Cảm xúc mầm non
   Cô giáo mầm non vừa điều trị ung thư vừa chăm sóc trẻ thơ
 

Cứ 3 tháng một lần phải đi Hà Nội điều trị bệnh ung thư buồng trứng, nhưng sau khi bình phục cô giáo Phạm Thị Thanh lại cần mẫn chăm sóc và dạy dỗ trẻ thơ.

Gần 20 năm trước, giáo viên mầm non được nhiều người coi là nghề trông trẻ, vừa nghèo vừa vất vả, chẳng mấy ai muốn làm.

Ấy vậy mà cô giáo Phạm Thị Thanh, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai (quận Kiến An, Hải Phòng) lại dành hết tình yêu, niềm say mê với sự nghiệp “trồng người”.

Theo lời kể của cô Thanh, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm, năm 1999 cô về Trường mầm non Hoa Mai công tác, mỗi tháng cô chỉ nhận lương 150 nghìn đồng.

Tiền công từ nghề dạy học không đủ để cô trang trải cuộc sống hàng ngày, nhưng cô Thanh vẫn cần mẫn với công việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ thơ.

Cô giáo Phạm Thị Thanh dạy trẻ lớp 4 tuổi tập vẽ (Ảnh: Lã Tiến)

Trong quá trình công tác, chăm lo gia đình, cô Thanh vẫn cố gắng học tập nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục mầm non.

Nhờ ham học hỏi, sáng tạo, với đôi bàn tay khéo léo, lớp học của cô giáo Thanh thường có nhiều đồ dùng, đồ chơi đẹp nhất trường, đó đều là những sản phẩm do cô mày mò, tự làm.

Với tâm huyết, kinh nghiệm chuyên môn vững, 4 năm liên tiếp cô Thanh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp quận.

Cô còn được Ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành công đoàn trường liên tục 4 nhiệm kỳ.

Ở trường, cô Thanh được Ban giám hiệu, đồng nghiệp tin yêu, quý trọng. Về mái ấm nhỏ cô làm tốt vai trò người vợ đảm, mẹ hiền.

Tưởng chừng hạnh phúc trong công việc và gia đình đối với cô giáo Thanh vậy là đủ đầy, nhưng ông trời thật trớ trêu.

Đầu năm 2009, cô Thanh đi khám sức khỏe, khi cầm kết quả trong tay, đất trời như sụp đổ khi cô nhận được tin dữ mình mắc căn bệnh ung thư buồng trứng.

Cầm trong tay kết quả xét nghiệm, tinh thần suy sụp, mắt cô đượm buồn, cô không thể biết được quãng thời gian tiếp theo của mình sẽ như thế nào.

Nhưng cũng chính lúc ấy những lời động viên của gia đình, bạn bè, Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là những ánh mắt ngây thơ của các em nhỏ đã giúp cô lấy lại tinh thần.

Cô Thanh kiên cường tự nhủ: Có niềm tin sẽ có tất cả. Vì thế, cô xin nhà trường nghỉ phép để đi Hà Nội điều trị.

Sau hơn 1 năm điều trị bệnh, tháng 6/2010 cô Thanh điều trị xong và trở về trường tiếp tục công tác.

Trong thời gian điều trị, cô Thanh nhận được sự động viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An, Ban giám hiệu cùng tập thể cán bộ, giáo viên trường Mầm non Hoa Mai.

Đặc biệt là niềm đam mê đứng lớp với học trò vẫn luôn cháy bỏng trong tâm can đã giúp cô lấy lại tinh thần và có ý chí vươn lên chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo.

“Khi phải nằm điều trị bệnh ung thư, Ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp đã rất tận tình, chu đáo và động viên tôi rất nhiều.

Đó chính là động lực để tôi vượt lên chính mình, dần chiến thắng bệnh tật”, cô Thanh rân rấn nước mắt.

Mặc dù mang trong mình bệnh ung thư buồng trứng, cô giáo Thanh vẫn cần mẫn với nghề, dành hết yêu thương cho trẻ (Ảnh: Lã Tiến)

Khi sức khỏe dần hồi phục, cô Thanh lại hăng say nhận nhiệm vụ nhà trường giao, đồng thời truyền lại lòng nhiệt huyết cho đội ngũ giáo viên trẻ.

Luôn sáng tạo trong giảng dạy, cô áp dụng phương pháp dạy học linh hoạt theo hướng lấy học sinh làm trung tâm để các bé phát huy tính tự lập, tư duy sáng tạo. Cô luôn nhẫn nại, khéo léo khi chăm sóc và được trẻ rất yêu quý.

Nhờ những cố gắng không mệt mỏi, năm 2012, cô giáo Thanh đã được Ủy ban nhân dân quận Kiến An tuyển dụng vào ngành.

Đó là niềm vui lớn sau bao năm cống hiến không biết mệt mỏi, qua đó tạo thêm động lực để cô gắn bó với nghề.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai, cô cùng về trường công tác và cùng kết nạp Đảng 1 ngày với cô giáo Thanh.

“Trong suốt thời gian công tác, cô Thanh luôn sống giản dị, hòa đồng với mọi người trong trường.

Cô Thanh là giáo viên giỏi năng lực chuyên môn, là Đảng viên luôn giữ gìn chuẩn mực đạo đức, luôn gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động của nhà trường.

Bên cạnh các hoạt động dạy học, cô giáo Thanh còn tích cực chỉ dạy các giáo viên trẻ, vận động họ vào Đảng.

Cô giáo Phạm Thị Thanh là tấm gương sáng về nghị lực cho tất cả giáo viên Trường mầm non Hoa Mai noi theo”, cô Hồng chia sẻ.

Giờ đây, vừa giảng dạy, 3 tháng một lần đi chữa trị bệnh nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi cô giáo Thanh.

Cô Thanh luôn tâm niệm, mình sống chung với lũ nhưng không được phép gục ngã để bị lũ cuốn đi.

Chính niềm say mê với nghề trồng người và nghị lực phi thường đã giúp cô giáo Thanh vượt lên bệnh tật, có thêm quyết tâm gắn bó với các em thơ.

Nguồn https://giaoduc.net.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ (31/7)
 Niềm vui nơi biên giới (10/6)
 Chuyện về thầy giáo mầm non "cõng chữ" lên cao nguyên đá (23/5)
 Cô giáo Kiều Chinh dành hết tâm huyết chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ (7/5)
 Xúc động hình ảnh cô giáo mầm non sửa xe tặng học sinh nghèo đến trường (17/4)
 Mẹ cậu bé tự kỷ và câu nói ai nghe cũng chảy nước mắt (14/3)
 Hạnh phúc của cô nuôi vùng khó (12/3)
 Cô giáo mầm non 18 lần “cho đi để được nhận lại” (20/2)
 Người mẹ hiền của trẻ khuyết tật (19/2)
 Người mẹ viết những lời yêu thương lên 21 chiếc bút chì của con (14/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i