối với sức khỏe, mà lại không khó bổ sung. Một chế độ ăn uống giàu trái cây và rau quả là cách tốt nhất để có đủ kali, giúp giảm được nguy cơ về bệnh tim mạch, ung thư hay béo phì. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về các thực phẩm giàu kali quanh mình để có thể tận dụng tối đa, làm lợi cho sức khỏe của mình nhé.
Nguồn Beyeu