Omega 3 có vai trò vô cùng đặc biệt đối với sức khỏe. Vì vậy ngoài việc sử dụng các thực phẩm giàu omega 3 thì người ta thường chọn bổ sung chúng bằng cách uống các dòng thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, việc bổ sung này có thể gây ra một số bất lợi mà người dùng cần chú ý.
Tác dụng phụ của omega 3
Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng axit béo omega 3 từ dầu cá có vai trò lớn trong việc hạ huyết áp và có lợi cho những người bị viêm khớp dạng thấp, nhưng không có tác động lớn đến các tình trạng sức khỏe như ung thư, hen suyễn, bệnh vẩy nến, và thậm chí có thể gây ra một số tác dụng phụ. Dưới đây là những tác dụng phụ có thể xảy ra khi bổ sung omega 3:
Tăng nguy cơ chảy máu: Nếu bạn dùng nhiều hơn 3 gram omega 3 mỗi ngày, có thể dẫn đến tăng nguy cơ chảy máu. Điều đó có nghĩa là bạn nên thận trọng nếu bạn đã bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu. Trong trường hợp này, bạn cần trao đổi với bác sĩ để có thể thực hiện một số điều chỉnh về liều lượng.
Một số thực phẩm giàu omega 3
Ảnh hưởng đến lượng đường trong máu: Lượng đường trong máu thay đổi là một trong những tác dụng phụ của omega 3. Bạn cần chú ý nếu bạn bị tiểu đường hoặc hiện đang dùng thảo dược, thuốc hoặc chất bổ sung làm thay đổi lượng đường trong máu. Hãy kiểm tra lượng đường trong máu trong khi dùng omega 3 để tránh bất kỳ biến chứng nào.
Hạ huyết áp: Hạ huyết áp hoặc huyết áp thấp cũng có thể là tác dụng phụ của việc bổ sung omega 3. Vì vậy, nếu bạn đã sử dụng các chất bổ sung hoặc thuốc làm giảm huyết áp thì cần thận trọng khi bổ sung omega 3.
Tác động đến phản ứng của hệ thống miễn dịch: Dầu cá liều cao hơn có thể có tác động tiêu cực đến phản ứng của hệ thống miễn dịch và nó có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu hệ thống miễn dịch của bạn đã bị tổn hại do HIV/ AIDS hoặc các bệnh lý khác.
Dị ứng hải sản: Nếu bạn bị dị ứng với hải sản, rất có thể bạn cũng bị dị ứng tương tự khi sử dụng thực phẩm bổ sung dầu cá. Do đó, cần tránh các chất bổ sung này.
Gây khó chịu đường ruột: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ có nhấn mạnh một số tác dụng phụ của omega 3 như buồn nôn và khó chịu đường ruột. Các tác dụng phụ được tăng cường khi bạn dùng omega 3 dưới dạng dầu cá. Một số tác dụng phụ phổ biến khác của bổ sung omega 3 bao gồm ợ hơi, tiêu chảy, đầy hơi, trào ngược axit và đau bụng.
Các tác dụng phụ khác: Uống bổ sung dầu cá cũng có thể làm nặng thêm các triệu chứng đối với những người bị trầm cảm hoặc đang bị rối loạn lưỡng cực. Nếu sử dụng thường xuyên, nó cũng có thể gây ra thiếu vitamin E.
Ngoài ra, các trường hợp sau cũng nên thận trọng khi bổ sung omega 3: nhịp tim bất thường, các bệnh viêm ruột, bệnh gan, ung thư ruột kết, phụ nữ có thai, trẻ em...
Tương tác thuốc liên quan đến omega 3
Bên cạnh các tác dụng phụ của omega 3 đã đề cập ở trên, vẫn còn một số tương tác thuốc có liên quan đến nó. Nếu bạn đang dùng các loại thuốc như vậy, bạn nên biết về các tương tác này hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng omega 3.
Thuốc ngừa thai: Thuốc tránh thai có thể tương tác với dầu cá và làm giảm hiệu quả của nó bằng cách giảm triglyceride trong máu. Một số loại thuốc tránh thai phổ biến bao gồm ethinyl estradiol, levonorgestrel và norethindrone.
Thuốc huyết áp: Dầu cá có thể giúp giảm huyết áp, nhưng nó cũng có thể tương tác với các thuốc hạ huyết áp và khiến huyết áp của bạn xuống quá thấp. Một số loại thuốc này bao gồm losartan, enalapril, captopril, hydrochlorothiazide, furosemide và nhiều loại khác
Thuốc giảm cân: Orlistat chủ yếu được sử dụng để giảm cân, có thể tương tác với dầu cá và ảnh hưởng đến sự hấp thụ dầu cá. Do đó, nên dùng dầu cá ít nhất một vài giờ trước khi dùng orlistat.
Thuốc chống đông máu: Thuốc chống đông máu tương tác với dầu cá và làm tăng khả năng chảy máu và bầm tím. Một số loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng cho quá trình làm chậm đông máu bao gồm ibuprofen, aspirin, diclofenac, heparin, dalteparin và enoxaparin.
Vì vậy, việc kiểm soát liều lượng cũng như bổ sung chúng một cách hợp lý và an toàn sẽ giúp bạn tránh được những phản ứng tiêu cực
DS. Vũ Thùy Dương
Nguồn https://suckhoedoisong.vn