Giáo dục trẻ
   Đừng bắt con chúng ta phải giỏi bởi điều đó không tốt như nhiều cha mẹ vẫn tưởng!
 

 

Cha mẹ nào cũng muốn con mình là người giỏi nhất, xuất sắc nhất. Thế nhưng thực sự điều ấy có đáng và nên làm hay không?

 

Kết thúc 9 tháng học tập dài hơi của các con trên ghế nhà trường, và cũng là sự khởi đầu cho các kỳ thi chuyển cấp, lên lớp, thi đại học. Xã hội ngày càng đề cao tri thức thì vấn đề giáo dục đương nhiên được đưa lên hàng đầu... Và xã hội càng đề cao tri thức bao nhiêu, thì cũng đồng nghĩa với việc thành tích học tập được xem trọng bấy nhiêu, điều đó tạo áp lực nặng nề cho các con, buộc con chúng ta phải cật lực giành thành tích. Thậm chí có những bậc cha mẹ vì... thương con đã bằng nhiều cách khác nhau làm bệ đỡ cho con có được thành tích cao để "bằng bè bằng bạn".

 

Đọc cuốn "Con cái chúng ta khổ thật và chúng ta cũng thế!" của nhà báo Hoàng Anh Tú mới xuất bản năm 2019, tôi - một người mẹ, một người làm trong lĩnh vực giáo dục - thấy có nhiều điều đáng phải suy ngẫm lại.

 

Con tôi học lớp 6, hai tuần trước con về nhà hớn hở khoe thành tích đạt danh hiệu... học sinh tiên tiến. Như vậy, năm nay con không được học sinh giỏi! Ở lớp con, tỷ lệ học sinh giỏi chỉ chiếm 30% của lớp - một tỷ lệ mà chúng tôi, những phụ huynh (cũng như bao ông bố, bà mẹ yêu thương con khác) tuy không quá vui mừng nhưng vẫn cảm thấy khá hài lòng, bởi chúng tôi biết con mình đang ở đâu. Thực sự đây là một tỷ lệ rất khó kiếm tìm ở các trường công lập và các cơ sở đào tạo của chúng ta hiện nay trên khắp cả nước từ trung ương tới địa phương. Tại sao tôi vẫn hài lòng ư? Vì con tôi một năm qua đã không phải chịu quá nhiều áp lực cho chuyện học hành. Gia đình chúng tôi chọn cho con ngôi trường cấp 2 mà con phải tự mình phấn đấu bằng năng lực thực sự của con và không thể có bất cứ sự can thiệp nào của phụ huynh vào kết quả học tập đó.

 


Trẻ em đang phải chịu nhiều áp lực học hành do người lớn đặt lên vai.

 

Chúng tôi vẫn tự hào về con, về thành tích học tập ấy. Tôi cũng mừng vì con tôi biết cháu đang ở top bao nhiêu của lớp và thực lực của cháu như thế nào, còn khuyết thiếu điểm gì cần phải bổ sung, nỗ lực vào năm sau. Trong suốt những năm con học cấp 1, lúc nào cũng là học sinh giỏi, thậm chí có năm xuất sắc, và bạn nào cũng thế, đi thi chỉ có 9 và 10. Con tôi là lứa đầu tiên áp dụng hình thức không chấm điểm mà thay bằng nhận xét và chỉ lấy điểm thi cuối kỳ. Tôi đã nhìn rõ sự vất vả của các cô giáo, sự lúng túng trong khâu thực hiện đánh giá, và sự lo lắng về thành tích của nhà trường.

 

Chính vì thế, lên cấp 2 tôi đã mạnh dạn thay đổi môi trường học cho con, tôi chọn ngôi trường tư thục có khá nhiều điều tiếng về lối kỷ luật hà khắc, về tư tưởng mà ít nhiều phụ huynh chưa thực sự đồng cảm. Vì tôi muốn con được học tập trong một môi trường thật thà, lành mạnh và quan trọng tấm giấy khen nó phải phản ánh chính xác năng lực thực sự của con. Con chúng ta đứa nào cũng giỏi. Có đứa giỏi ngoại ngữ, đứa có tố chất thông minh giỏi cờ vua và toán học, đứa giỏi thơ ca, đứa có năng khiếu viết văn, đứa giỏi bơi lội, thậm chí có đứa rất giỏi chơi game... và đương nhiên ở một góc độ nào đó chúng ta nên tự hào về điều đó dù con chúng ta chưa thực sự toàn diện như mong muốn của chúng ta.

 

Thực tế lại khác, ngày nay căn bệnh "thành tích" đã biến các bậc cha mẹ chỉ quan tâm con mình luôn phải có thành tích học tập toàn diện cao nhất, con phải giỏi và phải mang được giấy khen xuất sắc về nhà. Không ai trong chúng ta phủ nhận vai trò quan trọng của việc xếp hạng thành tích học tập đối với học sinh nếu những điểm số phản ánh đúng thực lực của con trẻ, và điều đó cho thấy không phải những học sinh có thành tích học tập kém là không cố gắng học tập hoặc không giỏi ở một lĩnh vực khác, các em cũng đáng được tuyên dương.

 


Mỗi đứa trẻ đều có một điểm mạnh riêng và các em cũng đáng được tuyên dương.

 

Napoleon Hill từng nói: "Không gì đáng giá lại đến dễ dàng, nỗ lực, tiếp tục nỗ lực và nỗ lực chăm chỉ là con đường duy nhất để đạt được những thành tựu bền vững". Tôi rất thích câu nói này, vì thế tôi sợ nhất các bậc cha mẹ tự lừa dối chính mình và con mình là con học giỏi, điểm số cao tức là giỏi, bảng điểm đẹp sẽ giúp con có tương lai tươi sáng, thuận lợi hơn. Chỉ đến khi một mình các con cô đơn đối mặt với những kỳ thi quan trọng được kiểm soát nghiêm ngặt, nơi mình con đối diện với đề thi có phần lắt léo hơn thì mọi thứ như hoàn toàn sụp đổ, chúng ta chỉ còn biết ôm con khóc mà thôi. Những giọt nước mắt đắng môi ấy không chỉ là của các em, bố mẹ các em mà chúng tôi cũng đau xót nhìn đó để rút ra rất nhiều bài học cho chính mình.

 

Mọi người nói con tôi học lớp 6, còn quá nhiều thời gian để học tập, trau dồi và điều chỉnh. Điều đó không sai, nhưng ngay từ đầu tôi đã định hình cho con một cách nhìn khác về việc trở thành người có ích cho xã hội. Bảng điểm đẹp, thành tích tốt không hẳn không tạo ra những con người có ích, nhưng người có ích cho xã hội không nhất thiết phải được bao phủ bằng những điểm số đẹp như mơ, hay những sự tự phụ quá đỗi về bản thân mình.

 

 

Đừng bắt con chúng ta phải giỏi bởi điều đó không tốt như nhiều cha mẹ vẫn tưởng đâu - Ảnh 3.

 

Thay vì lúc nào cũng ép con phải học thật giỏi, cha mẹ có thể dạy con những điều thiết thực như: biết sống chan hòa, thật thà, giữ gìn vệ sinh môi trường...

 

Tôi dạy con mỗi ngày hãy sống thật thà, sống chan hòa yêu thương, biết vâng lời thầy cô, có trách nhiệm tự chăm lo sức khỏe bản thân và làm cho bố mẹ, gia đình bớt phần lo lắng. Đừng sống ích kỷ chỉ nghĩ tới bản thân con mà làm điều sai trái chỉ để đem lại lợi ích cho bản thân, con nên biết giúp đỡ bạn bè, hay đơn giản là ý thức bảo vệ môi trường xung quanh nơi con sống, nơi con học. Con đừng xả rác bừa bãi, đừng cảm thấy vô cảm khi các cô lao công ở trường phải về nhà muộn với con họ chỉ vì hành động vô ý thức hay vô tâm nào đó của các con... Và con tôi rất tự tin và tự hào vì đã làm được những điều đó, mỗi ngày con luôn ghi ra những điều thích thú và điều con làm được khi tới trường. Con biết con đang dần trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

 

Tất cả con chúng ta đều giỏi! Tôi tin rằng thế. Nhưng hãy để chúng tự tin về bản thân chúng bằng những thành tích thực sự của mình. Luận ngữ xưa có câu: "Ấu nhi học, tráng nhi hành" không bao giờ sai, hãy để con chúng ta học tập để hiểu biết, để có các kỹ năng, để gặt hái được nhiều tri thức cho bản thân, nhưng trước hết hãy sống thật thà và có trách nhiệm.

 

Nguồn http://afamily.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bảy câu nói giúp trẻ nhút nhát trở nên tự tin (7/6)
 Vì sao trẻ lên 2 lại vô cùng khó bảo? Nghe chuyên gia chỉ cách để đối mặt với giai đoạn này của con (4/6)
 Cậu bé lớp 4 viết thư phản đối áp lực điểm 10 khiến cha mẹ lặng người (28/5)
 Những người thành công đã được nuôi dạy như thế nào? (27/5)
 Cách dạy con của ông chủ quán cơm tấm khiến thầy giáo dạy sử "muốn bật ngửa" (27/5)
 Chuyên gia tâm lý giải đáp vì sao nhiều bé chỉ hư với mẹ mà không phải ai khác (24/5)
 Không cần hò hét con dọn dẹp đồ sau khi chơi, làm theo cách của giáo viên Montessori dưới đây sẽ thấy hiệu quả tức thì (24/5)
 4 tình huống phải dặn con không cần làm người tử tế (20/5)
 Những kỹ năng cần dạy bé càng sớm càng tốt mà nhiều phụ huynh Việt thường bỏ quên (20/5)
 Đừng nghĩ oan là trẻ hư, bạn sẽ giật mình khi hiểu con mình hơn (20/5)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i