Đó là mục tiêu của chiến lược và kế hoạch hành động giáo dục trẻ khuyết tật (GDTKT) giai đoạn 2006-2015 đang được Bộ GD-ĐT soạn thảo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thời gian tới.
5 giải pháp quan trọng được đưa ra, gồm: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quốc gia về GDTKT, phát triển nguồn nhân lực thực hiện GDTKT, phát triển hệ thống hỗ trợ GDTKT, tăng cường công tác quản lý GDTKT, tăng cường sự phối hợp liên ngành và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong GDTKT.
Theo thống kê, số lượng TKT được tới lớp ngày càng tăng, từ 42.000 (năm 1996) lên 270.000 em hiện nay (gấp 6,4 lần), và không chỉ tập trung ở bậc mầm non, tiểu học mà còn có ở cả các bậc học khác như dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH. Việc giáo dục hòa nhập cho TKT cũng đã được triển khai ở trên 2.500 trường phổ thông và 105 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ, để đạt được mục tiêu của chiến lược, GDTKT nước ta phải vượt qua một số thách thức, trong đó có 2 vấn đề nổi cộm là năng lực và chất lượng đội ngũ của các cơ sở đào tạo GDTKT. Cả nước hiện mới chỉ có 7 cơ sở đào tạo có khoa hoặc tổ giáo dục đặc biệt, nội dung đào tạo giáo viên về kiến thức, kỹ năng dạy TKT chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Các chương trình đào tạo giáo viên dạy TKT còn nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn và chắp vá. Số lượng giáo viên được bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn GDTKT mới chỉ thực hiện được ở những nơi có chương trình dự án, tuy nhiên, hiệu suất sử dụng cũng đạt tỷ lệ thấp (khoảng 35%).
Trong kế hoạch hành động từ nay tới năm 2010, Việt Nam sẽ dành khoảng 1,5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về GDTKT, trên 450 tỷ đồng để nghiên cứu, sản xuất thiết bị, phương tiện hỗ trợ TKT, với mục tiêu tới năm 2010, sẽ cung cấp miễn phí học liệu, thiết bị và phương tiện trợ giúp cho TKT. Các trường chuyên biệt sẽ được chuyển đổi dần thành các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, sao cho mỗi tỉnh có 1 trung tâm. Cũng trong giai đoạn từ nay tới 2010, chiến lược sẽ dành khoảng trên 600 tỷ đồng phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trực tiếp dạy TKT, để tới năm 2010 đạt tỷ lệ 1 giáo viên chính quy/300 TKT.
Theo Hà Nội mới.