Một số hành động của trẻ khiến người lớn đánh giá đó là hành động của những đứa trẻ hư, những đứa trẻ không được giáo dục tốt. Nhưng thực tế lại không hẳn vậy.
Trẻ hung hăng, bốc đồng
Chuyện xảy ra phổ biến là khi người lớn nói "Đừng ném" thì trẻ vẫn cứ ném. Nghiên cứu cho biết lúc mới sinh, vùng não liên quan đến sự tự chủ chưa hoàn thiện và sẽ dần hoàn thiện đến khi bước vào tuổi thanh niên. Điều này lý giải vì sao khi còn nhỏ, khả năng tự chủ của trẻ thường chưa tốt.
Khảo sát gần đây tiết lộ nhiều bậc cha mẹ cho rằng con mình có thể kiểm soát được hành vi tự chủ sớm hơn trước tuổi. Ví dụ như, 56% cha mẹ cảm thấy trẻ em dưới 3 tuổi đã có khả năng kháng cự thể hiện mong muốn làm điều gì đó mà bị cấm, trong khi hầu hết trẻ nhỏ không nắm vững kỹ năng này cho đến tầm 3,5 đến 4 tuổi.
Hiểu được điều này, cha mẹ cần tự nhắc chính mình rằng trẻ không phải lúc nào cũng có thể tự chủ được vì não bộ của chúng chưa được phát triển đầy đủ và khi đối mặt với sự bốc đồng của trẻ tốt hơn người lớn nên thể hiện sự dịu dàng giúp con hiểu được hành vi của mình.
Luôn luôn nói "không"
Một đứa trẻ vốn nghe lời, ngoan ngoãn bỗng luôn nói "không" hoặc cãi lại với mọi yêu cầu của bố mẹ. Chúng cãi lại ngay cả khi đó là thứ chúng thường thích. Thực tế, hành vi này cho thấy trẻ bắt đầu nhận thức được chúng có thể tự khẳng định mình. Chúng đã nhận ra chúng là một cá thể, không phải một phần của cha mẹ và cố gắng khẳng định vị trí riêng của mình.
Lúc này, cha mẹ hãy kiên nhẫn và đừng cố gắng kìm hãm tinh thần nổi loạn của con. Hãy để chúng đưa ra quyết định và để chúng tự lập hơn. Như vậy con sẽ tin tưởng bạn hơn và trở nên tự tin hơn.
Không muốn nghe cha mẹ nói
Buổi sáng, con không muốn ăn, chúng ném bữa sáng, chạy khắp phòng, hò hét, không chịu đánh răng. Theo nhà tâm lý học, đối với trẻ em, chơi đùa là cách chủ yếu để khám phá thế giới. Vừa tỉnh giấc, con bạn tràn đầy năng lượng và bạn không nên mắng chúng khi mọi chuyện không theo kế hoạch của mình.
Như vậy, về phía cha mẹ, bạn cần xem xét lại lịch trình của mình. Có thể bạn cần dậy sớm hơn để có thời gian chơi với con trước khi đi học, đi làm.
Trẻ hay nói bậy
Đến một giai đoạn nhất định nào đó (khoảng hơn 1 tuổi - 3 tuổi), bố mẹ sẽ phải đau đầu khi đối mặt với "vấn đề" mới của bé, đó là nói bậy. Phản ứng chung của bố mẹ, người lớn khi bé nói bậy là cuống cuồng, nháo nhào và tìm mọi cách đe nẹt, ngăn cảm, cấm đoán, thậm chí là đánh đòn để bé nhớ và không dám nói bậy nữa. Tuy nhiên mọi cách làm trên đều phản tác dụng, bé sẽ càng sử dụng câu nói bậy với tần suất nhiều hơn, nói bậy mọi lúc mọi nơi.
Nhiều bố mẹ chưa hiểu quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, đã vội quy cho trẻ tội "hư" vì nói bậy. Thực ra bé đang trong giai đoạn hào hứng với niềm vui khi nhận ra sức mạnh của ngôn ngữ. Mỗi khi trẻ nói bậy hoặc nói những lời thô tục, bố mẹ thường tìm cách ngăn chặn, uốn nắn đồng thời cảm thấy tức giận vì bé lại dám nói những câu vô văn hóa như thế. Những hành động này chỉ càng khiến cho bé cảm nhận sâu sắc được uy lực của từ ngữ có hiệu quả mạnh, và bé càng hào hứng hơn. Dần dần bé sẽ nói bậy nhiều hơn.
Thực chất, bé đang trong giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ, điều bố mẹ cần làm đó là hiểu giai đoạn này của con, từ đó mới có thể bình tĩnh xử trí vấn đề hóc búa này.
Đối mặt với thời kỳ nhạy cảm về những câu nói bậy của trẻ, cách tốt nhất là lờ đi, không thể hiện bất cứ sự phản ứng nào. Khi bé phát hiện ra sức mạnh của ngôn ngữ, bé một mặt sẽ chơi trò chọc giận bố mẹ bất cứ lúc nào, mặt khác sẽ đo thử chỉ số sức mạnh của ngôn ngữ. Thấy những lời mình nói ra nhận được sự phản ứng dữ dội của mọi người... bé sẽ vô cùng thích thú.
Trẻ quá hiếu động, nghịch ngợm
Nhiều bố mẹ cho rằng con mình có tính hiếu động thái quá. Nghiên cứu cho thấy 28% người Mỹ "luôn cảm thấy vội vã" và 45% cho rằng họ "không có thời gian dư thừa". Kim John Payne, tác giả của "Cha mẹ giản đơn" biện luận rằng trẻ em cũng bị "lây" sự vội vã của người lớn trong nhiều hoạt động. Ông nhận định rằng trẻ cần "chậm lại" để cân đối thời gian của chúng.
Vậy là cha mẹ, bạn cần xây dựng cho trẻ khoảng thời gian yên lặng, thời gian chơi, thời gian được nghỉ ngơi để cân bằng quỹ thời gian của trẻ giúp con cải thiện tình trạng phấn khích thái quá.
Nguồn Phương Nghi (Gia đình & Xã hội)