Sở GD&ĐT Hà Nội đã có tờ trình UBND thành phố về tăng cường quản lý và hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục (MNTT), trong đó khuyến khích phát triển nhiều loại hình trường và hạn chế sự ra đời của các nhóm, lớp nhỏ lẻ. Đồng thời, đây cũng là dịp để có được cái nhìn tổng thể về hiện trạng hoạt động của các cơ sở MNTT, cũng như những khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ để trợ giúp cho loại hình này có điều kiện phát triển.
Giờ giấc - thế mạnh của mầm non tư thụcỞ các trường tư thục, phụ huynh có thể đón con vào bất cứ giờ nào theo yêu cầu. Nhiều khi cha mẹ vì bận việc, đến đón con lúc 9, 10 giờ đêm, nhưng vẫn không phải trả thêm tiền trông, hoặc có cũng rất ít. Tại trường Chích Bông, có nhiều học sinh bố mẹ đi làm ăn ở nước ngoài gửi con cho các cô giáo nuôi, thi thoảng ông bà nội ngoại mới đến đón đi chơi rồi lại giao cho các cô. Đây chính là nguyên nhân thu hút đông đảo phụ huynh đến với MNTT và cũng là điều kiện để có sự ra đời ồ ạt của loại hình này. Thậm chí, để thu hút thêm học sinh, nhiều hiệu trưởng còn đến từng nhà vận động, thuyết phục cha mẹ học sinh bằng những lời quảng cáo cho chất lượng dạy và chăm sóc.
Với nhiều thuận lợi như vậy, nhưng tiền gửi không quá cao so với mức phí 75.000 đồng (nhà trẻ) và 95.000 đồng (mẫu giáo) đối với trường công. Ngoài một số trường tư thục lớn, có chi phí hoạt động cho trẻ cao, tham gia dạy học và nuôi dưỡng chăm sóc trẻ như một trường mầm non công, có mức phí thu trên 200.000 đồng/tháng như Liễu Giai, Minh Hải, phần lớn các trường mức phí dao động khoảng 150.000 đồng đối với trường lớn và dưới 70-80.000 đồng ở các trường nhỏ hoặc vùng nông thôn. ngoài ra không thu thêm tiền xây dựng trường hay tiền học phẩm khác. Đối với từng đối tượng nghèo, giàu, nhà trường cũng có những thoả thuận riêng về tiền ăn và tiền gửi, miễn sao thu hút được đông đảo học sinh, nhất là những trường đang phấn đấu đủ 3 lớp để thành lập trường.
Quản lý thế nào cho hiệu quảNhững năm gần đây, mạng lưới MNTT của Hà Nội phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2006-2007, toàn thành phố có 58 trường MNTT và 290 nhóm, lớp MNTT. Các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàng Mai là nơi tập trung nhiều cơ sở MNTT. Số trẻ theo học trong các trường, lớp MNTT chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số trẻ đến trường như Đống Đa có gần 50% số trẻ đến nhà trẻ MNTT, Thanh Xuân cũng có 45%. Tuy nhiên trong số này chỉ có 58 trường, 85 nhóm, 29 lớp có quyết định thành lập. Các nhóm trẻ gia đình dưới 5 cháu mở ra rất nhiều, nhưng không cần xin giấy phép của phường, xã, vì thế không thể thống kê hết được.
Thực tế cho thấy, hầu hết các trường MNTT có giấy phép đều hoạt động tương đối ổn định, tạo được uy tín và tuân thủ theo đúng quy trình. Tuy nhiên, có khoảng gần 70% các nhóm, lớp lẻ thiếu thốn về trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, diện tích nhỏ hẹp, lại thường ở lẫn trong khu dân cư, xóm lao động, nay mở, mai đóng theo nhu cầu của người dân, nên rất khó quản lý. Nhưng do có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của người gửi, nên MNTT vẫn ngày càng phát triển, cho dù có nơi chỉ đơn thuần là trông giữ trẻ.
Bất cập trong quản lý các lớp MNTT hiện nay là phường, xã, cấp giấy phép còn phòng GD&ĐT chỉ quản lý chuyên môn. Nhiêu trường chẳng xin phép được vẫn thành lập, miễn là tìm được cơ sở để có chỗ “chui ra chui vào” cho các cháu. Tình trạng coi trọng việc trông trẻ hơn tổ chức dạy dỗ theo chương trình mầm non là phổ biến (chủ yếu bật băng video cho trẻ xem cả ngày). Hầu hết tất cả các trường lớp tư thục đều tổ chức ăn cho trẻ, đầu bếp thường là những người chưa được qua trường lớp học hành, nấu theo cảm tính, chưa tính được lượng calo cần thiết cho trẻ, bếp ăn cũng không sạch sẽ….
Phòng GD&ĐT quận, huyện thấy những việc tắc trách của một số lớp, nhưng cũng không thể lấy quyền gì để kiểm tra nhắc nhở. Khi lên bậc tiểu học, kết quả cho thấy, những học sinh không được dạy dỗ bài bản ở các lớp tư thục thường tiếp thu chậm hơn trẻ ở trường công. Các cháu biết đọc sớm nhưng viết kém, viết xấu, thậm chí không biết cầm bút sao cho đúng, không được sửa tư thế ngồi đúng. Vì vậy, các cô giáo tiểu học lại vất vả rèn từ đầu.
Nhiều ý kiến cho rằng, để chấn chỉnh lại tình hình các lớp MNTT cần quy việc quản lý về một mối, giao trở lại quyền quyết định thành lập lớp MNTT cho các phòng GD&ĐT quận, huyện thì phòng mới có kế hoạch cụ thể giúp đỡ các lớp về chuyên môn, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng, giải quyết được tình trạng quá tải ở một số trường mầm non công lập.
Theo Kinh tế & đô thị.