Bệnh viêm da cơ địa gây nhiều phiền toái cho người mắc phải, nhất là khi thời tiết chuyển sang đông.
Bệnh viêm da cơ địa sẽ làm da nứt, chảy máu khi thời tiết hanh khô, giá lạnh. Biết được các biện pháp điều trị và phòng bệnh, viêm da cơ địa sẽ không còn là nỗi ám ảnh của người bệnh.
Vì sao mắc bệnh viêm da cơ địa?
Viêm da cơ địa trước đây gọi là chàm thể tạng, là một bệnh da rất hay gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tiến triển của bệnh rất dai dẳng. Hình ảnh lâm sàng của viêm da cơ địa thay đổi theo từng giai đoạn bệnh, từng thời kỳ, lứa tuổi. Bệnh thường liên quan đến yếu tố cơ địa, tiền sử bị các bệnh dị ứng như hen phế quản, mày đay, viêm da tiếp xúc... Vì vậy, việc điều trị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đa số các tác giả cho rằng, sự kết hợp của một cơ địa dị ứng với những tác nhân kích thích từ bên trong hay bên ngoài của cơ thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh. Ngoài ra, còn do di truyền, các tác nhân kích thích, do thần kinh, thay đổi nội tiết, thay đổi miễn dịch, rối loạn chuyển hóa, bụi phấn hoa, thức ăn, vi khuẩn, virus, nấm... Hầu hết các bệnh nhân viêm da cơ địa đều có nồng độ IgE trong máu cao.
Triệu chứng bệnh thế nào?
Viêm da cơ địa ở trẻ dưới 2 tuổi: Giai đoạn ấu thơ - thường gặp ở trẻ từ 2 - 3 tháng tuổi. Thương tổn cơ bản là các mụn nước tập trung thành đám. Các mụn nước tiến triển theo các giai đoạn: Tấy đỏ, mụn nước, chảy nước/xuất tiết, đóng vảy, bong vảy da. Vị trí viêm da hay gặp ở má, trán, cằm. Tuy nhiên, có thể lan ra tay, chân, lưng, bụng... có tính chất đối xứng. Triệu chứng thường thấy là ngứa.
Vệ sinh da sạch sẽ phòng bệnh viêm da cơ địa cho trẻ.
Viêm da cơ địa ở trẻ em từ 2 – 12 tuổi: Hay gặp nhất là lứa tuổi từ 2- 5 tuổi. Thương tổn cơ bản là các sần nổi cao hơn mặt da, tập trung thành mảng hoặc rải rác, da dày, liken hóa. Có thể gặp các mụn nước tập trung thành đám. Vị trí thương tổn: Mặt duỗi hay nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt, thương tổn ở hai bên hoặc đối xứng. Triệu chứng thường thấy là rất ngứa
Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn: Bệnh tiến triển từ giai đoạn trẻ em chuyển sang, một số khởi phát ở tuổi dậy thì, một số phát ở tuổi lớn hơn. Thương tổn cơ bản: Sần nổi cao hơn mặt da, rải rác hoặc tập trung thành đám. Có thể có một số mụn nước kèm theo nhiều vết xước do gãi. Vị trí khu trú của thương tổn hay gặp ở các nếp gấp như kheo chân, khuỷu tay, cổ tay, vùng hậu môn sinh dục, núm vú... Triệu chứng thường thấy là rất ngứa.
Những triệu chứng không điển hình: Khô da, dấu hiệu vẽ nổi, viêm da lòng bàn tay, bàn chân.
Có điều trị được bệnh?
Nguyên tắc điều trị: Phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân. Chú ý điều trị các bệnh cơ địa nếu có. Cần điều trị đúng theo từng giai đoạn, kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý.
Điều trị tại chỗ: Điều trị bệnh tùy theo từng giai đoạn bệnh cấp tính, bán cấp, mạn tính. Sử dụng thuốc kháng histamin tổng hợp, vitamin C nếu bệnh nhân có triệu chứng bội nhiễm, cần phải dùng kháng sinh.
Ngoài ra, có một số phương pháp khác: Sử dụng phương pháp UVA, UVB hoặc LASER he – ne và một số thuốc ức chế miễn dịch để điều trị.
Phòng bệnh trong mùa đông?
Viêm da cơ địa không phải là bệnh gây nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, viêm da cơ địa đã và đang trở thành nỗi ám ảnh lớn khi ai đó không may mắc phải. Bệnh gây viêm da, bong và tấy đỏ da, lột da, ngứa ngáy, lở loét...nhất là vào ban đêm và khi thời tiết thay đổi, bệnh lại càng hành hạ thể xác và tinh thần người bệnh nhiều hơn.
Để phòng bệnh viêm da cơ địa trong mùa đông, bệnh nhân nên hạn chế tiếp xúc với hóa chất, thận trọng với món ăn lạ, cẩn thận khi dùng mỹ phẩm, vệ sinh da sạch sẽ, ăn uống đủ chất, chăm tập thể thao.
DS. Nguyễn Bá Nghĩa
Nguồn https://suckhoedoisong.vn