Theo nghiên cứu về thành tựu và thành công của nhà tâm lý Carol Dweck, Đại học Stanford, người ta thường có một trong hai cách tiếp cận khi nhìn nhận về tài năng:
- Tư duy bảo thủ: Tin rằng trí thông minh, khả năng và kỹ năng là bẩm sinh và không thay đổi được. Những người có tư duy bảo thủ thường nói rằng "Tôi không thông minh kiểu đó" hay "toán không phải sở trường của tôi".
- Tư duy cầu tiến: Tin rằng trí thông minh, năng lực và kỹ năng có thể phát triển qua sự nỗ lực. Những người có tư duy cầu tiến thường nói những điều như "Thêm chút thời gian, tôi sẽ làm được" hay "Được thôi, tôi sẽ cố gắng tiếp". Cách tiếp cận khác biệt có thể bắt đầu từ những lời khen khi trẻ còn bé. Chẳng hạn, nếu bạn khen con kiểu như: "Con nghĩ ra nhanh quá, con thật thông minh!". "Ồ, con thật tuyệt. Con được điểm cao mà chẳng cần học vất vả!"... thì đã ngầm truyền thông điệp từ tư duy bảo thủ: Cho rằng mình tự nhiên đã giỏi nên khi gặp khó, trẻ cảm thấy bất lực vì nghĩ mình không đủ thông minh và sẽ ngừng cố gắng. Khi bạn khen con chỉ vì thành tích hay chỉ trích trẻ vì thất bại tạm thời, bạn sẽ tạo môi trường cho tư duy bảo thủ. Khi đó, trẻ sẽ thấy mọi lỗi đều là thất bại. Trẻ thấy chưa đạt được kết quả ngay là thất bại và có thể mất động lực để ngừng nỗ lực.
Thay vào đó, hãy tập trung khen những nỗ lực của con. "Ồ, kết quả tốt quá. Chắc con đã dành rất nhiều thời gian để ôn luyện". "Ồ, mẹ biết mất rất nhiều công sức mới làm được thế này và con đã cố gắng tới khi hoàn thành". Bạn vẫn khen kết quả nhưng dựa trên nền tảng là sự nỗ lực chứ không mặc định rằng đó là do tài năng thiên bẩm hay kỹ năng trẻ tự có. Bằng cách khen ngợi sự nỗ lực, bạn khiến con cảm thấy mọi thứ đều có thể - tất cả những gì trẻ phải làm là duy trì sự nỗ lực. Hãy giúp con phát triển tư duy tích cực, cầu tiến.
Cụ thể, để trẻ trở nên thông minh hơn, nhận thức đúng đắn hơn, hãy chú ý đến 2 điểm sau trong cách khen con:
Khen ngợi nỗ lực mới giúp trẻ tiến bộ
Lời khen có thể làm thay đổi nhận thức của trẻ. Thay vì khen: "Con thông minh quá" cha mẹ có thể khen: "Tốt lắm, đó là phần thưởng cho nỗ lực của con". Điều này sẽ giúp cho trẻ hiểu cha mẹ đánh giá cao nỗ lực của nó thế nào. Nỗ lực không cho phép dễ dàng thỏa mãn. Khi gặp khó khăn, thất bại, trẻ sẽ nghĩ do mình chưa thực sự cố gắng chứ không tìm cách đổ lỗi.
Để lời khen phát huy tác dụng, cha mẹ nên sử dụng đúng mực, không được tùy tiện. Khi quan sát thấy sự tiến bộ, nỗ lực cha mẹ hãy khen ngay lúc đó. Lời khen phải chân thành, cụ thể, trung thực, không khen chung chung, nói quá sự thật. Không nên khen quá nhiều, như vậy lời khen sẽ mất dần giá trị. Lời khen như vậy sẽ là trợ lực thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ.
Mô tả cụ thể hành động được chấp thuận và đáng khen ngợi
Bố mẹ hãy chú ý hơn đến những điều nhỏ nhặt có thể ảnh hưởng đến việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ. Trẻ em phát triển mạnh nhờ sự chú ý, điều này khiến cho chúng cảm thấy được nuôi dưỡng. Bậc phụ huynh cũng có thể thúc đẩy cái tôi của con bạn bằng cách bình luận và mô tả chi tiết những gì trẻ đang làm, điều mà con bạn sẽ coi là một hình thức khen ngợi. Ví dụ, bạn nói: "Cảm ơn con đã tự giác đánh răng mà không cần bố mẹ nhắc nhở".
Tuy nhiên, nếu bạn khen ngợi quá nhiều thì bạn sẽ bị mất uy tín và lời khen ngợi sẽ không có tác dụng. Trẻ em có thể nhận ra đâu là lời khen không thành thật và lời khen thực tế. Một lần nữa hãy mô tả cụ thể hành động được chấp thuận và đáng khen ngợi của trẻ. Ví dụ khi con đang tô vẽ một bức tranh, bố mẹ hãy khen: "Bố thích cách con tô màu ở góc này của bức tranh" hay "Đây là sự kết hợp màu sắc thú vị mà con đã chọn" thay vì khen ngợi: "Con là họa sỹ giỏi nhất thế giới".
Nguồn 24h.com