Sau 5 năm triển khai thực hiện, môi trường giáo dục được quan tâm cải thiện. Việc bố trí, sắp xếp phù hợp các góc chơi đã giúp trẻ có nhiều cơ hội được thực hành, khám phá, trải nghiệm cả trong và ngoài lớp học.
Nhiểu đổi thay tích cực khi trẻ thực sự giữ vai trò trung tâm trong nuôi dạy
Thực hiện thí điểm chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, các trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh đã có những đổi thay, hoạt động nuôi - đã hướng đến chất lượng cao hơn.
Biến chuyển tích cực
Bà Tô Thị Ánh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Sau khi triển khai thực hiện chuyên đề, môi trường GD đã cơ bản được cải thiện, các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) đã nỗ lực, cố gắng xây dựng môi trường vật chất trong và ngoài lớp học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị (tận dụng hiên chơi, cầu thang, bố trí các góc linh hoạt theo hướng mở; tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; xây dựng góc thiên nhiên, góc địa phương, vườn cổ tích, khu chợ quê....).
Trẻ được vui chơi với nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Các góc chơi được bố trí phù hợp, thuận tiện cho quá trình trẻ chơi, tạo mọi cơ hội cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm. Tuyên truyền, huy động được từ các tổ chức, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân trên địa bàn cùng với sự ủng hộ của phụ huynh và tập thể cán bộ, GV, nhân viên trong việc hỗ trợ kinh phí, ủng hộ công lao động để xây dựng, cải tạo khuôn viên, làm đồ chơi bằng các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, giúp cho các góc chơi thêm phong phú, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp - thân thiện, thỏa mãn nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ.
Bên cạnh việc xây dựng môi trường vật chất thì môi trường tinh thần cũng được các nhà trường thường xuyên quan tâm triển khai, đôn đốc; 100% trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử, triển khai tới toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh cùng phối hợp thực hiện, qua đó tạo tâm lý thoải mái cho trẻ khi đến trường, tự tin giao tiếp với bạn bè, với giáo viên và với những người xung quanh, giúp các bậc cha mẹ yên tâm khi gửi trẻ.
Đổi mới chăm sóc giáo dục trẻ
Để triển khai xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm, các Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo GV tổ chức các hoạt động GD phong phú và đa dạng về hình thức, phối kết hợp nhiều phương pháp hợp lý, tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”.
GV cũng đã chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ. GV chỉ giữ vai trò tổ chức, điều khiển, hỗ trợ trẻ. Khuyến khích trẻ biết tham gia các hoạt động tập thể, biết quan tâm, giúp đỡ nhau trong quá trình hoạt động.
Vui bán hàng ở một phiên chợ quê vùng cao
Qua quá trình thực hiện chuyên đề đã tác động và giúp phương pháp GD của GV linh hoạt, mềm dẻo hơn, GV luôn tạo cơ hội cho trẻ được chủ động, tích cực trong các hoạt động; quan tâm đến giáo dục cá nhân (tôn trọng ý kiến cá nhân trẻ). Sự chuyển biến đó thể hiện qua qua việc tổ chức các hoạt động GD hằng ngày và qua Hội thi GV dạy giỏi hằng năm. Nhiều GV làm chủ được kiến thức chuyên môn, nắm vững nội dung yêu cầu bài dạy, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp đặc trưng của môn học.
Việc đổi mới hình thức, phương pháp theo Chương trình GDMN, các nội dung, chuyên đề được GV lồng ghép, tích hợp nhẹ nhàng, phù hợp, không khiên cưỡng; trò chơi chuyển tiếp giữa các nội dung hoạt động giúp trẻ hào hứng... Nhiều tiết dạy được giáo viên tổ chức dưới các hình thức độc đáo, sáng tạo, nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu cao về kiến thức; khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, kích thích, lôi cuốn trẻ hào hứng, tích cực tham gia hoạt động, tiếp nhận kiến thức tự nhiên, không gò ép.
Kết quả nổi bật
Mạng lưới trường học cơ bản được rà soát, sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế; quy mô trường, nhóm, lớp ngày càng được mở rộng; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng, 100% trẻ được ăn bán trú và học 2buổi/ngày; nhiều trường học được đầu tư xây mới với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, khuôn viên trường được quy hoạch, bố trí phù hợp với các hoạt động của trẻ MN, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cơ sở vật chất đầy đủ, trẻ được vui với các trò chơi
Môi trường GD đã được cải thiện rõ rệt. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ trẻ đã có nhận thức đúng đắn về quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, ý nghĩa của xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thông qua việc thực hiện chuyên đề, đặc biệt là sau khi tổ chức hội thi “Trường mầm non xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện” các cấp, đa số các đơn vị đã chú trọng hơn đến việc xây dựng và cải tạo khuôn viên trường, lớp, tạo môi trường GD đáp ứng các tiêu chí “Xanh, sạch đẹp, an toàn và thân thiện” với trẻ...
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ luôn được quan tâm, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo 100% cơ sở GDMN thực hiện phần mềm hỗ trợ quản lý nuôi dưỡng; các cơ sở GDMN có đầy đủ các loại hồ hơ quản lý bán trú theo quy định; thực hiện đầy đủ, đúng nguyên tắc việc lưu mẫu và giao nhận thực phẩm.
Việc tổ chức ăn bán trú tại trường luôn đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị về các chất dinh dưỡng và năng lượng cung cấp cho trẻ và luôn được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều cơ sở GDMN đã có Ban đại diện cha mẹ học sinh đến giám sát, hỗ trợ, tạo sự quan tâm, phối hợp tốt trong nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tô Thị Ánh.
|
Nguồn https://giaoducthoidai.vn