Giáo dục trẻ
   Cách dạy con của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới tạo ra những đứa trẻ biết đồng cảm và hạnh phúc
 


Thấu cảm là môn học chính quan trọng, được xem là yếu tố giúp trẻ em Đan Mạch trở thành những người hạnh phúc và rèn luyện nên các nhà lãnh đạo thành công.


Nhắc tới Đan Mạch, người ta nghĩ ngay tới truyện cổ Andersen, đồ chơi Lego, bia Carlsberg... và 'danh hiệu' quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Theo nghiên cứu, môn Thấu cảm (Empathy) được đưa vào giảng dạy tại các trường học từ năm 1993 được xem là một trong những yếu tố giúp tạo nên sự hạnh phúc của Đan Mạch.

 


Ngôn ngữ đồng cảm

Người Đan Mạch luôn tâm niệm con cái là hình ảnh phản chiếu cha mẹ. Nếu cha mẹ bình luận về người khác trước mặt con bằng những từ ngữ tiêu cực, châm chọc như "Cô ấy thật đáng ghét", "Anh ta ích kỷ lắm", đó không phải là ngôn ngữ đồng cảm.

Ở Đan Mạch, bạn hầu như không không bao giờ nghe thấy cha mẹ nói những điều như vậy trước mặt con. Họ luôn cố gắng giúp con tìm hiểu hành vi của người khác mà không sử dụng ngôn ngữ tiêu cực. Trẻ em Đan Mạch được dạy bản chất của tất cả mọi người đều tốt và luôn có lý do đằng sau những hành vi của họ. Tìm và hiểu cho những lý do này, chúng ta sẽ thấy mặt tốt của họ, từ đó nảy sinh sự thấu hiểu, đồng cảm. Nó còn giúp loại bỏ cảm xúc tiêu cực, giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Khi gặp người có hành vi bất lịch sự, cha mẹ Đan Mạch thường hỏi con: "Con có nghĩ người đó đang đói/đang mệt vì không được ngủ trưa? Con có biết cảm giác đói và mệt như thế nào không? Đó là những gì người ấy đang trải qua".

Trong phương pháp nuôi dạy con của cha mẹ Đan Mạch còn một khái niệm nữa, đó là "tự điều chỉnh". Người Đan Mạch tin rằng trước khi mỗi người có thể hiểu cảm xúc của người khác, họ phải có khả năng hiểu chính mình. Họ khuyến khích con nói ra cảm xúc. Điều này xây dựng ý thức mạnh mẽ hơn về bản thân và cũng cho trẻ cơ hội khám phá bản chất hành động của chúng.

Không bao giờ tranh giành phần thắng về phía mình

"Chúng ta chỉ nên cạnh tranh với chính mình chứ không phải chạy đua với người khác". Quan điểm này là lý do các trường học Đan Mạch không đề ra giải thưởng cũng như danh hiệu cho học sinh xuất sắc trong các môn học ở trường hoặc trong thể thao.

Những đứa trẻ thông minh nhất lớp sẽ được coi là trợ giảng của giáo viên. Các em có nhiệm vụ giúp đỡ các bạn khác chia sẻ khó khăn, tháo gỡ khúc mắc để cả lớp hiểu rõ nhau hơn.

Alexander và Sandahl, hai giáo viên tiểu học người Đan Mạch, cho tôi biết giáo viên ở quốc gia này được đào tạo để xem mỗi học sinh là một cá nhân có nhu cầu khác nhau. Họ vừa phải quản lý lớp học, vừa phải chăm lo cho mục tiêu của từng em. Mục tiêu này có thể là học tập hoặc vấn đề cá nhân.

Giáo viên sẽ quan sát, đánh giá điểm mạnh, yếu của từng em dựa theo mục tiêu để chia nhóm học tập phù hợp. Ví dụ trong lớp của con gái tôi, em học giỏi toán có thể ghép nhóm với con gái tôi, người học toán kém hơn để giúp nhau tiến bộ. Tương tự vậy, học sinh gặp khó khăn trong việc tương tác xã hội có thể tham gia nhóm với những em sôi nổi, hoạt bát để vượt qua trở ngại.

Broegard, giáo viên tại một trường tiểu học Đan Mạch, chia sẻ với tôi rằng phụ huynh biết sẽ có nhiều cách tốt hơn để con tiếp nhận kiến thức nhưng họ không làm như vậy. Họ cho rằng không có lý do gì để biến những đứa trẻ non nớt trở thành người cuồng Toán học, không có khả năng chịu áp lực từ cuộc sống bên ngoài.

Lớp học về sự đồng cảm

Ở Đan Mạch, mỗi tuần các học sinh trong độ tuổi từ 6-16 có một giờ dành riêng cho môn Thấu cảm. Nó là một phần cơ bản trong chương trình giáo dục quan trọng ngang với các môn khác như Toán, Lịch sử, Văn hay Ngoại ngữ.

Trong lớp, học sinh được hướng dẫn cách nói ra tất cả những vấn đề vướng mắc của bản thân, bất kể nó có phải rắc rối trong hay ngoài phạm vi trường học.

Những vấn đề đó sẽ được giáo viên và những bạn trong lớp cùng tìm hướng giúp đỡ giải quyết, dựa trên cơ sở lắng nghe và thấu hiểu.

Iben Sandahl và Jessica Joelle Alexander - đồng tác giả của một cuốn sách về cách nuôi dạy con trở nên hạnh phúc - đã kể lại những trải nghiệm thực tế về lĩnh vực này.

"Cả lớp được học cách tôn trọng mọi tính cách và cùng nhau tìm kiếm giải pháp. Những vấn đề tâm lý của trẻ đều được thừa nhận, lắng nghe như một vấn đề chung của cộng đồng", nhà văn, nhà trị liệu tâm lý Iben Sandahl, nói.

Nếu giờ học không có vấn đề cần xử lý, cả lớp đơn giản sẽ cùng thư giãn, vui chơi, thực hành văn hóa "hygge".

"Hygge" là khái niệm riêng dùng để biểu đạt ý nghĩa của sự hạnh phúc ở Đan Mạch. Đây cũng được xem là cơ sở để ngành giáo dục nước này xây dựng, phát triển môn Thấu cảm trong trường học.

"Hygge" còn có nghĩa là mang lại ánh sáng, sự ấm áp và tình bạn, tạo ra một bầu không khí chia sẻ, chào đón và thân thiện.

Môn Thấu cảm được chứng minh giúp xây dựng các mối quan hệ, ngăn chặn bắt nạt học đường và tạo nên sự thành công trong công việc.

Cha mẹ dành thời gian chất lượng bên con

Cách dạy con của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới tạo ra những đứa trẻ biết đồng cảm và hạnh phúc - Ảnh 2.
Bên cạnh trường học, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Người Đan Mạch dành nhiều thời gian ở bên con và đó là những khoảng thời gian thực sự chất lượng. Họ sẽ toàn tâm toàn ý ở bên cạnh lắng nghe, không điện thoại di động, không công việc.

Hạnh phúc của trẻ là được cha mẹ quan tâm và có thời gian vui vẻ bên cạnh cha mẹ. Vì vậy, hầu hết ngôi nhà ở Đan Mạch đều có giá sách chứa đầy trò chơi cờ bàn như cờ cá ngựa, UNO, cờ tỷ phú... Những trò chơi này hạn chế tiếp xúc với Internet hay thiết bị công nghệ, yêu cầu người chơi ngồi quây quần bên nhau và dành toàn bộ chú ý cho đối phương. Điều này có hiệu quả cao trong việc gắn kết gia đình.

Mỗi xã hội, nền văn hóa, môi trường sống đều có những đặc thù riêng. Cách giáo dục trong gia đình và nhà trường tại Đan Mạch phản ánh rõ rệt quan niệm chung của người dân nơi đây là không có gì hoàn hảo hay tuyệt đối trong cuộc sống; chỉ là mỗi cá nhân cố gắng làm tốt nhất mọi chuyện trong khả năng để có một cuộc sống tốt hơn cho mình và cho những người chung quanh.

Có lẽ vì thế nên người Đan Mạch được xem là sống hạnh phúc hơn người dân tại nhiều quốc gia phát triển khác, cho dù đất nước này cũng có đủ vấn đề như bất cứ nơi nào, chưa kể đến thuế suất thu nhập cá nhân thuộc hàng cao nhất thế giới.

 

Nguồn Giadinh

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 6 bài học tự quản cần dạy trẻ (17/7)
 Cách dạy ngoại ngữ 'thuận tự nhiên' của bà mẹ có con thạo 8 thứ tiếng (17/7)
 10 hành động tưởng có hại nhưng cha mẹ khôn ngoan không nên cấm con làm (17/7)
 Dạy con về tiền bạc - Chuyện không thể coi thường (7/7)
 Vì sao trường chuyên hấp dẫn học sinh và phụ huynh? (7/7)
 Giáo dục giới tính trẻ mầm non: Nói rõ kín, làm thì... hở (30/6)
 Vấn nạn con cái bạo hành cha mẹ ở nước Anh (30/6)
 Dạy chữ sớm là làm hại trẻ (19/6)
 9 tuổi phải điều trị tâm thần vì được thả nổi học lập trình từ nhỏ (19/6)
 Mẹ Việt ở Nhật bày cách “trị” tính ương bướng của trẻ không cần quát mắng (19/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i