Đánh giá việc đổi mới và chuẩn hóa nội dung giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết đã rà soát, điều chỉnh chương trình giáo dục mầm non để phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em mầm non, với tâm sinh lý trẻ và điều kiện trường, lớp, giáo viên.
Ảnh minh họa/internet
Đồng thời, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non cho vùng miền núi, khó khăn, vùng có đông trẻ dân tộc thiểu số, nhóm, lớp độc lập tư thục.
Cùng với đó, tăng cường việc chuẩn bị Tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02 /6 /2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”.
Một số tỉnh có nhiều giải pháp sáng tạo về xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, như các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Hòa Bình...
Nhiều chuyên đề đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ đã được triển khai ở các cơ sở giáo dục mầm non tạo nên những chuyển biến tích cực trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Bộ GD&ĐT cũng đã trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non nhằm đảm bảo điều kiện giúp trẻ đến trường, đặc biệt là trẻ em ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn