Giáo dục mầm non
   Lộ trình nâng chuẩn giáo viên nên tập huấn cái gì còn thiếu, không phải bằng cấp
 

Yêu cầu giáo viên đang giảng dạy phải bổ sung văn bằng, chứng chỉ làm thế nào để nâng chuẩn đúng nghĩa, tránh hình thức, lãng phí?

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố các dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập đang nhận được sự quan tâm của đội ngũ giáo viên trên cả nước.

Cùng với dự thảo của các Thông tư này là việc Luật giáo dục năm 2019 có hiệu lực vào ngày 1/7/2020 tới đây, chúng tôi nhận thấy câu chuyện văn bằng, chứng chỉ đối với giáo viên vẫn là nỗi lo canh cánh cho nhiều người.

Nếu cứ để giáo viên mãi chạy theo bằng cấp, chứng chỉ như thế này không chỉ là áp lực cho đội ngũ nhà giáo mà cái chính nó sẽ tạo ra những thị phi, thậm chí còn có những tiêu cực trong đào tạo, bồi dưỡng các loại văn bằng, chứng chỉ.

Thực tế cho thấy không phải cấp học nào cũng phải có những chứng chỉ theo quy định

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Chuẩn trình độ và thước đo bằng cấp

Theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì yêu cầu về chuẩn trình độ giáo viên sẽ được nâng lên ở các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở.

Giáo viên cấp mầm non sẽ có trình độ chuẩn là cao đẳng (hiện nay là trung cấp), tiểu học và trung học cơ sở là đại học (hiện nay tiểu học là trung cấp, trung học cơ sở là cao đẳng).

Theo ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn là 256.492 người (công lập: 207.606 người; dân lập, tư thục: 48.886 người).

Như vậy, khi Luật giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước sẽ phải thực hiện việc nâng chuẩn của mình theo lộ trình của Bộ Giáo dục.

Trong khi, chúng ta đều biết rằng những thầy cô chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 có phải là họ thiếu chuẩn khi tuyển dụng đâu bởi thời điểm tuyển dụng là các cơ quan chức năng chỉ yêu cầu chuẩn trình độ như thế.

Đáng lẽ ra, việc áp dụng về chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 chỉ nên thực hiện cho đối tượng giáo viên được tuyển dụng sau thời điểm Luật có hiệu lực.

Những giáo viên được tuyển dụng trước thời điểm 1/7/2020 chỉ cần bồi dưỡng về chuyên môn cụ thể mà họ đang dạy sẽ hiệu quả và thiết thực hơn nhiều.

Vì, nếu đào tạo lại trình độ cao đẳng hay đại học thì tất nhiên giáo viên phải học rất nhiều môn, vừa mất thời gian, vừa không hiệu quả mà cái chính là gây ra sự lãng phí tiền bạc cho cả nhà nước lẫn người học.

Vì theo hướng dẫn khi nâng chuẩn giáo viên thì nhà nước sẽ chịu kinh phí đào tạo.

Chuyện các loại chứng chỉ của giáo viên hiện nay

Đọc các dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập vừa được Bộ công bố để lấy ý kiến vào ngày 16/6 vừa qua chúng tôi thấy nhiều băn khoăn.

Trong 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông thì chỉ có giáo viên hạng IV (chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật giáo dục 2019) là không yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, còn từ hạng III trở lên đều bắt buộc phải có.

Tất cả giáo viên phải có chứng chỉ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với chứng chỉ ngoại ngữ thì giáo viên mầm non từ hạng II trở lên phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng III yêu cầu có trình độ ngoại ngữ bậc 1, hạng II có trình độ ngoại ngữ bậc 2, hạng I có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Giáo viên trung học phổ thông hạng III, hạng II có trình độ tối thiểu là bậc 2, giáo viên hạng I có trình độ ngoại ngữ tối thiểu là bậc III theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Ngày trước, khi được tuyển dụng thì giáo viên đã có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ A,B…theo yêu cầu của cơ quan tuyển dụng.

Bây giờ thay đổi, nâng cao lên ắt giáo viên lại phải đi học, mỗi chứng chỉ hết mấy triệu đồng mà nhiều khi không qua được bởi nhiều giáo viên dạy các môn không phải ngoại ngữ thì khi không sử dụng trong công việc làm sao mà nhớ để học, để thi và có chứng chỉ bậc I, bậc 2 theo khung ngoại ngữ 6 bậc?

Chính vì thế, nên sẽ xảy ra tiêu cực xảy ra trong tổ chức thi cử, cấp chứng chỉ. Giáo viên phải bỏ ra một số tiền để “chống trượt” nhằm thi đạt và được cấp chứng chỉ cho mình.

Nhiều người học không nổi, nghe chỗ này bán, chỗ kia bán rồi bỏ tiền mua. Khi cơ quan chức năng phát hiện bị kỷ luật, thậm chí mất việc cũng chỉ vì những giấy phép con này.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng vậy, mỗi chứng chỉ giáo viên phải đóng bình quân trên 2 triệu đồng mà học xong thì các địa phương cũng không tổ chức thi thăng hạng, có tổ chức cũng căn cứ vào nhu cầu vị trí việc làm, vậy yêu cầu tất cả các giáo viên từ hạng III trở lên học để làm gì?

Tại sao Bộ không có những hướng mở linh hoạt để tạo cho giáo viên sự lựa chọn có lợi mà cứ phải bắt buộc có chứng chỉ? Có chứng chỉ mà đơn vị không có nhu cầu để cho giáo viên thi thăng hạng thì có chứng chỉ để làm gì?

Nâng cao trình độ chuyên môn là điều mà đội ngũ nhà giáo luôn ý thức để trau dồi, học tập nhưng chỉ là chuyên ngành mà họ đang giảng dạy.

Những chứng chỉ cũng cần, nhất là tin học trong thời điểm này nên dù trước đây chưa yêu cầu thì giáo viên cũng tự học để soạn thảo giáo án điện tử.

Còn chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc thì có nhất thiết phải cần với đội ngũ giáo viên không?

Chúng tôi cho rằng đó là sự khiên cưỡng khi mà trường phổ thông có hơn 10 môn học, mỗi người dạy mỗi môn khác nhau, những giáo viên không dạy ngoại ngữ không nhất thiết phải có chứng chỉ bậc 1, bậc 2, bậc 3.

Yêu cầu giáo viên bổ sung văn bằng, chứng chỉ vừa tốn kém, vừa không hiệu quả và có thể đẩy giáo viên vào những vòng xoáy hình thức, lãng phí, khiến cho đội ngũ nhà giáo vô cùng mệt mỏi.

Nguồn https://giaoduc.net.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giáo cụ trực quan từ nguyên học liệu thiên nhiên dễ kiếm tìm, an toàn cho trẻ (29/6)
 Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm: Trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá (27/6)
 Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi (27/6)
 Trăn trở của giáo viên mầm non (20/6)
 Từ ngày 15 đến 31-7: Tổ chức hoạt động hè cho trẻ mầm non (19/6)
 Giáo viên mầm non xin về hưu sớm (19/6)
 Dự thảo quy định mới về cách xếp lương với giáo viên mầm non (18/6)
 Độc đáo với bộ sưu tập phiếu bé ngoan có 1 không 2 (15/6)
 Huy động tối đa trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp (12/6)
 Đề xuất chính sách đối với giáo viên mầm non (11/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i