Thời tiết nắng nóng khiến trẻ nhỏ rất khó chịu. Với trẻ sơ sinh, nhất là những trẻ chưa thể cất cao đầu, các bé dễ bị hăm ở cổ khi trời nóng, mồ hôi ra nhiều.
Trong khi đó, vì chuyển động cổ chưa linh hoạt, làn da lại mỏng manh, nhiều nếp gấp nên hiện tượng hăm ở cổ trẻ cũng khó điều trị.
Có em bé bị hăm cổ đến đỏ hết các ngấn ở cổ, trầy xước da. Trẻ bị nặng càng đau đớn và quấy khóc. Theo kinh nghiệm truyền thống, khi thấy bé bị hăm ở cổ, phấn rôm sẽ là cứu cánh tuyệt vời. Nhưng thực tế, phấn rôm hiện nay đã không được các bác sĩ Nhi khoa khuyên dùng. Thậm chí thành phần Talc trong phấn rôm còn có thể gây hại cho bé vì khi rắc lên những nếp gấp ở cổ trẻ sơ sinh, bột Talc dễ dàng vón cục, làm tắc nghẽn lỗ chân lông và khiến cho tình trạng hăm lại càng hăm.
Hơn nữa, sử dụng phấn rôm cho trẻ sơ sinh còn có nguy cơ khiến trẻ hít phải bột Talc, gây hại cho hệ hô hấp non yếu của trẻ.
Trẻ bị hăm đỏ cả cổ vào mùa hè, rắc phấn rôm sẽ chẳng hiệu quả gì đâu, đây mới là cách làm đúng - Ảnh 1.
Không ít trẻ bị hăm cổ vào mùa hè.
Vậy không dùng phấn rôm thì làm gì để điều trị tình trạng hăm cổ cho bé?
Chú ý vệ sinh sạch sẽ cổ trẻ sơ sinh thường xuyên
Với trẻ bị hăm ở cổ, thay vì kiêng không lau rửa, bố mẹ càng phải vệ sinh cổ thường xuyên cho bé. Nên dùng khăn xô mềm lau rửa cổ bé bằng nước ấm vào buổi sáng, trưa, và tối, ít nhất 3 lần mỗi ngày. Tuyệt đối không dùng tay chà xát mạnh sẽ khiến trẻ bị đau và làm tình trạng hăm càng nặng thêm. Nên nhẹ nhàng dùng khăn chấm cổ bé, kiên nhẫn làm sạch từng nếp gấp ở cổ trẻ một cách chậm rãi.
Nếu trời càng nóng, trẻ ra mồ hôi càng nhiều thì bố mẹ nên tăng tần suất lau rửa cổ cho con. Lưu ý là sau khi lau rửa bằng khăn ướt, phải dùng khăn khô lau sạch lại để đảm bảo cổ bé luôn khô ráo.
Nằm sấp giúp cổ bé thoáng hơn.
Nâng cổ trẻ cho thông thoáng, khô ráo
Cũng giống như ngôi nhà cần có sự thông gió để đảm bảo không khí trong lành, cổ của những em bé sơ sinh với làn da non nớt cũng cần được làm thông thoáng để phòng tránh hiện tượng hăm cổ.
Nếu quan sát kĩ chúng ta sẽ thấy cổ trẻ sơ sinh thường khít chặt, các nếp gấp đè lên nhau, hiếm khi nơi này được tiếp xúc trực tiếp với không khí. Vì thế, bố mẹ cần dành ra vài lần mỗi ngày nâng cổ bé lên để nó được thông thoáng và khô ráo. Ngoài ra, tập cho bé nằm sấp cũng là một cách hay để hạn chế tình trạng cổ khít chặt, dễ dẫn đến hiện tượng hăm cổ.
Bôi kem hăm
Sau khi thực hiện hai cách trên, mẹ nên dùng kem hăm thoa đều lên cổ bé, nhất là các nếp da gấp sâu. Những loại kem hăm lành tính, có tác dụng chống viêm, khử trùng sẽ giúp phần da bị tổn thương ở cổ dần được cải thiện.
Nếu tình trạng của bé nặng và không cải thiện sau khi đã thực hiện các biện pháp trên, bố mẹ nên đưa bé đi bác sĩ khám ngay. Làn da non nớt của trẻ sẽ chuyển biến rất nhanh, nếu chậm trễ, tình trạng hăm sẽ khiến bé khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và cả chuyện ăn ngủ.
Nguồn Baodansinh