Lâu nay vẫn cho rằng những đứa trẻ cần phải mũm mĩm mới là khỏe đẹp. Vì vậy, các gia đình sẽ tìm mọi cách để ép con ăn mà không nghĩ tới hậu quả về lâu dài,
Tại sao ép con ăn gây hại cho trẻ? Trẻ ăn 5-6 bữa mà vẫn thấp còi yếu ớt? Chị Lê Mai Hương - Nhà giáo Montessori 3-6 tốt nghiệp Học viện Maria Montessori tại London (Anh) chia sẻ về cách để trẻ em ăn không áp lực và hấp thu đầy đủ dinh dưỡng.
Cởi bỏ áp lực trong khi ăn
Dù đã tìm hiểu qua nhiều thông tin, nhiều phương pháp ăn dặm, kinh nghiệm của các cha mẹ khác... nhưng rất nhiều bố mẹ vẫn gặp khó khăn, mất kiên nhẫn với việc ăn của con, dẫn đến ép con ăn. Chị Lê Mai Hương nhấn mạnh rằng cha mẹ khi tham khảo bất kì nguồn thông tin nào thì luôn phải đặt câu hỏi: điều đó có đúng không, có phù hợp với em bé Việt Nam không, với em bé nhà mình không? Lưu ý rằng có rất nhiều yếu tố tác động lên nhu cầu ăn uống của trẻ, trong đó có yếu tố văn hóa ăn ở các vùng, miền khác nhau sẽ khác nhau. Việc cha mẹ hiểu không thấu đáo và áp dụng máy móc sẽ đưa đến kết quả không mong muốn.
Trẻ 1 tuổi là có thể ăn các món cuốn, món phồng tôm "xúc" rau củ như thế này.
Đối với các cha mẹ sống trong gia đình nhiều thế hệ, đôi khi áp lực đến từ việc có quá nhiều người muốn góp ý hay quyết định lên việc ăn uống của con nhỏ, lâu dài gây ra mâu thuẫn và căng thẳng trong bữa ăn. Chị Lê Mai Hương đưa ra lời khuyên chân thành cho cha mẹ là "dĩ hòa vi quý", giữ không khí gia đình vui vẻ cho con trẻ.
Tuy nhiên, cũng nhiều cha mẹ có "niềm tin" sai lệch rằng cho trẻ được tự ăn thì trẻ sẽ gầy và tăng cân chậm là chuyện bình thường, không đáng lo ngại. Chị Mai Hương cho rằng điều này không đúng, vì nếu cách nuôi con đúng thì phải cho thấy hiệu quả (trẻ phải phát triển cả chiều cao và cân nặng theo kênh riêng của trẻ), chứ không thể đúng mà không thấy hiệu quả (trẻ cứ thấp bé mãi, chững cân mãi). Khi đó cha mẹ cần xem lại quá trình và sửa sai. Tuy nhiên lỗi sai là ở mình chứ chắc chắn không phải ở con, tránh tình trạng căng thẳng áp lực đổ lên con, càng khiến con không thể phát triển tốt nhất.
Béo không có nghĩa là tốt, là khỏe
Nhiều năm sinh sống và làm việc với trẻ nhỏ ở Hà Lan và các nước tiên tiến trên thế giới, sau đó quay trở lại Việt Nam cũng làm việc trong mảng giáo dục trẻ nhỏ, chị Lê Mai Hương nhận thấy rằng: trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam có vóc dáng và thể chất thua xa so với trẻ em, thanh thiếu niên ở các nước tiên tiến. Khi quan sát các điểm đưa đón học sinh hoặc các điểm chờ xe bus chị nhận thấy phần lớn trẻ em rơi vào hai trạng thái: gầy gò, hoặc quá cân, rất ít trẻ phát triển cân đối.
Chị Lê Mai Hương nhận thấy một nguyên nhân lớn là do văn hóa phương Đông lâu nay vẫn cho rằng những đứa trẻ cần phải mũm mĩm mới là khỏe đẹp. Vì vậy, các gia đình sẽ tìm mọi cách để ép cho trẻ ăn mà không nghĩ tới hậu quả về lâu dài, không nghĩ tới toàn cảnh mà chỉ nghĩ tới "con mình".
Một đứa trẻ mũm mĩm, béo tròn luôn có nguy cơ cao bị thừa cân, béo phì khi lớn lên. Đó là điều không gia đình nào mong muốn, nhưng lại không lường trước điều đó khi ép con ăn cho béo. Những thế hệ trẻ em thừa cân dần lớn lên trở thành những thế hệ thanh niên vừa yếu vừa xấu, sẽ làm suy yếu cả nguồn gien của dân tộc Việt.
Chơi thể thao: bóng rổ, bơi lội... là cách tốt nhất để "kích thích" trẻ ăn
Cách để trẻ ăn ngon miệng và tăng khả năng hấp thụ
Vấn đề của các em bé Việt Nam sống ở thành phố lớn không phải là thiếu ăn, mà là làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ thức ăn? Theo chị Mai Hương, ăn vừa đủ và ăn hợp lý nhưng hấp thụ tốt sẽ giúp cho các gia đình tiết kiệm tiền, tiết kiệm thời gian nấu nướng, đồng thời tránh lãng phí lương thực, tránh lãng phí công sức của người nuôi trồng.
Dưới đây là 15 nguyên tắc do chị Lê Mai Hương gợi ý cho các cha mẹ nuôi con nhỏ. Điều này đã được chị thực hành mỗi ngày trong gia đình, và với các trẻ nhỏ trong trường mầm non mà chị quản lý cho thấy hiệu quả rất rõ ràng trong việc giúp trẻ ăn uống ngon miệng, tăng khả năng hấp thụ thức ăn và trẻ phát triển tốt.
1. Ăn đúng giờ
Giữ cho bữa tối đơn giản và tốt nhất nên ăn trước 6 giờ tối để hệ tiêu hóa được nghỉ ngơi trong giấc ngủ. Bữa sáng nên là bữa ăn quan trọng nhất và giàu dinh dưỡng nhất trong ngày.
2. Nếu con không đói thì không cần ăn
Nếu cảm thấy trẻ không đói, hoặc trẻ từ chối bữa ăn do không đói, thì không nên bắt ép trẻ ăn. Điều đó khuyến khích con trẻ học cách lắng nghe cơ thể mình và ra quyết định cho bản thân mình.
Nắng sớm tốt cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
3. Bữa ăn luôn vui vẻ
Bữa ăn chỉ nên nói những chuyện vui vẻ, hỏi han những người đang ngồi quanh bàn ăn. Tránh nói những chuyện không vui, đặc biệt là người lớn không cãi nhau trong bữa ăn hay mang chuyện công việc ra bàn rồi bỏ rơi chính con mình. Ngược lại cũng không cần phải lấy trẻ làm tâm điểm, tất cả mọi người đều được chăm sóc như nhau.
4. Ăn chậm, nhai kĩ
Ăn chậm giúp chúng ta ý thức được lượng ăn vào. Nhai kĩ sẽ khởi động quá trình tiêu hóa ngay từ trong miệng (tiết nước bọt), giúp giảm công việc cho bộ máy tiêu hóa.
5. Uống một ít nước nửa tiếng trước khi ăn
Uống nước trong bữa ăn làm loãng dịch vị trong miệng và dạ dày, khiến tiêu hóa thức ăn khó khăn hơn. Chỉ nên uống một ít nước nửa tiếng trước khi ăn. Càng không nên cho trẻ ăn một miếng, uống một thìa nước, sẽ không tiêu hóa được thức ăn mà còn làm dạ dày bé to ra.
6. Ăn thức ăn từ thiên nhiên (whole food)
Nếu cha mẹ đã dành tiền để mua đồ ăn organic hoặc kiểm soát được nguồn gốc đồ ăn thì nên cho trẻ ăn cả vỏ, ăn thức ăn nguyên cám sẽ tốt cho sức khỏe.
Đến thăm trang trại để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm của gia đình.
7. Hạn chế nấu (ăn tươi, ăn sống)
Tương tự, nếu có rau sạch thì nên ăn sống, hoặc trần/xào sơ qua thì vừa giữ được nhiều chất dinh dưỡng, vừa tiết kiệm thời gian chế biến.
8. Ăn đa dạng
Tập cho con ăn đa dạng bằng cách thử một món mới mỗi tuần, mẹ từ khi mang bầu cũng nên ăn phong phú, không kiêng kị phản khoa học, tránh việc chê thức ăn trước mặt con.
Thi thoảng ăn kiểu picnic trong thiên nhiên sẽ khiến trẻ hào hứng chờ đón.
9. Chơi thể thao hàng ngày
Duy trì thói quen luyện tập hàng ngày và tăng cường vận động để đốt cháy năng lượng, tạo ra nhu cầu ăn tự nhiên.
10. Kiểm tra răng miệng thường xuyên
Bệnh về răng miệng sẽ ảnh hưởng tới khả năng nhai nuốt và hấp thụ thức ăn của trẻ. Cần tập cho trẻ thói quen vệ sinh răng, vệ sinh lợi (đối với em bé chưa có răng) hàng ngày và tới bác sĩ kiểm tra định kỳ trước khi để trẻ bị sâu răng.
11. Tắm nắng
Mẹ có bầu, trẻ em và tất cả người lớn đều cần tắm nắng đủ để có đủ vitamin D cho việc hấp thụ canxi, giúp cho hệ xương và răng khỏe mạnh.
12. Ăn gia vị cay và ấm
Gia vị cay ấm như tiêu, gừng, sả, ớt ... sẽ làm tiết dịch vị, tăng sự ngon miệng ở trẻ. Nên tập cho trẻ nhỏ ăn rau gia vị bằng cách thái chỉ, rồi rắc vài chỉ của lá húng, lá mùi, lá chanh... lên đồ ăn, vừa đẹp, vừa thơm. 1 tuổi là các em bé có thể ăn các món cuốn.
13. Ngủ đủ
Chắc chắn chỉ có một em bé ngủ đủ giấc và ngon giấc thì cả cơ thể mới làm việc tốt, hệ tiêu hóa mới làm việc và hấp thụ được hết chất dinh dưỡng trong đồ ăn cũng như thải ra toàn bộ cặn bã thay vì đọng lại trong ruột gây bệnh.
Con có thể bóc lạc, bóc tỏi, nhặt lá rau rất siêu nếu bố mẹ cho con làm.
14. Tham gia nấu ăn
Nếu trẻ được cùng bố mẹ đi chợ, nấu ăn, ngửi mùi thức ăn, động vào đồ ăn, háo hức chờ món ăn được bày ra là đã tiết ra dịch vị và khởi động quá trình tiêu hóa.
15. Ăn ngoài trời
Cuối cùng, việc ngồi thưởng thức bữa ăn ngoài trời, thi thoảng ăn kiểu picnic trong thiên nhiên (khác với ăn rong, vừa đi vừa ăn) cũng là "chất kích thích" khiến trẻ ăn ngon miệng hơn, tiêu hóa tốt hơn.
Theo Phunu8