Sức khỏe và Phát triển
   Chuyên gia cảnh báo nguy cơ giảm thì lực vì chủ quan với lác mắt, sụp mi
 


Không chỉ là vấn đề thẩm mỹ, lác mắt, sụp mi nếu không được phát hiện và có phương án điều trị sớm sẽ có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về thị lực sau này.


Bên cạnh các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, thì lác mắt và sụp mi cũng là 2 vấn đề nhãn khoa thường gặp ở trẻ em Việt Nam. Theo một thống kê, ở nước ta hiện nay có 2-3 triệu trẻ em bị lác (chiếm 2-4% dân số), trong đó có tới 70% trẻ bị lác mắt có kèm theo các tật khúc xạ do không được chỉnh kính. Cùng với lác mắt thì tình trạng sụp mi ở trẻ em Việt Nam cũng đang ngày càng gia tăng, và điều đáng nói là đa phần các trường hợp này đều không được thăm khám và điều trị.

Không ít bậc phụ huynh lầm tưởng rằng, lác mắt, sụp mi chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ của trẻ và có thể chữa bất kì lúc nào. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia, lác mắt, sụp mi nếu không được phát hiện và có phương án điều trị sớm sẽ có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về thị lực sau này.

Nguyên nhân nào khiến mắt bị lác?

 


Chia sẻ trong buổi Họp báo với chủ đề "Giữ gìn đôi mắt trẻ thơ", được Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức vào chiều 18/6, PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh, Nguyên Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương, Giảng viên cao cấp của Bộ môn Mắt, Đại học Y Hà Nội đã lý giải về hiện tượng lác mắt: "Với người bình thường, khi nhìn thẳng hoặc nhìn về phía xa thì trục nhìn sẽ ở trạng thái song song với nhau. Tuy nhiên, với người bị lác mắt, trục nhìn của một bên mắt sẽ bị lệch so với bên còn lại, hiện tượng này còn được gọi là lệch trục thị giác".

 


PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh, Nguyên Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương, Giảng viên cao cấp của Bộ môn Mắt, Đại học Y Hà Nội

 

Theo chuyên gia này, bất kì nguyên nhân nào gây tổn hại đến các cơ vận động mắt, dây dẫn truyền thần kinh từ mắt đến não hoặc trung tâm vận động mắt ở não đều có thể dẫn đến lác mắt, có thể kể đến như:

- Tình trạng dị dạng về cơ, hốc mắt bẩm sinh.

- Bị viêm nhiễm, có khối u hoặc các nguyên nhân khác gây chèn ép đường dẫn truyền thần kinh hoặc trung tâm điều khiển vận động mắt ở não.

- Các chấn thương đặc biệt.

Tìm hiểu về sụp mi ở trẻ

 


Theo PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh, ở người bình thường, mi mắt trên sẽ che đi một phần giác mạc khoảng 1-1,5 mm. Khi mi mắt trên hạ xuống thấp hơn nữa thì được gọi là sụp mi.

"Trẻ có thể bị sụp mi ở 1 bên mắt hoặc cả 2 mắt. Cũng giống như lác mắt, nguyên nhân gây sụp mi cũng đến từ các vấn đề về cơ và thần kinh điều khiển mi mắt như: cơ nâng mi bị yếu, bị đứt đoạn; khối u chèn ép hốc mắt; các bệnh thần kinh vận động; chấn thương" - PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh cho biết.

Suy giảm thị lực vì không điều trị lác mắt, sụp mi

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh rằng, lác mắt và sụp mi không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mĩ, mà còn có thể gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.

Theo đó, với trẻ bị lác mắt, bên mắt bị lác thực chất sẽ không được nhìn và về lâu về dài sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị. Tương tự, với trẻ bị sụp mi nặng khiến mi che mất đồng tử cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhược thị (Theo thống kê, 19% người bị sụp mi đều có thị lực kém hơn). Ngoài ra, trẻ bị sụp mi nặng còn có xu hướng ngửa đầu lên để mắt được nhìn thấy tốt hơn, do đó có thể dẫn đến tình trạng tư thế đầu cổ bất thường.

 


"Nhược thị là tình trạng giảm thị lực không thể cải thiện bằng cách đeo kính hoặc dùng kính sát tròng. Một khi đã bị nhược thị vì lác mắt, sụp mi, thì việc điều trị để phục hồi thị lực sẽ rất khó khăn và cần rất nhiều thời gian" - PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh phân tích.

Sụp mi, lác mắt có thể để lại hậu quả lớn về sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, chuyên gia nhãn khoa này khuyến cáo, nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu sụp mi hay lác mắt cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương hướng điều trị kịp thời. Tùy vào đặc điểm và tình trạng mà có thể điều trị bằng kính mắt hoặc phẫu thuật.

Ngoài ra, bố mẹ cần tập thói quen đưa trẻ đi khám sàng lọc mắt mỗi năm ít nhất 1 lần, với trẻ bị tật khúc xạ là 2 lần. Lần thăm khám đầu tiên nên được tiến hành sớm, ngay khi trẻ 3-4 tuổi, tức là độ tuổi đã có thể hợp tác trong quá trình khám.

 

Nguồn Dantri

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Con chậm biết đi, có thể mắc bệnh di truyền không thể chữa (19/6)
 3 triệu trẻ Việt Nam cần điều trị nhược thị sớm (12/6)
 Đến tháng tuổi này mà trẻ vẫn nằm ngủ nghiêng cổ sang 1 bên thì cha mẹ chú ý đưa con đi khám ngay (5/6)
 Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, dấu hiệu và các biến chứng (27/5)
 Bác sĩ nhi giải đáp 5 thắc mắc phổ biến nhất của bố mẹ có con nhỏ về việc tiêm chủng trong thời điểm hiện nay (19/5)
 Quản lý cơn suyễn trẻ em tại nhà (12/5)
 Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, dấu hiệu và các biến chứng (12/5)
 Dấu hiệu trẻ mắc sốt xuất huyết cần đưa ngay đến viện (5/5)
 Cách chữa trị cảm cúm cho trẻ hiệu quả (5/5)
 Hạ thân nhiệt ở trẻ khi bị cảm (5/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i