Sau sinh, hầu hết các mẹ đều phải đối mặt với nhiều thay đổi nhạy cảm, đặc biệt là với những bà mẹ đẻ thường. Một số hiện tượng khá phổ biến có thể kể đến là són tiểu, đau lưng và đặc biệt là hiện tượng sa tử cung. Không ít những bà mẹ sau sinh đã rơi vào tình huống dở khóc, dở cười với căn bệnh này.
Mới đây trên một diễn đàn dành cho mẹ và bé của Trung Quốc, bà mẹ có tên Xiao Shan đã trải qua những cảm xúc từ sợ hãi đến xấu hổ khi mắc chứng sa tử cung.
Theo đó, Xiao Shan mới sinh con thứ 3 cách đây hơn 2 tháng. Gia đình cô vô cùng hạnh phúc khi bà mẹ này hạ sinh lần 3 được mẹ tròn con vuông. Vậy nhưng mới đây Xiao Shan đã gặp phải tai nạn khó đó khi cô đang đi vệ sinh.
Xiao Shan vô cùng hoảng sợ khi tử cung tụt ra ngoài.
Bà mẹ 3 con kể lại rằng khi đó cô đi vệ sinh như những lần bình thường khác nhưng bỗng có cảm giác nặng, tức bụng và liên tục buồn đi tiểu. Ngay lập tức cô nhìn xuống thì thấy có một cục thịt đỏ lồi ra ở cơ quan sinh dục.
Xiao Shan sau đó đã được chồng đưa đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, bác sĩ cho biết bà mẹ này đã bị chứng sa tử cung sau sinh, hiện tượng này cũng có thể xảy ra với những bà mẹ đang mang bầu những tháng cuối.
Bác sĩ cũng giải thích lý do là bởi Xiao Shan đã trải qua 3 lần mang thai, sinh nở và đều sinh thường các con có cân nặng vượt chuẩn. Sau sinh, cô lại không kiêng cữ nhiều mà luôn hoạt động mạnh như bế con, mang vác đồ nặng, đi lại cầu thang… Chính vì vậy đã gặp phải hiện tượng sa tử cung.
May mắn là Xiao Shan đến bệnh viện kịp thời và cũng đang bị sa tử cung ở cấp độ nhẹ nên sau khi bác sĩ làm vài thủ thuật, vùng thịt lồi ra của bà mẹ này đã về đúng vị trí.
Sa tử cung là gì?
Tử cung (hay dạ con) vốn nằm ở trong xương chậu, được giữ bởi các sợi cơ và dây chằng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp do mang thai, sinh nở, sinh khó, biến chứng sau sinh hoặc đơn giản là sự sụt giảm tự nhiên của hooc môn estrogen mà các cơ này suy yếu, khiến tử cung rơi vào xuống khu vực âm đạo, gây ra bệnh sa tử cung.
Các cấp độ bệnh sa tử cung
Tùy thuộc vào mức độ giãn cơ và khoảng cách lệch của tử cung so với vị trí ban đầu, sa tử cung được chia thành 4 cấp độ:
- Cấp độ I: Cổ tử cung rơi xuống vùng âm đạo.
- Cấp độ II: Cổ tử cung sa thấp đến mức thập thò ở ngay vùng cửa âm đạo.
- Cấp độ II: Cổ tử cung rơi ra ngoài âm đạo.
- Cấp độ IV: Toàn bộ tử cung nằm ngoài âm đạo.
Nguyên nhân bệnh sa tử cung
Bệnh sa tử cung chủ yếu xảy ra ở phụ nữ mang thai và mới sinh con. Những nguyên nhân có thể dẫn đến sa tử cung bao gồm:
- Thiếu dinh dưỡng khi mang thai.
- Táo bón nặng hoặc táo bón mãn tính trong thai kỳ.
- Sinh thường gặp khó khăn, thời gian rặn đẻ kéo dài.
- Không được nghỉ ngơi sau sinh, làm việc nặng khi tử cung chưa co lại.
- Ho mãn tính, khối u vùng chậu hoặc tụ dịch tại ổ bụng.
- Thừa cân, béo phì gây áp lực lên cơ xương chậu.
- Thực hiện phẫu thuật vùng chậu, ảnh hưởng đến các cơ.
Một số nguyên nhân khác như: tổ chức đáy chậu và mô gân phát triển không tốt, buồng trứng mất tác dụng nội tiết, khiến cho mô gân và cơ trong xương chậu teo, hoặc nhão cũng dẫn đến sa tử cung.
Sa tử cung là hiện tượng khá phổ biến với mẹ mang bầu và sau sinh. (ảnh minh họa)
Triệu chứng của bệnh sa tử cung
Bệnh sa tử cung có thể ảnh hưởng đến bất kì ai và do nhiều yếu tố gây nên. Nếu cảm thấy đau bụng lâm râm và có dấu hiệu xuất huyết trong ổ bụng, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai thì rất có thể bạn bị bệnh sa tử cung.
Tuy nhiên, cơn đau có thể không đủ nhiều hay cụ thể để chẩn đoán bệnh chính xác vì cơ thể sẽ bị đau ở vài khu vực để thích ứng với thời kỳ mang thai.
Những triệu chứng sa tử cung khác bao gồm:
- Cảm giác khó chịu ở xương chậu khi ngồi (tương tự như khi ngồi trên một quả bóng trong thời gian dài).
- Đưng thắt lưng.
- Cảm thấy có gì đó đang rơi ra khỏi âm đạo.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Tiểu tiện nhiều nhưng thường khó tiểu, bị đau buốt khi tiểu.
- Không thoải mái khi đi bộ.
Cách điều trị sa tử cung
Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị khác nhau, trong đó bao gồm:
Tự chăm sóc tại nhà
Nếu chỉ bị sa tử cung mức độ nhẹ bạn có thể tăng cường cơ xương chậu bằng cách thực hiện các bài tập Kegel. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ xương chậu co dãn tốt và kéo tử cung trở lại.
Sử dụng thuốc
Thuốc bổ sung hoocmon estrogen dạng uống hoặc tiêm có thể được sử dụng để khôi phục độ co dãn của các cơ trong tử cung. Tuy nhiên, estrogen chỉ dùng được cho phụ nữ sau khi đã mãn kinh.
Phẫu thuật
Tùy theo lứa tuổi và nhu cầu mang thai của bệnh nhân, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật đẩy lại tử cung hoặc cắt bỏ nó. Những trường hợp sa tử cung độ III hoặc độ IV thường sẽ phải cắt bỏ tử cung. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cũng có thể điều chỉnh sự giảm sút của thành âm đạo, niệu đạo, bàng quang, trực tràng. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng thủ thuật mở bụng, qua âm đạo, hoặc thông qua các vết mổ nhỏ ở bụng hoặc âm đạo với các dụng cụ chuyên biệt.
Cách phòng ngừa sa tử cung
Từ những nguyên nhân của bệnh sa tử cung, những phương pháp phòng ngừa căn bệnh này bao gồm:
- Giảm cân.
- Ăn uống theo chế độ khoa học, nhiều chất xơ để tránh táo bón.
- Tập Kegel để tăng cường độ co dãn của cơ xương chậu.
- Tránh hoạt động mạnh, làm việc nặng ngay sau khi sinh.
Chăm sóc sức khỏe, tập thể dục điều độ mỗi ngày ngay cả khi mang thai là cách tốt nhất để đối phó với bệnh sa tử cung và ngăn chặn biến chứng đến sức khỏe mẹ và bé.
Nguồn thoidaiplus.giadinh.net.vn