Cái rốn của con, nhiều mẹ chăm kĩ quá, nhiều mẹ chẳng để tâm. Kiểu gì cũng dẫn đến nguy cơ cho con, nhẹ con bị viêm nhiễm, nặng bé sẽ bị nhiễm trùng.
Một bà mẹ gọi điện thoại, hốt hoảng và mếu máo: "Bác sĩ ơi, con em nhập viện BV. Nhi đồng 1 rồi!!!" Con nít mới sinh thường bị bệnh, nhập viện có sao đâu. Tôi hỏi lại bà mẹ: "Nhưng bé bị bệnh gì", cô ấy trả lời: "Nhiễm trùng rốn anh ơi". Nghe đến chữ "nhiễm trùng rốn", với vai trò một bác sĩ chuyên khoa sản, tôi ngạc nhiên đến tức giận.
Vì từ những thông tin được các điều dưỡng tư vấn như một thường quy trước khi sản phụ xuất viện, chăm sóc rốn cho con hiện tại là một câu chuyện không phải khó khăn quá đối với các bà mẹ.
Thế nhưng, nhiều bà mẹ lại chăm rốn con quá kỹ, nhiều bà mẹ lại không để tâm.
Bất kể trường hợp nào cũng có thể dẫn đến viêm nhiễm thậm chí là nhiễm trùng đối với trẻ sơ sinh.
Qua những câu chuyện thường gặp tại phòng khám, tôi xin chia sẻ để các mẹ bỉm sữa lưu ý về chăm sóc rốn.
Mẹ hãy chú ý ghi chú những điều cần biết để làm thế nào chăm sóc rốn của con cưng tốt nhất!
Rốn là gì?
Rốn là sợi dây liên kết giữa mẹ và con từ trong bào thai. Lúc đó mọi dinh dưỡng từ mẹ sang con đều qua cuống này. Khi con chào đời, con phải sống chủ động, tự hít thở nên dây rốn không còn nhiệm vụ nữa do đó, nó phải bị... cắt đi thôi!
Tuy nhiên, chuyện vệ sinh rốn tưởng không quan trọng nhưng quan trọng không tưởng, chăm quá mức hay coi thường nó đều ảnh hưởng đến sức khỏe của con cả.
Rốn dẫu sao cũng dẫn đến ruột mà, nếu không chăm đúng cách, bé làm sao khỏe được.
Dùng mỗi que tăm bông thấm nước muối sinh lý sát trùng quanh chân rốn, thân rốn, mặt cắt rốn.
Dây rốn khi nào rụng?
Thường người ta cắt chừa còn khoảng 2cm và đa số dây rốn rụng từ 7-10 ngày và sau 15 ngày,dây rốn thường hoàn toàn khô ráo. Nếu sau khoảng thời gian này mà rốn con chưa rụng, mẹ hãy đưa đến bác sĩ để khám kiểm tra tình hình con ngay nhé.
Chăm sóc rốn như thế nào?
Hàng ngày khi chăm sóc rốn, các mẹ bỉm sữa nên rửa tay bằng xà phòng, sau đó rửa lại bằng cồn 70 - 90 độ, dùng mỗi que tăm bông thấm nước muối sinh lý sát trùng quanh chân rốn, thân rốn, mặt cắt rốn và da quanh chân rốn. Mỗi lần sát trùng dùng 1 que tăm bông. Sau đó để khô rốn là được!
Những dấu hiệu bất thường
Mỗi lần chăm sóc rốn, mẹ nên quan sát những dấu hiệu bất thường để kịp lúc đưa đến bác sĩ kiểm tra.
Mẹ hãy nhớ là không có loại thuốc nào "tự kê" mà tốt cho bé cả.
Nếu có biểu hiện gì bất thường ở rốn của con, mẹ hãy mang bé đến bác sĩ khám nhé! Ví dụ như:
- Rốn đỏ.
- Rốn có mùi hôi.
- Rốn chảy dịch, mủ, máu.
- Da quanh vùng rốn bị đỏ.
- Hoặc rốn vẫn ướt khi đã rụng rốn.
Điều quan trọng nhất để hạn chế nhiễm trùng rốn
Không để tã quấn chạm vào rốn, tốt nhất nên dùng tã có khe rãnh được khoét ra ở mặt trước tã để "né" phần rốn của bé con. Như vậy, mẹ đỡ lo bao nhiêu trong chuyện làm sao để giữ rốn của con khô thoáng, vệ sinh mà không phải "canh me" mỗi giờ.
Nhiều mẹ "sáng tạo" quấn phần lưng tã gập lại để tránh vấy bẩn rốn của con. Đây cũng không phải sai, nhưng lúc đó tã sẽ cấn lên da con hơn, rồi mẹ phải để ý tã bị xô lệch, không vừa vặn với người bé nên chất bẩn có thể tràn ra nha.
Không chạm tay hay rắc bất cứ chất gì vào rốn, vì nhiều người ưa bôi thuốc đỏ nhưng thuốc có chứa thủy ngân càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Không nên nói cười hay hôn bụng bé sẽ làm rơi vãi nước bọt vào rốn. Cẩn thận nói thêm: với trẻ sơ sinh, hạn chế hôn bé, nhất là những chỗ nhạy cảm như rốn, môi của con... nhé!
Nguồn SK&ĐS