Trước khi dạy con về 4 bộ phận riêng tư trên cơ thể không ai được phép chạm vào thì điều bố mẹ cần làm đó là dạy con gọi tên chúng một cách chính xác nhất.
Để bảo vệ con trước kẻ ấu dâm, các bố mẹ đã rất nỗ lực #thay_đổi_từ_nhận_thức, dạy con về các quy tắc an toàn, cách bảo vệ cơ thể... Tuy nhiên, có một điều căn bản mà theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh phải chú ý ngay từ đầu thì lại ít người làm được, đó là gọi tên chuẩn xác các bộ phận riêng tư trên cơ thể.
Vì e ngại, vì xấu hổ mà các bố mẹ, thầy cô thường dùng những tên gọi ngộ nghĩnh, nói tránh khi gọi tên hoặc giải thích cho trẻ về vùng kín trên cơ thể. Đây không những là việc làm không nên mà thậm chí, nó còn đẩy trẻ đến nguy cơ bị đe dọa bởi nạn ấu dâm.
Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh rằng, dạy trẻ về vùng kín cũng y như dạy trẻ về các bộ phận khác trên cơ thể như tay, chân, tai, mũi... Không việc gì phải xấu hổ khi gọi tên chính xác các bộ phận riêng tư đó.
Và dưới đây là những bộ phận trên cơ thể bố mẹ phải dạy con gọi đúng tên để phòng khi có sự việc không hay xảy ra, trẻ sẽ dùng đúng từ để diễn đạt cho rõ ràng.
Không dùng các tên gọi ngộ nghĩnh để chỉ những bộ phận trên cơ thể. Bố mẹ cần dạy con gọi chính xác tên của các bộ phận đó.
Dạy con gọi tên các bộ phận riêng tư trên cơ thể như thế nào?
Lyba Spring, một nhà giáo dục giới tính ở Toronto, Canada cho biết các nhà giáo dục sức khỏe giới tính và các chuyên gia về vấn đề lạm dụng trẻ em khuyên các bậc cha mẹ nên bắt đầu gọi đúng tên các bộ phận riêng tư trên cơ thể từ giai đoạn "trứng nước".
Bà gợi ý rằng bố mẹ cần gọi tên các bộ phận thích hợp khi con trẻ đang bắt đầu học về ngôn ngữ. Có thể nói với bé lúc tắm khi thành thói quen. "Khi bạn khởi đầu như thế, trẻ sẽ hiểu rằng bạn sẵn sàng để nói về những điều này. Bạn đang làm mẫu cho trẻ cách chia sẻ về cơ thể".
Lý do không nên dạy trẻ cách gọi tên vùng kín bằng nickname
Audrey Ratin, người quản lý tại Hiệp hội Phòng chống và ngăn chặn lạm dụng tình dục trẻ em Toronto cho biết: "Sử dụng thuật ngữ chỉ vùng kín chuẩn xác cũng là một cách để bảo vệ trẻ". Vì sao lại vậy, bởi:
1. Nếu một đứa trẻ bị ai đó chạm vào vùng kín một cách không phù hợp, bé có thể kể cho một người lớn đáng tin cậy của bé một cách chính xác. Từ đó, người lớn sẽ quan tâm đúng lúc hơn đến việc đã xảy ra.
Audrey Rastin giải thích: "Nếu phụ huynh công khai thảo luận và gọi tên các bộ phận cơ thể, tác dụng của từng bộ phận và như thế nào là hợp lý, việc đó giúp trẻ hiểu được rằng khi có sự tiếp xúc hoặc hành động nằm ngoài phạm vi của các mối quan hệ lành mạnh điều đáng lo ngại hoặc đó là lạm dụng".
Không ai được phép chạm vào vùng riêng tư trên cơ thể trẻ ngoại trừ cha mẹ, bác sĩ nếu bố mẹ cho phép.
2. Nếu một đứa trẻ nói với kẻ có ý định xấu: "Dừng lại ngay! Không được chạm vào âm đạo của tôi", kẻ đó biết rằng bé đã được trang bị kiến thức về an toàn cơ thể. Một đứa trẻ như thế sẽ ít có nguy cơ trở thành mục tiêu của những kẻ xâm hại. Do đó, việc sử dụng thuật ngữ chuẩn xác gọi tên các bộ phận riêng tư sẽ giúp bảo vệ các em khỏi nạn #xâm_hại_trẻ_em.
3. Gọi tên chuẩn xác các bộ phận riêng tư trên cơ thể ngay từ đầu giúp bố mẹ dễ dàng giải thích cho trẻ hiểu sự thay đổi trên cơ thể chúng khi bước vào giai đoạn dậy thì. Sẽ không có sự e ngại hay lúng túng nào nữa.
4. Nếu bộ phận sinh dục của con bạn bị tổn thương hay xuất hiện dấu hiệu bệnh nào đó, sẽ dễ dàng hơn để con mô tả triệu chứng cho bạn hoặc bác sĩ khi biết dùng thuật ngữ chính xác.
5. Học viện y khoa Mỹ cho rằng: "Nói tránh, gọi tên vùng kín bằng nickname dễ khiến trẻ suy nghĩ rằng có cái gì đó xấu xa đối với các bộ phận riêng tư đó...". Việc này có thể ẩn chứa hiểm họa vì chúng dẫn trẻ tới việc tin rằng, chúng phải giữ kín bất cứ động chạm thiếu phù hợp nào vào vùng kín của mình.
Theo Afamily