Giáo dục trẻ
   Vấn nạn con cái bạo hành cha mẹ ở nước Anh
 


Trốn trong phòng ngủ, trống ngực Caroline Straw, 37 tuổi, đập thình thịch. Cô kéo tủ chặn ngang cửa để ngăn cô con gái 15 tuổi xông vào. Con bé có ý định giết cô.

 

Nỗi sợ của Caroline phức tạp bởi mâu thuẫn giữa một bên là tình yêu với con, một bên là bảo vệ bản thân. Con gái cô, Daisy, là một thiếu nữ nói năng lưu loát, thích làm bánh và các môn nghệ thuật, được giáo dục theo tiêu chuẩn của tầng lớp trung lưu. Mặt tối là Daisy đã có tiền sử hai năm lạm dụng bạo lực mẹ mình.

"Con tôi là cô gái đáng yêu nhưng dường như con bé có một công tắc biến nó thành người khác. Tôi đã bị thâm mắt, nhiều vết cắn và bầm tím khắp cơ thể do con gây ra", Caroline nói.

Lạm dụng bạo lực đối với cha mẹ như Caroline đã trải qua, phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Ở Anh, các số liệu của cảnh sát từ năm 2010 đến 2019 cho thấy, bạo hành của con trai với cha mẹ tăng 30%, lên 5.294 vụ. Bạo hành con gái với cha mẹ tăng gấp đôi, lên 1.598 vụ.

Do Covid-19, hầu hết các trường trung học đóng cửa đến hết tháng 9 và những thanh thiếu niên cảm thấy stress khi bị mắc kẹt tại nhà. Luật sư Vera Baird, đại diện của các nạn nhân ở Anh và xứ Wales, đang cảnh báo vể việc thanh thiếu niên tấn công cha mẹ mình trong thời kỳ giãn cách xã hội. "Có sự gia tăng đột biến các hình thức bạo hành với cha mẹ mới xảy ra", bà nói.

Michelle John, giám đốc của PEGS - một tổ chức hỗ trợ những nạn nhân bị con cái bạo hành - cho biết hàng ngày đều nhận được email kêu cứu của các bậc phụ huynh. Số liệu từ tổ chức này cho thấy 75% cha mẹ xin hỗ trợ của PEGS là nạn nhân của con trai. "Nhiều người sợ hãi tìm kiếm sự giúp đỡ trong trường hợp cái họ mất không chỉ con cái mà cả công việc, danh dự - nhưng các nhà chức trách thường nghiêng về đứa trẻ theo bản năng", Michelle cho biết.

 


Tình trạng trẻ em bạo hành cha mẹ gia tăng trong Covid-19 do phải ở nhà. Ảnh: Mirror.

Caroline chia tay với bố của Diasy khi con gái lên bốn. Sau đó có thêm con trai trong mối quan hệ tiếp theo với một thợ điện. Người phụ nữ đến từ vùng trung du nước Anh cho biết, chuyện bị con đánh đập không dễ chia sẻ. "Nếu tôi bị bạn trai lạm dụng thì mọi chuyện sẽ khác. Bạo lực giữa con cái với cha mẹ thật kinh khủng, nhưng thật khó để nói ra", cô nói.

Daisy đã thay đổi từ khi 13 tuổi. Cô bé bắt đầu vượt qua các ranh giới, chửi thề. Lúc đầu cô bé hung hăng điển hình như tuổi teen nổi loạn. Sau đó dần dần Daisy đánh và đấm vào đầu mẹ, khi không được phép hoặc bị cấm dùng điện thoại.

Caroline đã đưa con đến dịch vụ sức khỏe tâm thần cho trẻ em, nhưng Daisy từ chối hợp tác. Năm 14 tuổi, Daisy bắt đầu dùng dao và xoong để tấn công mẹ mình. "Con bé ném bất cứ thứ gì có được. Đôi khi hét lên rằng ghét tôi. Tôi luôn phải cảnh giác cao độ", người mẹ kể.

Daisy cao gần 1,8 m và luôn tận dụng lợi thế chiều cao để đe dọa người mẹ cao chưa tới 1,6 m và tấn công đứa em trai cùng mẹ khác cha mới 8 tuổi. Cô bé thường ghìm em trai xuống để đấm, nhiều đêm đánh thức và nói sẽ giết em. Vì sợ, Caroline đưa con trai vào phòng ngủ của vợ chồng cô.

Các chuyên gia tin rằng bạo hành trẻ em với cha mẹ phổ biến hơn ở những trẻ đã chứng kiến một chấn thương sớm. Caroline nghi ngờ con gái trở nên bạo lực vì từng thấy chồng cũ đánh cô suốt nhiều năm của cuộc hôn nhân.

Trong một cuộc gặp với các tổ chức xã hội tháng 7/2019, Daisy bình tĩnh tuyên bố đã nghiên cứu cách giết mẹ mình "trong vài giây bằng cách sử dụng dùng một cái gì đó gây nghẹt thở". "Con bé nói đó là một trò vui. Con bé nói giết tôi bằng giọng lạnh tanh", Caroline sợ hãi nói với cảnh sát.

Cô đã đề nghị chồng con chuyển đến chỗ người thân. Còn lại chỉ có hai mẹ con tại nhà. Cô cũng phải loại bỏ những vật sắc nhọn khỏi tầm mắt. Nhưng người mẹ vẫn bị đe dọa tới độ phải kê tủ chắn trước phòng ngủ, hoảng loạn nên suốt đêm không thể ngủ. Dịch vụ xã hội không thể hỗ trợ nữa. Cuối cùng cảnh sát đã bắt Daisy.

Cô bé sau đó được đưa đến một khu dành cho thanh thiếu niên. Trước dịch, Caroline tới thăm con mỗi tuần và FaceTime mỗi ngày. "Tôi rất mong được đón con về nhà, nhưng rủi ro vẫn còn quá lớn", người mẹ nói.

Caroline bị dồn đến bước đường phải cầu cứu, nhiều người mẹ khác vẫn đang âm thầm chịu đựng lạm dụng. "Mọi người sẽ bị sốc khi biết. Tôi lo lắng bị mọi người đánh giá, hoặc tôi có thể mất con", Miranda Rogers, có con trai Tristan, 16 tuổi, đã bạo hành mẹ từ khi 9 tuổi, nói.

Miranda từng là phó giám đốc một viện dưỡng lão, nhưng đã bỏ việc để chăm sóc 5 đứa con tuổi từ 2-18. Mọi người nhìn vào sẽ thấy cô có cuộc sống tươi đẹp với người chồng yêu thương. Nhưng đêm đêm cô luôn tự hỏi "mình đã sai ở đâu mà có một đứa con như thế. Tôi yêu con vô điều kiện nhưng khi con lớn hơn, tôi sợ con sẽ đánh gãy xương tôi".

Lần đầu tiên cô nhận thấy con thứ 2 của mình, Tristan thay đổi hành vì là sau khi con gái cô chào đời cách đây 9 năm. "Thằng bé bắt đầu khó bảo và nói ghét tôi", người mẹ kể.

Một lần thấy Tristan đánh em trai 5 tuổi, cô đã can thiệp thì bị con đấm vào miệng. Người mẹ ôm hai con nhỏ vào phòng và khóc. Sau đó cô gỡ bỏ trò chơi trong máy tính của Tristan như một hình phạt. Miranda giải thích vết bầm tím cho bạn bè là một tai nạn.

Lần khác bị Tristan đẩy vào khung cửa, cô lại biện bạch là sơ suất ngã khi chơi với con. Cơn thịnh nộ của Tristan bộc phát hàng tuần khi cầu bé bước vào tuổi thiếu niên, từ những việc rất nhỏ như bị từ chối cho tiền đi chơi với bạn. "Con đẩy tôi rất mạnh. Tôi bị hất xuống sàn", Miranda hoàn toàn bị con trai cao 1,8 m lấn át.

Nhưng người mẹ khẳng định, việc thiếu kỷ luật không dung túng cho bạo lực của Tristan và những đứa con khác của cô vẫn cư xử chừng mực. Chúng phải làm việc để có tiền tiêu vặt, phải dọn phòng. Nhưng nếu Miranda bảo Tristan dọn, thằng bé sẽ phá tung phòng.

6 tháng trước, sau khi Tristan đấm cửa, Miranda đã đưa con đến một phòng khám thanh thiếu niên, thừa nhận với một y tá tính nóng nảy của con. Họ đã yêu cầu nên đưa con đến gặp chuyên gia nhưng thằng bé khóc lóc van xin và người mẹ thì không có sức để kéo con đi.

Cậu bé đối xử tốt với người xung quanh. Ở trường học xuất sắc về toán và lịch sử. Sau khi đánh mẹ, thằng bé thường xin lỗi và nói "mẹ nên ghét con đi".

Chồng Miranda, một người điều hành kho 40 tuổi rất bức xúc với việc làm của con trai. Anh cũng trách vợ không nghiêm khắc với con. Nhưng Tristan chưa bao giờ đánh chồng cô, còn chồng cô thì cũng không nói được con.

Vấn nạn con cái bạo hành cha mẹ ở nước Anh - 2
Catherine Slater, 32 tuổi, ở Staffordshire cũng cảm thấy mâu thuẫn tương tự đối với con trai 10 tuổi của mình, Richard. "Tôi yêu con nhưng tôi không thích con và đó là một cảm giác kinh khủng", người mẹ nói trong nước mắt.

Từ cách đây 18 tháng, Richard trở nên hung dữ, sau khi được vợ chồng cô mua cho bộ Xbox (thiết bị video game). Khi người mẹ ngăn cản con không sa đà vào các trò chơi video, đứa con đã vặc lại mẹ. Đỉnh điểm, Giáng sinh năm ngoái, Richard đã đấm vào mặt mẹ 3 lần.

"Con đấm tôi với một lực mạnh khủng khiếp, đến mức tôi nghĩ mũi mình bị gãy", Catherine nói. Máu mũi khắp mọi nơi. Thằng bé không xin lỗi và nói vì mẹ đã làm nó giận. Cô đã giải thích với bạn bè và gia đình một bên mắt thâm đen là do bị ngã. "Tôi quá xấu hổ để thừa nhận", cô nói.

Người duy nhất biết là chồng cô. Anh chưa từng bị con trai tấn công. Catherine khăng khăng nếu cô nghiêm khắc hơn sẽ khiến Richard tức giận hơn và đó cũng không phải cách giáo dục hiệu quả.

Đại dịch làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Tổ chức Adoption UK cho biết, 31% phụ huynh báo cáo bị con nuôi bạo lực từ khi giãn cách xã hội. "Các gia đình đang phải chịu nhiều áp lực hơn", ông Sue Armstrong Brown, giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện nói. Ông cho biết, việc trẻ em bạo lực có thể do đã phải chịu tổn thương, hoặc là chúng đã chứng kiến người trưởng thành hành xử, hoặc làm vậy để thấy an toàn.

Con gái nuôi của Elizabeth Walters, tên Joanne đã chửi cô từ năm bé 11 tuổi bằng các từ ngữ khủng khiếp. Khi 12 tuổi, Joanne đã ném một hòn đá vào Elizabeth, để lại một vết thương lớn trên đầu. Người mẹ giờ đã học được cách giữ tay để kiềm chế mỗi khi con lên cơn thịnh nộ. "Joanne đã cắn vào ngực và cơ thể tôi, đâm đầu vào tôi", cô kể.

Joanne được nhận nuôi lúc 11 tháng tuổi và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phản ứng gắn bó. "Con bé sẽ không bao giờ tin rằng chúng tôi luôn yêu con và cố tình phá hoại mọi thứ", Elizabeth nói. Cô tranh cãi với chồng, bỏ qua những lời khuyên của mọi người vì vẫn tin vào cách nuôi dưỡng tình yêu thay vì kỷ luật nghiêm ngặt.

Nhưng sự tận tâm như vậy đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cô. "Từ 4 năm trước, tôi đã cảm thấy rất tệ. Tôi có thể hiểu cảm xúc người ta giết con mình sau đó tự tử là như thế nào", cô nói.

Trong vài tháng qua, Elizabeth bị con gái mắng chửi hàng ngày.

 

Nguồn VNE

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Dạy chữ sớm là làm hại trẻ (19/6)
 9 tuổi phải điều trị tâm thần vì được thả nổi học lập trình từ nhỏ (19/6)
 Mẹ Việt ở Nhật bày cách “trị” tính ương bướng của trẻ không cần quát mắng (19/6)
 Trẻ quan niệm lệch lạc về tiền vì 6 sai lầm của cha mẹ (12/6)
 8 lời khuyên của chuyên gia Mỹ dạy trẻ tự lập hơn (12/6)
 Lợi và hại của việc khen ngợi con cái (5/6)
 Dấu hiệu trẻ cầu toàn (27/5)
 Câu hỏi hóc búa của bé 3 tuổi (19/5)
 Nói dối ‘truyền nhiễm' từ bố mẹ sang con (19/5)
 Cách ứng xử với con về chuyện tiền để trẻ không tổn thương, rất nhiều cha mẹ vẫn làm sai (19/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i