Tâm huyết với nghề, đạt được nhiều thành tích trong quá trình dạy học, cô Đàm Thị Hiên là giáo viên đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Lễ Tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017.
Cô Đàm Thị Hiên (sinh năm 1987) tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc năm 2009 và gắn bó với Trường mầm non Liên Cơ (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩn Phúc) từ năm 2010. Trong 8 năm gắn bó với Trường mầm non Liên Cơ, cô Hiên có điều kiện học hỏi và trải nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Cô Hiên tâm sự: Nhiều lúc thấy vất vả, mệt mỏi, áp lực, song chưa một lần tôi thấy hối tiếc vì sự lựa chọn của mình. Còn nhớ, ngày đầu vào trường, tôi khá lúng túng khi nhận lớp có 35 trẻ mới đi học, các cháu khóc rất nhiều, lúc nào cũng ôm, bám chặt lấy cô.
Có thời điểm, cô Hiên bị ám ảnh bởi trong đầu lúc nào cũng có tiếng trẻ con khóc. Tuy nhiên, lòng yêu trẻ đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn và quyết tâm gắn bó với nghề mình đã lựa chọn.
Cô Hiên cho biết thêm: Hằng ngày, sau giờ dạy căng thẳng ở trên lớp, về nhà các cô giáo mầm non còn phải nhận điện thoại để tiếp nhận và giải đáp những ý kiến của phụ huynh. Các cô đều xác định đây là một việc bình thường và tất yếu với nghề nghiệp nhiều trách nhiệm của mình.
Có thể trên lớp trẻ không có biểu hiện gì nhưng tối về, gia đình mới phát hiện có biểu hiện bất thường và gọi điện cho cô. Khi đó, mình vẫn phải trao đổi lại, giải thích với phụ huynh những biểu hiện của trẻ trên lớp. Đây thực sự là một trong số những áp lực của nghề nhưng cần tập làm quen để thấy đó là việc bình thường mà nghề của mình phải đối mặt.
Cũng theo cô Hiên, để làm tròn nhiệm vụ được giao, bản thân mỗi giáo viên mầm non phải coi trẻ như con, luôn quan tâm, yêu thương các cháu. Trong dạy dỗ, mỗi giáo viên phải có ý thức tự học để đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy, tạo sự hứng thú cho học sinh; kịp thời uốn nắn, giáo dục và phát hiện năng khiếu ở trẻ.
Một trong những sáng kiến kinh nghiệm của cô Hiên được Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đánh giá cao là: "Giúp trẻ phát huy năng lực cảm thụ âm nhạc ở độ tuổi mầm non".
Theo cô Hiên, đối với trẻ em, âm nhạc có vai trò quan trọng trong sự phát triển, bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ, nhất là trẻ từ 4-6 tuổi.
Tuy nhiên, trẻ mầm non không thể học âm nhạc giống người lớn do sự tập trung chú ý chưa bền. Do đó, khi dạy học âm nhạc cho trẻ, giáo viên không nên quá chú trọng đến việc phải dạy trẻ thuộc và hát hay một bài hát.
Phương pháp dạy học hiệu quả nhất là kết hợp giữa học và chơi, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, thể hiện bản thân và thể hiện sự sáng tạo.
Để giúp trẻ phát huy năng lực cảm thụ âm nhạc, bên cạnh việc dạy trẻ ca hát, cô Hiên còn dạy trẻ vận động theo nhạc và tổ chức trò chơi... nhằm giúp trẻ biết cảm thụ âm nhạc, từ đó sẽ yêu thích và lĩnh hội âm nhạc tốt hơn.
Nguồn http://giaoducthoidai.vn