Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành lấy ý kiến dự thảo "Quy định về dạy thêm, học thêm". Quy định đó khi chính thức ban hành liệu sẽ thực hiện như thế nào? Có cách nào để kiểm soát nạn dạy thêm, học thêm khi nhiều thầy cô giáo "không dạy thêm thì khó sống" mà phụ huynh thì "sợ con mình thua thiệt" thường cho con em học thêm ngay từ lúc mầm non?
Mới đây nhất, chuyện trường Mầm non tư thục Misa quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh tổ chức dạy thêm cho các cháu lớp lá không khiến mọi người ngạc nhiên, bởi lẽ chuyện học thêm từ lúc lên năm đã trở thành chuyện phổ biến tại TP Hồ Chí Minh. Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết phụ huynh biết rằng chương trình học thêm chẳng có gì mới và khác so với chương trình chính khoá nhưng họ vẫn cho con mình đi học thêm?
Chính Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Điệp cũng đã nhiều lần khẳng định, học sinh chỉ cần học đầy đủ các chương trình mẫu giáo trường mầm non là có thể theo kịp chương trình lớp 1 không cần phải học thêm nhiều.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh (Lý Chính Thắng, quận 3), "nếu các giáo viên làm tròn trách nhiệm, dạy đúng chương trình, đúng khoa học thì học sinh mầm non, học sinh tiểu học chẳng có gì phải học thêm cả và phụ huynh chúng tôi cũng chẳng phải lo lắng gì? Nhưng cấm như thế nào? Quản lý bằng cách nào khi giáo viên cứ đến đúng giờ, dạy đúng giờ nhưng học sinh lại không hiểu được, không theo được chương trình... Như vậy, bắt buộc chúng tôi phải đến "năn nỉ" cô giáo để xin cho cháu được học thêm".
Người viết bài này đã trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhiều phụ huynh học sinh mầm non, đa số họ đều cho rằng cấm dạy thêm học thêm từ bậc mầm non, tiểu học là một chủ trương đúng, bảo đảm sự công bằng giữa các học sinh. Tuy biết vậy nhưng khi được phỏng vấn thì có 8/10 phụ huynh đã thuê gia sư hoặc đưa con tới nhà thầy cô giáo để "rèn luyện thêm các kỹ năng cần thiết". Và theo lý giải của họ, việc cho con em học thêm trước chương trình chỉ vì một lý do đơn giản là sợ con em mình "không theo kịp bạn bè"!
Trước thực tế này, ngay cả Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh trong một lần phát biểu với báo giới cũng thừa nhận, Sở Giáo dục đã có nhiều biện pháp nhằm cấm triệt để nạn dạy thêm, học thêm. Nhưng khổ nỗi, 80- 90% học sinh học ngoài giờ là do phụ huynh học sinh chủ động đến nhờ thầy cô giáo kèm cặp thêm. Nhiều phụ huynh không cho con học thêm từ lớp mẫu giáo đã phản ánh, khi vào lớp 1 con em họ không theo kịp chương trình và bạn cùng lớp do đa số các học sinh này đã học thêm từ trước. Chính tâm lý "sợ con mình thua thiệt" ấy đã tạo nên một làn sóng bắt trẻ học thêm từ thuở lên ba, lên năm...Trong khi đó, ở lứa tuổi đó đáng lẽ các bậc cha mẹ nên tạo điều kiện cho các cháu vui chơi các bộ môn nghệ thuật, thể dục. Việc bắt các cháu học trước chương trình chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển về trí tuệ cũng như thể chất của trẻ. Việc chúng ta nôn nóng áp đặt trước cho trẻ là phản khoa học sư phạm. Học sinh ở cấp nào thì phải học đúng chương trình ở cấp đó.
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh trong năm học 2006-2007, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh chất lượng giáo dục mầm non bằng cách tiếp tục mở rộng thí điểm chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chăm sóc và giáo dục cho trẻ. Bên cạnh đó, ngành giáo dục mầm non vẫn tiếp tục thực hiện chuyên đề văn học, chữ viết, sử dụng phần mềm trò chơi chương trình Kidsmart, chỉ đạo tổ chức học theo nhóm nhỏ để giáo viên có điều kiện quan sát, giúp đỡ cá nhân những em còn yếu... Hy vọng, trước những động thái đó của Sở sẽ làm hạn chế bớt tâm lý nôn nóng của các bậc phụ huynh.
Đại đoàn kết