Ngày 30/11/2020 khoa sơ sinh tiếp nhận 1 bệnh nhân con bà Nguyễn Thị N, là một bé trai, cân nặng lúc sinh 3,7kg sinh mổ tại BV Sa Đéc, có khối u khổng lồ phía sau đầu, kích thước khoảng 10x12x9cm.
Hình ảnh em bé trước phẫu thuật (cân nặng 3,7kg)
Hình ảnh siêu âm và CT scan cho thấy hình ảnh khuyết xương sọ, túi thoát vị lớn qua lỗ khuyết sọ chứa dịch và nhu mô não. BS Phan Minh Trí (Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) cùng nhóm các bác sĩ, điều dưỡng và đội ngủ gây mê hồi sức đã phẫu thuật thành công, cắt bỏ phần khối u chứa nhu mô não xuất huyết hoại tử bên trong.
Hình ảnh em bé sau phẫu thuật (cân nặng 2,8kg)
Thoát vị não màng não là một dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ 1 đến 10 trẻ trong số 4000 trẻ sơ sinh sống. Nguyên nhân xác định của dị tật này vẫn còn chưa rõ, nhưng đa số khiếm khuyết của hệ thần kinh đơn thuần liên quan đến sự thiếu hụt folate.
Thiếu Folate có thể do cung cấp không đủ (chế độ ăn thiếu folate), dùng các chất đối kháng với folate, hoặc bất thường về gen liên quan đến chuyển hóa folate. Các yếu tố ở mẹ làm tăng nguy cơ thiếu folate như: mẹ quá nhỏ tuổi, mẹ uống rượu, hút thuốc, uống nhiều café trong thời gian mang thai, mẹ béo phì hoặc đái tháo đường thai nghén, mẹ dùng thuốc chống co giật.
Acid Folic hay folate đều là các dạng của vitamin B9. Acid folic là dạng tổng hợp có trong thực phẩm bổ sung, còn folate có nhiều trong các loại thức ăn như: rau ăn lá, trứng, và các loại cam quýt. Khi cung cấp thiếu chất dinh dưỡng quan trọng này, trẻ có nguy cơ cao bị các dị tật bẩm sinh hệ thần kinh (như tật nứt đôi đốt sống, có hoặc không kèm thoát vị não màng não, và nặng nhất là vô não), nhất là trong vòng 28 ngày đầu sau khi thụ thai, ngay cả khi người phụ nữ chưa biết là mình đang mang thai.
Vậy khi nào nên bổ sung acid folic? Phụ nữ nên uống acid folic trước khi chuẩn bị mang thai. Phụ nữ có nguy cơ nhiều nhất là người có tiền sử sinh con bị dị tật hệ thần kinh. Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự tái diễn là bổ sung acid folic hằng ngày một tháng trước khi có thai. Khi có thai nên khám thai theo dõi định kỳ và tiếp tục dùng acid folic theo chỉ định của bác sĩ.
Các loại thực phẩm sau đây chứa nhiều folate:
- Rau ăn lá màu xanh.
- Trái cây họ cam quýt.
- Các loại đậu.
- Bánh mì, ngũ cốc.
- Mì sợi.
- Gạo.
ThS.BS.Nguyễn Thị Anh Tiên
Nguồn Nhidong