Điều trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ có rất nhiều điều lưu ý, mẹ cần nắm kỹ để không mắc sai lầm. Nhưng tốt nhất mẹ nên phòng bệnh phổ biến này thay vì đợi bé mắc bệnh rồi mới chữa.
Tiêu chảy cấp rất thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi và thường lặp lại từ 1-3 đợt mỗi năm. Hệ tiêu hóa của bé ở độ tuổi này còn yếu chưa có khả năng chống lại mầm bệnh khiến đường ruột trẻ dễ bị nhiễm trùng hoặc dễ dị ứng với thức ăn.
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy cấp
Dấu hiệu nhận biết tiêu chảy là bé đi phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong ngày, trẻ sơ sinh đi ngoài 5-6 lần và phân có lẫn nước.
Gốc rễ của bệnh tiêu chảy ở trẻ là do hệ tiêu hóa của trẻ yếu ớt. Đặc biệt là sau khi cai sữa mẹ bé sẽ không còn nhận miễn dịch bị động từ nguồn sữa mẹ nữa. Do đó, kháng thể ở niêm mạc đường ruột cũng suy giảm, hệ tiêu hóa dễ bị các loại vi khuẩn, vi rút tấn công.
Nguyên nhân chính dẫn đến tiêu chảy là do một số loại vi khuẩn, vi rút,... gây nhiễm trùng đường ruột chủ yếu là Rota vi rút. Theo một khảo sát tại BV Nhi đồng 1, có đến 67,4% trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp nhiễm Rota. Theo thống kê, có đến 95% trẻ em đều bị nhiễm vi-rút Rota ít nhất một lần trước 5 tuổi.
Ngoài ra, khi đường ruột của trẻ không tiêu hóa được lactose, sử dụng kháng sinh kéo dài cũng là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tiêu chảy cấp. Trẻ từ 6 tháng - 2 tuổi rất dễ nhiễm bệnh vì hệ miễn dịch của trẻ trong giai đoạn này chưa hoàn thiện khi kết hợp với chế độ ăn không hợp vệ sinh sẽ dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa và nhiễm vi rút.
Hơn nữa, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi hay dư chất xơ; thu nạp bột, cháo, chất béo quá sớm; đột ngột thay đổi thức ăn hoặc cắt sữa sẽ dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa gây ra tiêu chảy.
Tiêu chảy cấp đáng sợ hơn mẹ tưởng
Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm trẻ sẽ bị mất nước nghiêm trọng. Nước không bổ sung nước kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nếu để kéo dài sẽ gây suy dinh dưỡng và những hậu quả nặng nề khác. Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu vô cùng nguy hiểm.
Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy do Rota vi rút trẻ sẽ có triệu chứng sốt cao, quấy khóc, nôn ói dữ dội cộng với đi ngoài liên tục có thể lên đến 20 lần/ngày.
Sau mỗi đợt bệnh tiêu chảy, trẻ sẽ bị sút cân, suy giảm sức đề kháng, giảm khả năng hấp thụ thức ăn và cảm giác ngon miệng, dẫn đến hệ quả là hay ốm vặt, suy dinh dưỡng...
Do đó, mẹ cần chú ý đến những biểu hiệu tiêu chảy để kịp thời đưa bé đến bệnh viện:
Trẻ vẫn nôn ói nhiều, mặc dù mẹ đã cho trẻ uống chậm, ít, thường xuyên
Trẻ không chịu ăn uống gì, trong khi vẫn còn tiêu chảy và nôn ói nhiều
Trẻ đi tiêu quá thường xuyên và bù nước và điện giải vẫn không khiến tình hình tốt hơn
Khi nôn ói, dịch nôn ói của trẻ có màu xanh lá cây (dịch từ túi mật)
Trẻ than đau bụng nhiều, thường xuyên, phân có máu
Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước mức độ B (cử động chậm, khóc không ra nước mắt,...)
Trẻ mệt mỏi, lừ đừ, quấy khóc liên tục, hoặc nếu bạn thấy trẻ ngủ nhiều, khó đánh thức
Khi tiêu chảy kéo dài vẫn không hết sau 7 ngày
Theo Marrybaby