Chuyện tìm trường cho con luôn luôn là một vấn đề nan giải với nhiều phụ huynh, nếu cha mẹ còn đang trăn trở suy nghĩ thì hãy tham khảo ngay những phân tích hợp lý dưới đây của một người mẹ làm nhà báo.
Chọn trường chuyên công lập hay trường quôc tế cho con? Câu hỏi mà nhiều phụ huynh cứ luôn đau đáu suy nghĩ trong đầu và hành trình tìm trường cho con luôn ngốn của cha mẹ biết bao thời gian, công sức và tiền bạc. Ai cũng muốn con mình nhận được nền giáo dục tốt nhất có thể nên trường chuyên và trường quốc tế luôn nằm trên bàn cân của các phụ huynh. Thế nhưng dù học ở đâu thì cũng có những ưu nhược điểm mà người phải đối mặt không ai khác chính là con cái mình, vì thế cha mẹ trước khi chọn bất kì trường gì cho con cũng nên cân nhắc mọi mặt tốt xấu bởi nếu một môi trường học không phù hợp có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ.
Nếu cha mẹ vẫn còn đang băn khoăn, suy nghĩ về vấn đề này thì hãy đọc ngay những chia sẻ rất thật lòng và chí lí dưới đây của nhà báo Thu Hà - một người mẹ hai con, chị có nhiều bài viết hay và ý nghĩa về nuôi dạy con được rất nhiều các phụ huynh hưởng ứng.
Chị Thu Hà là một nhà báo và có hai con gái tên thường gọi là Xu và Sim.
Nguyên văn đoạn chia sẻ của chị Thu Hà:
"Chọn trường, trường chuyên và Quốc tế.
Phải công nhận ngay rằng những trường chuyên xịn TĐN, LHP, PTNK, Ams, Lam Sơn... là trường tốt, học sinh giỏi, hồ sơ du học được nhiều trường Đại học nước ngoài rất nể. Giáo viên thường giỏi, không đánh đập học sinh, không im lặng 3 tháng, không bắt quỳ 1 tiết. Trường có nhiều nguồn thông tin về học bổng và du học. Có đội ngũ cựu học sinh thành đạt. Bạn cùng lớp thường ngoan và ham học, "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"...
Nhưng hôm trước, ngồi tâm sự với một bạn bé. Bé nói: "Sai lầm lớn nhất của con là đã đậu trường Chuyên. Các bạn ấy học quá giỏi, học ở đây ngày nào con cũng thấy mình kém cỏi, chậm chạp, thua cuộc. Con không chơi được với ai, trường toàn người khổng lồ. Lúc nào cũng thấy kiệt sức, muốn gục ngã!
Mẹ thấy con lo lắng, học thua bạn bè, mẹ lại đăng ký cho con đi học thêm ở trung tâm. Mà chắc là có cố gắng cả đời cũng chả đuổi kịp được, trí tuệ của các bạn đã ở sẵn trong não các bạn ấy rồi và con sẽ vĩnh viễn thua cuộc".
Mình đã khóc.
Một giáo viên chuyên TĐN nhận xét, điều đáng sợ nhất ở TĐN là phụ huynh. Có nhiều phụ huynh cạnh tranh, ghen tỵ và kèn cựa nhau đến khổ. Suốt ngày họ lùng sục để đi học thêm hết nơi này tới nơi khác, phân bì tị nạnh nhau từng nửa điểm. Ở trong cái nôi toàn học sinh giỏi, sự cạnh tranh trong họ càng như được nhân lên, chắp cánh.
Làm gần 20 năm ở tờ báo dành cho học trò, năm nào mình cũng biết những vụ học sinh trường chuyên tự tử, trầm cảm, hoặc vào bệnh viện điều trị tâm thần dài hạn. Con số đó lớn hơn con số đã thể hiện trên báo, vì hầu hết là không viết lên báo, vì nó quá đau đớn, và gia đình bé buộc phải giữ yên tĩnh.
Còn trường quốc tế thì sao? Có vẻ như những vấn đề bức xức cuả trường công lập được giải quyết: không nặng lý thuyết, không quá tải, học sinh được tự do và được tôn trọng...
Ảnh minh họa
Nhưng cũng hên xui.
Hên xui thứ nhất là gia đình và trường có cùng tần số không? Nếu ở nhà ba mẹ cứ mải mê kiếm tiền, rồi quẳng vài trăm triệu khoán trắng con cho trường. Nếu ở nhà ba mẹ vẫn áp đặt, kiểm soát , chửi mắng, đánh đập con... Thì ưu điểm "tự do và tôn trọng" của trường quốc tế càng khiến con rơi sâu hơn hoặc mâu thuẫn hơn.
Nhiều bé vốn quen bị ủn mông ép học, không quen tự học, vài lần kiểm tra thấy không đạt, thầy sẽ hạ level. Chương trình quốc tế đa dạng và linh hoạt, giáo viên lại hay khen nên phụ huynh không biết được là con mình chỉ đang học chương trình dễ nhất, thấp nhất của lứa tuổi.
Hơn nữa, với học phí 20, 30 triệu tới 50 triệu/tháng một học sinh thì nhiều phụ huynh cảm thấy mình đã chi trả quá nhiều, hi sinh quá nhiều. Và tất nhiên, họ sẽ kỳ vọng rất nhiều và đòi hỏi rất rất rất nhiều!
Mình đã nhìn thấy nhiều giáo viên căng thẳng và sợ hãi với áp lực từ phụ huynh, nhiều trường đuổi giáo viên nhoay nhoáy.
Trường công thì quyền lực nằm trong tay giáo viên, trường quốc tế thì quyền lực nằm trong tay phụ huynh. Vẫn chưa thấy học sinh được làm trung tâm!
Do đó, mình nghĩ không có trường tốt nhất, chỉ có trường vừa sức, và phù hợp.
Vừa sức con và vừa sức mẹ.
Về phía con, đừng tối tăm mặt mũi học và thi. Về phía mẹ, đừng tối tăm mặt mũi cày cuốc kiếm tiền.
Nếu con thong dong vào trường chuyên, không cần học thêm gì thì chuyên okie. Nếu mẹ trả vài trăm triệu học phí/năm mà không phải lo lắng, không thấy đang hi sinh vì con, thì Quốc tế okie.
Nhưng đây là con người, nên là vẫn có những trường hợp tiền của mẹ okie, học lực của con okie, nhưng con đi học vẫn mất ngủ, vẫn đau khổ, vẫn rụng tóc, ám ảnh mỗi ngày, chỉ vì bạn bè và cô giáo không hợp... Thì vẫn chưa chắc đã là tốt với con!
20 năm nay, mình đã từng làm việc với hàng trăm học sinh trường chuyên và trường quốc tế ra, trường nào cũng có giỏi, có kém và cũng có những bạn bị gọi là "khùng khùng", luôn lạc lõng, bất đắc chí.
Thậm chí, sau khi học ở trường chuyên và trường quốc tế mà thất bại, thì cái thất bại đó còn đau hơn. Một bé học quốc tế 50 triệu/tháng, hay 1 bé học trường chuyên tỷ lệ 1 chọi 20, khóc thì ít được xã hội thương hơn. Mà nước mắt nào chẳng mặn, áp lực nào chẳng đau chứ!
Bạn còn nhớ Cho Seung Hui, kẻ nã súng giết 33 sinh viên không? Seung Hui cũng từng được ba mẹ cố gắng vào trường điểm, top 50 trường trung học công lập tốt nhất nước Mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu nói chính áp lực đó đã góp phần làm nên kẻ cuồng sát khủng khiếp nhất lịch sử nước Mỹ.
Rồi ở Nhật năm 2008, có Tomohiro Kato 25 tuổi lái xe tải đâm vào người đi đường, rồi nhảy xuống rút dao găm vừa la hét vừa đâm chém loạn xạ. 7 nạn nhân đã chết.
Tại sao Kato thù hận con người đến vậy?
Bố Kato là nhà quản lý cấp cao, nhiều kỳ vọng vào việc học hành của con cái. Ở tiểu học, Kato học đặc biệt xuất sắc và là vận động viên hàng đầu. Trung học cơ sở Kato là chủ tịch câu lạc bộ tenis. Tới trung học phổ thông, Kato vào trường Aomori dành cho những học sinh tinh hoa. Kato xếp thứ 300/360 học sinh, không hòa đồng được với bạn bè...
Bài đã quá dài.
Cũng chỉ muốn nói rằng, chỉ là vì mình làm trong ngành này lâu quá, biết nhiều chuyện quá, nên nói ra cho các ba các mẹ đỡ kỳ vọng hơn vào trường chuyên và quốc tế, quan tâm tới con nhiều hơn, nâng cấp Trường Nhà lẹ lẹ lên!
Ngay cả những nước có chương trình, có hệ thống gíao dục ở trường rất tốt như Phần Lan, Anh, Mỹ, Nhật, Úc... họ cũng phải nhấn mạnh rằng gia đình là nền tảng quyết định tới sự phát triển của con, tính cách và văn hoá ứng xử của con. Nó quyết định tới việc con sẽ phản ứng, sẽ tiếp nhận những tốt- xấu của nhà trường và xã hội thế nào, bộ lọc của con sẽ lọc cái gì ra và thu cái gì vào cho mình.
Đừng lo chọn trường, chạy trường mà quên rớt mất NHÀ nha!".
Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết". Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.
Nguồn http://afamily.vn