Chuyên gia cảnh báo nguy cơ giảm thì lực vì chủ quan với lác mắt, sụp mi Không chỉ là vấn đề thẩm mỹ, lác mắt, sụp mi nếu không được phát hiện và có phương án điều trị sớm sẽ có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về thị lực sau này.
Không ít bậc phụ huynh lầm tưởng rằng, lác mắt, sụp mi chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ của trẻ và có thể chữa bất kì lúc nào. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia, lác mắt, sụp mi nếu không được phát hiện và có phương án điều trị sớm sẽ có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về thị lực sau này. Nguyên nhân nào khiến mắt bị lác?
Theo chuyên gia này, bất kì nguyên nhân nào gây tổn hại đến các cơ vận động mắt, dây dẫn truyền thần kinh từ mắt đến não hoặc trung tâm vận động mắt ở não đều có thể dẫn đến lác mắt, có thể kể đến như: - Tình trạng dị dạng về cơ, hốc mắt bẩm sinh. - Bị viêm nhiễm, có khối u hoặc các nguyên nhân khác gây chèn ép đường dẫn truyền thần kinh hoặc trung tâm điều khiển vận động mắt ở não. - Các chấn thương đặc biệt. Tìm hiểu về sụp mi ở trẻ
"Trẻ có thể bị sụp mi ở 1 bên mắt hoặc cả 2 mắt. Cũng giống như lác mắt, nguyên nhân gây sụp mi cũng đến từ các vấn đề về cơ và thần kinh điều khiển mi mắt như: cơ nâng mi bị yếu, bị đứt đoạn; khối u chèn ép hốc mắt; các bệnh thần kinh vận động; chấn thương" - PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh cho biết. Suy giảm thị lực vì không điều trị lác mắt, sụp mi PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh rằng, lác mắt và sụp mi không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mĩ, mà còn có thể gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Theo đó, với trẻ bị lác mắt, bên mắt bị lác thực chất sẽ không được nhìn và về lâu về dài sẽ dẫn đến tình trạng nhược thị. Tương tự, với trẻ bị sụp mi nặng khiến mi che mất đồng tử cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhược thị (Theo thống kê, 19% người bị sụp mi đều có thị lực kém hơn). Ngoài ra, trẻ bị sụp mi nặng còn có xu hướng ngửa đầu lên để mắt được nhìn thấy tốt hơn, do đó có thể dẫn đến tình trạng tư thế đầu cổ bất thường.
Sụp mi, lác mắt có thể để lại hậu quả lớn về sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, chuyên gia nhãn khoa này khuyến cáo, nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu sụp mi hay lác mắt cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương hướng điều trị kịp thời. Tùy vào đặc điểm và tình trạng mà có thể điều trị bằng kính mắt hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, bố mẹ cần tập thói quen đưa trẻ đi khám sàng lọc mắt mỗi năm ít nhất 1 lần, với trẻ bị tật khúc xạ là 2 lần. Lần thăm khám đầu tiên nên được tiến hành sớm, ngay khi trẻ 3-4 tuổi, tức là độ tuổi đã có thể hợp tác trong quá trình khám.
Nguồn Dantri |