Dũng cảm là đức tính mà bất kỳ cha mẹ nào cũng hy vọng con mình có. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng dũng cảm nếu không được “mài giũa”. Và cha mẹ chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp con sở hữu phẩm chất tuyệt vời này.
Phụ huynh cần để con đối mặt với thách thức. Ảnh minh họa
“Hãy trở thành một người can đảm, kiên cường”. Đây chắc chắn là câu nói mà hầu hết phụ huynh đều muốn nói với con. Tuy nhiên, bản chất của dũng cảm là gì? Cha mẹ được gợi ý thực hiện những cách dưới đây để giúp con mình trở nên dũng cảm hơn:
1. Cho trẻ thấy thế nào là dũng cảm
Nếu muốn con trở thành một người dũng cảm, trước hết, cha mẹ cũng cần có đức tính này. Vì thế, phụ huynh hãy để trẻ chứng kiến cha mẹ bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nếu lo lắng khi phải ngồi trên tàu lượn siêu tốc, cha mẹ hãy đối mặt với nỗi sợ hãi đó và “cưỡi” con quái vật này tại công viên.
Có thể, một số phụ huynh sợ khiêu vũ khi nghĩ rằng mình không có năng khiếu. Tuy nhiên, hãy gạt bỏ lo lắng và tham gia các lớp học khiêu vũ để chứng minh rằng, nỗi sợ đó là sai. Khi những khoảnh khắc đó xảy ra trước mặt trẻ, cha mẹ cần cho con thấy điều đúng đắn mình có thể làm. Điều quan trọng là, phụ huynh hãy trở thành người hùng của trẻ.
2. Thử thách và khen ngợi
Chắc chắn là, bất kỳ phụ huynh nào cũng mong muốn mình luôn sát cánh để bảo vệ con. Tuy nhiên, cha mẹ được khuyến khích nên dành một khoảng thời gian để trẻ đối mặt với thách thức. Như vậy, con sẽ có thể thử nghiệm những điều mới và làm những điều mà trẻ từng sợ hãi.
Thử ăn một món mới, thuyết trình trước đám đông, hay chơi một môn thể thao là một số ví dụ. Khi trẻ đối mặt với thách thức và sẵn sàng thực hiện những điều này, cha mẹ cần dành nhiều lời khen ngợi cho con. Phụ huynh hãy là người khích lệ khi nhận thấy những nỗ lực của trẻ.
3. Khơi gợi niềm tự hào gia đình
Phần lớn mọi người không thể vượt qua thử thách và có hành động dũng cảm, nếu không có lý do để làm như vậy. Tuy nhiên, cha mẹ có thể động viên con rằng, truyền thống của gia đình là trở thành một người mạnh mẽ.
“Con trai, con là một thành viên trong nhà Thompson và chúng ta có truyền thống đứng về phía công lý”. Khi phụ huynh khơi dậy niềm tự hào gia đình theo cách này, trẻ em sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về lịch sử và nguồn gốc của mình. Đây chính là tiền đề để trẻ từng bước trở nên dũng cảm.
4. Chỉ ra những anh hùng trong đời thực
Khi nhắc tới anh hùng trong đời thực, ắt hẳn chúng ta sẽ nghĩ về những chiến binh, lính cứu hỏa hay cảnh sát... Những “anh hùng” này chắc chắn sẽ là ví dụ về lòng dũng cảm và kiên cường.
Ngoài ra, cha mẹ có thể khơi gợi sự dũng cảm trong trẻ bằng cách sử dụng một số câu trích dẫn. Chẳng hạn như câu nói của John Wayne: “Dũng cảm là sự sợ hãi cái chết, nhưng không buồn lòng chút nào”.
Các phụ huynh được gợi ý nên viết một câu trích dẫn về dũng cảm lên bảng hoặc giấy tại nhà. Mỗi tuần, hãy thay một câu trích dẫn khác. Như vậy, tất cả thành viên trong gia đình có thể đọc và từ đó, giúp trẻ phát triển tư duy theo chiều hướng đúng đắn.
Cha mẹ cần là hình mẫu của trẻ. Ảnh minh họa
5. Khuyến khích trẻ vươn xa
Trẻ nhỏ thường rất dễ chấp nhận những người xung quanh. Tuy nhiên, khi dần lớn hơn, trẻ thường chơi theo từng nhóm và có xu hướng loại những thành viên “không phù hợp”. Những lúc này, cha mẹ cần trở thành người lắng nghe, chia sẻ và động viên con rằng, đứa trẻ dũng cảm sẽ bước ra khỏi ranh giới của những áp lực từ bạn bè.
Để trở thành hình mẫu người mà xã hội này vô cùng quý trọng, con sẽ cần tiếp cận bạn đang phải ngồi một mình trong phòng ăn trưa. Con hãy trò chuyện và trở thành bạn với những đứa trẻ bị xa lánh. Hành động này được cho là vô cùng dũng cảm, khi trẻ sẵn sàng vượt qua mọi rào cản và chia sẻ với người khác.
6. Xây dựng sự tự tin và niềm tin
Một trong những yếu tố quan trọng để giúp trẻ dũng cảm hơn là cha mẹ cần xây dựng và nuôi dưỡng sự tự tin trong con. Phụ huynh hãy giúp trẻ hiểu rằng, bản chất của con không nằm ở thành tích, hay những gì người khác nói. Số tài sản mà con sở hữu cũng sẽ không thể hiện tính cách con người.
Thay vào đó, trẻ cần biết rằng, con được nuôi dưỡng nhờ tình yêu thương của gia đình. Khi đủ trưởng thành để thấu hiểu điều đó, trẻ sẽ không cảm thấy áp lực và có được sự tự tin. Nhờ đó, lòng can đảm của con sẽ được nuôi dưỡng, giúp trẻ làm chính mình và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong cuộc sống.
7. Nhập vai
Cha mẹ có thể đưa ra các tình huống khác nhau liên quan đến những hành động dũng cảm và can đảm. Trong những tình huống này, con sẽ cần nhập vai và suy nghĩ xem mình nên giải quyết thế nào.
Thông qua việc nhập vai, cha mẹ sẽ giúp con học được cách phản ứng nhanh nhạy. Nhờ đó, cho trẻ nhiều kinh nghiệm tuyệt vời để áp dụng vào đời sống thực. Không chỉ vậy, trẻ cũng sẽ nhận được nhiều niềm vui khi tham gia nhập vai cùng cả gia đình.
8. Phân biệt giữa hung hăng và dũng cảm
Khi nhắc tới dũng cảm, không ít trẻ sẽ nghĩ về việc xuất hiện giữa đám đông và chống trả những kẻ bắt nạt, giúp đỡ người yếu thế. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhắc trẻ hiểu rằng, khi nào là thời điểm thích hợp để con có thể dũng cảm về mặt thể chất.
Trước hết, điều quan trọng là con cần hiểu, thế nào là công lý. Khi đó, con sẽ phân biệt được sự khác biệt giữa hung hăng và dũng cảm.
9. Giao tiếp
Nhiều cha mẹ có thể giúp con trở nên dũng cảm hơn chỉ nhờ giao tiếp. Do vậy, phụ huynh nên trò chuyện thường xuyên và cởi mở, chân thành với trẻ. Hãy chia sẻ những khó khăn mà cha mẹ từng gặp khi ở lứa tuổi của con. Tạo ra một không gian mà trẻ cảm thấy an toàn để có thể chia sẻ về những điều riêng tư.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn