Bệnh thường không có triệu chứng rõ, chỉ mệt mỏi, buồn nôn nên dễ nhầm với vấn đề thai kỳ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Mai, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết phụ nữ mang thai thường mắc đái tháo đường thai kỳ do sự thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ dẫn đến tăng đề kháng với insulin, khiến lượng đường máu trong cơ thể mẹ cao hơn mức bình thường.
Theo bác sĩ Mai, khi mang thai, nhiều phụ nữ thường nghĩ ăn cho cả mẹ và con nên bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, gây tăng cân quá mức, dẫn đến bị đề kháng insulin. Đường không được chuyển hóa vào trong tế bào dẫn đến tình trạng đường trong máu tăng cao trên mức bình thường.
Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Những thai phụ đái tháo đường thai kỳ thường dễ bị đa ối, nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật và sản giật gấp bốn lần so với người bình thường. Thai phụ dễ sinh non, sảy thai, dễ băng huyết sau sinh và về sau có nguy cơ chuyển sang bị bệnh đái tháo đường.
"Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ nếu không điều trị, thai nhi dễ bị dị tật, hoặc thai quá to, hoặc suy dinh dưỡng bào thai, tăng tỷ lệ tử vong sơ sinh, hạ đường huyết sơ sinh", bác sĩ Mai phân tích. Chuyển dạ với thai to có thể gây sinh khó và bị sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay... Bé sinh non dễ bị suy hô hấp do phổi không trưởng thành, thậm chí thai nhi có thể bị chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao hoặc quá thấp.
Bà bầu cần khám thai định kỳ, tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Ảnh: Kiều Oanh.
Số người mắc đái tháo đường thai kỳ ngày càng tăng nhưng đa số thai phụ chưa hiểu đúng mức về bệnh này. Bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, chỉ có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nên dễ nhầm lẫn với các triệu chứng khi mang thai. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ thường được điều trị bằng phương pháp dinh dưỡng tiết chế, một số ít bắt buộc phải sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết.
Bác sĩ Mai khuyến cáo, những thai phụ trên 35 tuổi, béo phì, gia đình có người thân bị đái tháo đường, tiền sử sinh con trên 4 kg, thai lưu... nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào tuần thai thứ 24 đến 28.
Khi có thai, nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như tinh bột, đạm, chất béo, rau xanh để cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi. Cần vận động thể lực, nên tập các môn thể thao nhẹ nhàng dành riêng cho bà bầu ít nhất 30 phút mỗi ngày để hạn chế nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ, giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn.
Nguồn Vnexpress