Khi trẻ bắt đầu vào tuổi đến trường, cha mẹ thường tự hỏi họ có thể làm gì để giúp con mình thành công.
Theo nghiên cứu, trẻ càng tham gia trò chuyện với người lớn thì vốn từ của chúng càng rộng. Vốn từ của chúng càng rộng ở tuổi mẫu giáo thì chúng càng đọc hiểu tốt hơn, thậm chí là đến 11 năm sau đó.
Dẫu vậy, không phải mọi hình thức trò chuyện với trẻ đều có lợi. Trẻ có thể buồn nếu bị la mắng, hay tỏ ra không quan tâm khi bị ra lệnh, cả hai tình huống này đều cản trở việc học ngôn ngữ.
Vậy làm thế nào để trở thành người trò chuyện với trẻ?
Cách tốt nhất là trò chuyện với con về các đồ vật và sự kiện chúng quan tâm. Việc bạn nói với con về các loại đá hay xe hơi không quan trọng, mà quan trọng là cả bạn lẫn con đều có tâm trạng tốt và đứa trẻ rất quan tâm tới những gì bạn đang nói đến.
Đây là một vài cách để giúp bắt đầu những cuộc nói chuyện đó:
1. Trò chuyện khi cùng con làm một điều gì đó, như đi dạo trong công viên hay đến thăm viện bảo tàng. Nhớ là không dùng điện thoại di động, thậm chí là thiết bị thu âm của viện bảo tàng. Thay vào đó hãy để ý những gì con nhìn và nói về đồ vật đó. Hãy hỏi chúng những câu hỏi về đồ vật ấy.
Trò chuyện với con khi đi dạo công viên, đi bảo tàng... - Ảnh: GETTY IMAGES
2. Tranh thủ thời gian chờ xe buýt, hẹn bác sĩ... để trò chuyện với con. Bạn có thể chơi trò tạo ra những cặp từ đồng âm cùng con, hoặc kể một câu chuyện mà bạn "sáng tạo" ra từ một sinh vật tuyệt vời hay một chú vịt thô lỗ.
Thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, và con bạn sẽ có nhiều niềm vui đến nỗi chúng quên luôn cằn nhằn vì phải chờ lâu, đã vậy bé còn cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình.
3. Đừng chỉ đọc cho trẻ một cuốn sách từ đầu tới cuối và yêu cầu chúng ngồi nghe trong yên lặng. Thay vào đó, hãy giúp con tham gia "đọc" cùng bằng cách hỏi trẻ vài câu về cảm giác của một nhân vật trong truyện, hỏi con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trước khi chuyển sang trang mới.
4. Ăn tối cả gia đình càng thường xuyên càng tốt. Tại bàn ăn, hãy hỏi con điều gì đã xảy ra trong ngày. Đừng chấp nhận câu trả lời "Dạ, không có gì!". Hãy yêu cầu con "phức tạp hóa" bất cứ điều gì chúng kể cho bạn nghe.
Một số gia đình tạo ra niềm vui bằng cách yêu cầu mỗi thành viên kể những chuyện tốt nhất và tệ nhất xảy ra với họ mỗi ngày.
5. Lúc trò chuyện với con, bạn nhớ tắt tivi, cũng đừng nên kè kè điện thoại bên người.
6. Kể cho con nghe những gì đã xảy ra với bạn khi bạn còn thơ ấu: kể cho con nghe về tuần đầu tiên của bạn ở trường, về giáo viên lớp 1 (hoặc 2, 3...), kể cho con nghe bạn từng quên mang theo bút hay làm mất vở bài tập ở nhà ra sao.
Cùng đọc sách và trò chuyện với con - Ảnh: GETTY IMAGES
Những điều cần lưu ý
Ở Việt Nam, hiện có nhiều người cho rằng cha mẹ nên trò chuyện với con bằng tiếng Anh để con phát triển ngôn ngữ này.
Còn ở Mỹ, các bậc cha mẹ có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Anh có thể nghe từ những chuyên gia "dỏm" rằng họ nên nói chuyện với con chỉ bằng tiếng Anh, nếu không thì đứa trẻ sẽ bị lẫn lộn giữa hai ngôn ngữ.
Đây là lời khuyên tệ hại. Các nghiên cứu rộng rãi cho thấy cha mẹ nên sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ trong giao tiếp với con cái. Trò chuyện với trẻ bằng một ngôn ngữ mà cha mẹ không thông thạo và không thấy thoải mái không phải là điều tối ưu cho cả họ lẫn con.
Nhiều cha mẹ khác thì khám phá ra rằng nếu muốn con "ngoan", chỉ cần giao cho chúng một chiếc smartphone để chơi game hay cho phép chúng xem một bộ phim yêu thích.
Rủi thay, cuộc trò chuyện mà trẻ nghe được trên ti vi, phim ảnh hay các thiết bị cầm tay không phải là tốt nhất.
Trẻ nhỏ thường bị hấp dẫn bởi nhiều trò chơi trên iPad, iPhone nhưng những thứ này không tốt cho trẻ - Ảnh: CHÂU ANH
Trong một nghiên cứu gần đây với gần 900 trẻ em, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng thời gian trẻ sử dụng các thiết bị cầm tay càng nhiều thì đứa trẻ đó càng có khả năng bị phát triển chậm trong kỹ năng ngôn ngữ diễn tả, ngay cả từ lúc mới 18 tháng tuổi.
Hiện tượng này đã được quan sát rộng rãi bởi những nhà trị liệu các khuyết tật trong vấn đề ngôn ngữ, và tổ chức của họ, ASHA, đã có những phát biểu thẳng thắn về các mối nguy hiểm trong "chiến lược" nuôi dạy con cái hiện đại này.
Trò chuyện với trẻ không cần phải có thiết bị đắt tiền nào, cũng không tốn chi phí gì mà còn làm cho chúng thông minh hơn và kết nối hơn với bạn.
Vậy thì sao bạn không làm?
Theo Tuổi trẻ Online.